Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua, Nguyễn Đức Thuận (học sinh lớp 12 Tin, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh) giành được giải Nhì, là lần thứ hai cậu đạt được kết quả cao từ cuộc thi này.

Đây là điều chị Đỗ Thị Hoài San (Quế Võ, Bắc Ninh), mẹ của Thuận, chưa bao giờ dám mơ. Niềm mong ước của người mẹ trong suốt 17 năm qua là Thuận luôn sống thật vui vẻ và khỏe mạnh.

Những giấc ngủ chỉ được tính bằng giây

Chị San sinh Thuận trong một ca sinh khó, kéo dài suốt 4,5 tiếng. Khi tỉnh lại, người mẹ vội giở tã cuốn con ra thì thấy bàn tay của con quặp xuống, tím đen bất thường. Suốt hai ngày sau, con không chịu khóc. Chị San bèn gọi bác sĩ tới. Nhưng khi đã khóc được rồi, Thuận lại khóc to suốt cả đêm.

Ròng rã 4 tháng đưa con đi khắp các viện từ tuyến huyện đến tuyến trung ương, chị San như gục ngã khi nghe bác sĩ kết luận, con mắc bệnh bại não thể co cứng.

Đưa con về nhà, đêm nào con cũng ngằn ngặt khóc, người mềm như cọng bún. Nhìn con, chị San cũng ứa nước mắt theo. “Những giấc ngủ có lẽ chỉ tính bằng giây, chứ không phải bằng phút, bằng giờ”, chị San nhớ lại.

3 năm sau đó, Thuận vẫn dẻo như cái lạt, đầu nghẹo xuống, không thể lẫy. Người mẹ không bế được thì chỉ có thể vác con lên vai suốt cả đêm.

{keywords}

Thuận và mẹ - chị Đỗ Thị Hoài San

Con lên 4 tuổi, bắt đầu biết nói, nhưng ngọng nghịu và chỉ có mẹ mới hiểu được, chị San vẫn quyết tâm phải cho con được đi học.

Chỉ có điều, khi con đi học, mẹ cũng phải đến trường. Lúc nào, mẹ cũng ngồi sát bên Thuận, tay đỡ đằng sau con, bởi chỉ cần cô giáo nói to một chút, Thuận cũng có thể sẽ giật mình mà ngã ngửa ra đằng sau.

Mặc dù đi học khó khăn, nhưng Thuận lại được thầy cô đánh giá có nhận thức tốt hơn hẳn so với các bạn trong lớp.

Thậm chí, chị San nhớ lại, từ khi lên 4, Thuận đã có thể đọc hết dãy số điện thoại dài 10 – 11 chữ số dù mới chỉ được nghe một vài lần. Đến khi đi học mẫu giáo, Thuận đã biết cộng, trừ và nhớ hết mặt chữ dù không được ai dạy cho.

Đồng hành cùng con tới tận năm lớp 3, chị San mới không phải đi học cùng con nữa. Thuận được các thầy cô ưu ái làm riêng cho một chiếc ghế tựa để cậu có thể tự ngồi học mà không cần đến mẹ.

Tranh thủ những lúc con tới trường, chị San lại đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Chồng chị vốn là bộ đội xa nhà. Hàng tháng, hai vợ chồng thường gom góp, dành tiền cho con chữa bệnh. Dồn hết tiền vào việc mua thuốc, nên anh vẫn thường bị mọi người trong cơ quan trêu: “Sỹ quan nghèo nhất tỉnh Bắc Ninh”.

{keywords}

Thuận cùng các bạn học

Suốt những năm tháng chăm con vất vả, chồng đi công tác xa nhà, con lớn lại đi học nội trú trên trường chuyên tỉnh, chị San vừa tủi thân, vừa thấy thương con.

“Thuận rất khó ngủ nên hay trằn trọc cả đêm. Đến giờ con vẫn vậy, cứ vật vã miết nên mẹ cũng mất ngủ theo. Hiện con cũng chưa thể tự đứng lên ngồi xuống hay đi lại được. Ở nhà, Thuận chỉ bò, nhưng không phải bò bình thường mà nhảy lên như con ếch. Con như vậy nên tôi cũng không cho phép bản thân mình được ốm, bởi kể cả ốm cũng vẫn phải gượng dậy chăm con”.

Trái ngọt của những nỗ lực không ngừng

Suốt 17 năm chăm con khiến sức khỏe của chị San giảm sút đi rất nhiều, cũng chỉ nặng vỏn vẹn 40kg. Nhưng điều khiến chị quên đi tất thảy những khó nhọc ấy, là Thuận luôn hiếu thảo và rất biết thương mẹ. 12 năm đi học, Thuận luôn nỗ lực không ngừng và năm nào cậu cũng đứng đầu lớp.

Đến năm 2019, khi còn đang là học sinh lớp 11 của Trường THPT Quế Võ, Thuận đã giành giải Ba môn Tin học trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Cũng nhờ thành tích ấy, Thuận được nhận vào học tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh.

Đến kỳ thi học sinh giỏi vừa qua, Thuận tiếp tục đạt giải Nhì. Cậu cũng ẵm luôn giải Nhất Hội thi Tin học trẻ Toàn quốc.

{keywords}

Việc di chuyển của Thuận vẫn cần sự giúp đỡ của mẹ

Để có được kết quả cổ tích như ngày hôm nay, mẹ con Thuận đều không quên những người đã giúp đỡ mình trong suốt chặng đường ấy. Chị San cho rằng, ân tình mà các thầy cô giáo dành cho Thuận chính là những may mắn mà Thuận nhận được trong cuộc đời.

“Con đã gặp được quá nhiều thầy cô, bè bạn tốt”, chị San xúc động nói.

Đó là thầy giáo dạy Thuận ở Trường THPT Chuyên Bắc Ninh - người sẵn sàng một tuần 7 buổi dạy kèm miễn phí môn Tin cho Thuận.

Đó là các thầy ở Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên đã đón Thuận lên Hà Nội, tạo mọi điều kiện để cậu được học tập cùng các bạn trong đội tuyển Tin quốc gia của trường.

Năm lớp 2, Thuận cũng nhận được sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm. Cô không có điều kiện, nhưng khi biết gia đình muốn đưa Thuận đi mổ chân, cô cũng sẵn sàng đi vay tiền hộ và trả lãi thay để gia đình yên tâm chữa trị cho con. Đến bây giờ, cô vẫn thường xuyên gọi điện, nhắn tin hỏi thăm: “Sức khoẻ con dạo này vẫn ổn chứ?”.

Có quá nhiều người tốt nên Thuận nói, em thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với tất cả những hy sinh ấy.

“Em cũng từng rất buồn, thậm chí đã bật khóc khi bị ai đó trêu đùa hay kỳ thị. Nhưng rồi, lại có những người quá tốt xung quanh em xuất hiện. Đó chính là điểm tựa giúp em vượt qua được những trở ngại”.

Chị San nói, đã từng có lúc chị cảm thấy tuyệt vọng khi nhìn về tương lai, nhưng giờ đây chị lại được con “truyền ngược” niềm tin, hy vọng và sự lạc quan.

“Thuận bản lĩnh, ít khi ca thán hay cáu gắt. Chính tôi cũng phải học từ con rất nhiều”.

Ước mơ của Thuận là trở thành sinh viên của Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, làm một lập trình viên trong tương lai.

“Em rất muốn trở thành một người có ích cho xã hội chứ không phải là một gánh nặng. Em sẽ cố gắng để chăm lo được cho gia đình, nhất là cho mẹ. Những năm tháng qua mẹ đã vất vả và hy sinh cũng nhiều rồi”.

Thúy Nga

Đôi chân diệu kỳ của cô học trò người dân tộc Sán Dìu

Đôi chân diệu kỳ của cô học trò người dân tộc Sán Dìu

Nhìn những nét chữ đẹp đẽ, ngay ngắn trên những trang vở sạch sẽ, thỉnh thoảng lại có dòng bút đỏ “Cô khen”, ít ai có thể tưởng tượng được, chúng được viết ra từ đôi chân của cô bé khuyết tật Linh Thị Hồng.

Đằng sau tấm HCĐ Vật lý quốc tế của nam sinh nghèo ở Bắc Ninh

Đằng sau tấm HCĐ Vật lý quốc tế của nam sinh nghèo ở Bắc Ninh

Mẹ mắc bệnh ung thư thanh quản không nói được, kinh tế gia đình rất khó khăn, thế nhưng Mạnh vẫn nỗ lực vươn lên và mới đây đã giành huy chương Đồng tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu.

Cô gái 'đi học bằng đôi tai' giành giải Ba thi HSG quốc gia

Cô gái 'đi học bằng đôi tai' giành giải Ba thi HSG quốc gia

Bị khiếm thị bẩm sinh, nhưng Dương Thị Mai Phương (lớp 11 Văn, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Kỳ thi HSG quốc gia 2020, Phương đã xuất sắc giành giải Ba môn Lịch Sử.