{keywords}
 

Tại buổi nói chuyện, bà Phạm Việt Hà (người sáng lập OEA Vietnam với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục) kể một câu chuyện từng diễn ra mà nhân vật chính là những người trong gia đình mình.

Bố của bà là một kỹ sư cơ khí nhưng sau trải nghiệm nghề nghiệp, ông không muốn con trai mình theo học kỹ thuật.

Em trai bà dù thích và đỗ vào 2 trường kỹ thuật nhưng vì thương bố, đành quyết định theo học kinh tế. Cậu học rất giỏi và sau tốt nghiệp được giữ lại làm giảng viên của Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Sau đó sang Úc và học tiếp về ngành Tài chính ứng dụng và rồi làm việc cho một trong những tổ chức thuộc Big Four, rồi chuyển làm sếp của một quỹ đầu tư,...

“Mặc dù xét về năng lực, nó rất giỏi với nghề nghiệp đó, xét về mức độ thành công, cũng có thể được gọi là thành công. Nhưng, em trai tôi chưa bao giờ hạnh phúc với những nghề đó. Chưa bao giờ em tôi yêu các công việc đó và luôn trong đầu có ý nghĩ bỏ việc và bỏ việc. Điều đau lòng nhất của tôi là đã không giúp được em mình ở thời điểm ra quyết định chọn nghề nghiệp”, bà Hà chia sẻ.

{keywords}
Bà Phạm Việt Hà

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Hải Yến, phụ trách Marketing của công ty Tek Experts chia sẻ thực tế công ty cũng có rất nhiều trường hợp nhân sự sau một khoảng thời gian vào thì nhận thấy bản thân chưa thực sự phù hợp với môi trường.

Theo bà Yến, câu chuyện này cũng không chỉ ở công ty mình mà xảy ra ở rất nhiều công ty khác nhau.

“Do đó trước khi nộp hồ sơ, các bạn trẻ cần phải nghiên cứu môi trường công việc đó ra sao, công việc thực tế mà mình sẽ làm là gì để không bị ảo tưởng về công việc. Bởi chính những sự thất vọng về công việc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của bạn. Đó không chỉ là tổn thất với công ty mà phía các bạn trẻ cũng sẽ mất đi một chặng đường dài”.

Còn Nguyễn Đức Anh (một cựu học sinh chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Amsterdam- Hà Nội, hiện đang là Youtuber và là người sáng lập nên ứng dụng đọc sách Nano Book) chia sẻ hiện anh đang cảm thấy rất thoải mái và hài lòng với những công việc mình đang làm. Đơn giản nó phù hợp với sở thích được quay phim, nghe nhạc, và đi du lịch của bản thân.

Song trước đó, Đức Anh cũng nếm trải nghiệm chuyện phụ huynh phản đối nghề nghiệp mà mình mơ ước. “Nhưng để thuyết phục cha mẹ thì có thể bạn phải tự mình hành động thực tế, và tốt hơn thì chứng tỏ được cho cha mẹ thấy mình tự lo được cho bản thân”.

Theo bà Phạm Việt Hà, hiện nay mức độ tự quyết của giới trẻ đã thay đổi rất nhiều. “Vì vậy, tôi có lời khuyên nếu các bạn là người trẻ hãy trò chuyện với bố mẹ để nói lên những suy nghĩ và nguyện vọng của mình. Bởi dù thành công hay thất bại thì đó cũng là cuộc đời của các bạn. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng nên suy nghĩ về những tư vấn của bố mẹ, không phải họ sai cả đâu. Điều quan trọng là hãy ra quyết định một cách có trách nhiệm với bản thân và cả những người yêu thương mình. Bởi thành công và thất bại của bản thân sẽ không chỉ ảnh hưởng đến bản thân bạn”.

Bà Hà cho rằng để có thể được định hướng nghề nghiệp, bạn trẻ cần phải trả lời 5 câu hỏi: Thứ nhất là bạn thích gì? Thứ hai là bạn thuộc nhóm tính cách nào? Thứ ba, bạn có năng lực làm tốt nhất việc gì trong số những nghề bạn thích và phù hợp với tính cách của bạn? Thứ tư, trong số những việc đó, thị trường cần cái gì? Và cuối cùng trong số những thứ bạn thích, giỏi và phù hợp, thị trường cần ấy thì sự so sánh về mức trả, giữa chi phí và lợi ích ra sao.

Để từ đó, đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Có lãng phí thời gian khi bỏ những công việc cũ?

Trước câu hỏi này của các bạn trẻ, anh Trần Trung Hiếu, CEO TopCV - một đơn vị hỗ trợ rất nhiều các doanh nghiệp tuyển dụng ở Việt Nam chia sẻ: Công ty chúng tôi gồm 100 người với 60-70% là các bạn trẻ vừa mới ra trường. Trong số đó, có những bạn đã làm được 1-2 năm và làm rất tốt ở vị trí của mình nhưng vẫn luôn đặt câu hỏi là không biết có hợp với nghề này không và có nên chuyển nghề.

{keywords}
Anh Trần Trung Hiếu.

"Tuy nhiên, điều các bạn trẻ cần lưu ý là khi bắt đầu với một công việc nào đó thì không quan trọng các bạn làm nó trong bao lâu mà quan trọng nhất là tại thời điểm làm việc đó thì bạn cần phải tập trung hết sức, để có thể khám phá thực sự mình có hợp nó hay không.

Các bạn cần trả lời được câu hỏi tôi đã làm việc hết sức hay chưa? Có thực sự phù hợp với nó hay không? Và nếu thấy không hợp thì lúc đó mới tính chuyển sang một công việc khác. Đó là cách để các bạn đỡ lãng phí về mặt thời gian”, anh Hiếu đưa lời khuyên.

Là “dân chuyên Anh”, Youtuber Nguyễn Đức Anh cho hay bản thân từng thích nhiều thứ và những khoảng thời gian tập trung chuyên vào những điều đó cũng tạo ra giá trị cho công việc hiện tại mà anh đang làm. “Làm Youtuber không chỉ đòi hỏi biết quay phim mà còn phải biết chọn nhạc. Một video hay cần phải biết cách quay, cách chọn nhạc hay và hiểu nhạc,... nhưng điều này không gây khó cho mình bởi trước đó mình từng thời gian thích nhạc”.

Chính vì vậy, Đức Anh cho rằng, việc “nhảy” nghề là hoàn toàn bình thường. Nhưng trước khi các bạn trẻ đưa ra quyết định chuyển nghề, theo Đức Anh, hãy cố làm hết mình với công việc hiện tại. Anh cho rằng nên cố gắng đến mức “cảm giác mình không thể học thêm được nữa” trước khi sang một lĩnh vực mới.

Thực tế với công việc hiện tại, khi ra những ý tưởng mới, chàng trai trẻ này có thể áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học được ở những công việc trước để hỗ trợ một cách hiệu quả.

“Sau này khi đối diện với một thử thách mới thì những kinh nghiệm cũ dù ở bất kỳ ngành nghề nào cũng sẽ hỗ trợ cho nhau và mang lại hiệu quả không ngờ”, Đức Anh tâm sự.

Bà Phạm Việt Hà, chia sẻ đã từng thử sức qua nhiều nghề, từ gia sư, maketing cho một tập đoàn của Đài Loan, rồi phụ trách phòng tổng hợp tin thị trường của một tập đoàn Ấn Độ, hay giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong suốt 17 năm.

Chia sẻ lý do cho những lần nhảy việc, bà cho hay bởi không thấy mình tốt lên, có những kỹ năng, học được những điều mới và cần phải chuyển sang một môi trường mới. Song, kinh nghiệm của các công việc từng kinh qua đều giúp ích cho chặng đường phía sau.   

Những trao đổi trên được chia sẻ tại buổi talkshow ra mắt sách “Người trong muôn nghề” do Spiderum và Top CV tổ chức. Cuốn sách nhằm mang đến cho các bạn trẻ và cả các phụ huynh những trải nghiệm hướng nghiệp từ những câu chuyện mang những góc nhìn chân thật nhất từ những người đi trước theo những nhóm ngành nghề khác nhau.

“Những câu chuyện giúp chúng ta có niềm tin hơn với bức tranh nghề nghiệp rõ ràng chứ không phải chỉ góc nhìn bản thân tôi nghĩ hay mọi người nghĩ. Quyển sách giúp các bạn thêm góc nhìn chứ không đưa ra cho các bạn quyết định cụ thể”, anh Trần Trung Hiếu chia sẻ.

Hải Nguyên