Ý tưởng tái chế lõi ngô của nhóm học sinh các trường BVIS, Concordia, BIS, Archimedes xuất phát từ chuyến du lịch tại Mai Châu (Hòa Bình) vào mùa hè năm ngoái.
“Khi đó, bọn em đi trên đường thì thấy nhiều người dân đốt lõi ngô ở hai bên. Việc đốt lõi ngô thải ra rất nhiều khí độc hại khiến mọi người hít phải. Vì vậy, bọn em đã nảy ra ý tưởng tái chế lõi ngô thành nguồn dinh dưỡng tự nhiên phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi và cũng là để cải thiện môi trường sống của bà con vùng núi”, Nguyễn Ngọc Khánh Linh, một thành viên trong nhóm chia sẻ.
Từ ý tưởng đó, sau khi trở về, nhiều bản phác thảo đã được cả nhóm vạch ra. Chưa có kinh nghiệm, các em dành thời gian gần một năm để đi thực tế, xây dựng chiến lược kinh doanh và đưa sản phẩm ra thị trường.
7 học sinh trong một chuyến đi thực tế ở Hòa Bình |
Sau khi trình bày bản kế hoạch, các phụ huynh đã đồng ý đầu tư vốn.
“May mắn, trong giai đoạn đó, bố mẹ có kết nối để chúng em được đi tham quan một số nhà máy, doanh nghiệp. Được trực tiếp tìm hiểu về công nghệ sản xuất phân bón có nguồn gốc tự nhiên, điều đó càng thôi thúc chúng em cần phải đi xa hơn nữa”, Linh nói.
7 học sinh Hà Nội thành lập Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cobtain Việt Nam
Gần một năm sau, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cobtain Việt Nam ra đời. Tên gọi là sự kết hợp của Cob (lõi ngô) và Obtain (sự bền vững), thể hiện khát khao của cả nhóm về một sản phẩm có chất lượng bền vững đến từ lõi ngô.
Để chuyên nghiệp hoá sản phẩm, nhóm đã thuê một nhà máy đặt tại Hòa Bình, tái chế lõi ngô thành 2 dòng sản phẩm chính là viên nén lõi ngô - dùng làm thức ăn; ủ ấm cho gia súc trong thời tiết giá rét; hút ẩm, lót sàn chuồng trại, giúp phân huỷ các chất thải do gia súc, gia cầm và vật nuôi thải ra. Ngoài ra, viên nén còn có thể sử dụng để rải lên bề mặt đất giúp giữ ẩm và giữ chất dinh dưỡng từ phân bón cho cây.
Sản phẩm thứ hai được nhóm phát triển là lõi ngô nghiền - vốn được sử dụng để rải lên các loại cây trồng.
“Chúng em đã nghiên cứu nhiều số liệu và nhận thấy lõi ngô có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với vỏ trấu, xơ dừa hay rơm rạ do giàu protein. Chỉ cần nghiền ra, sấy và ép thành viên, lõi ngô vẫn sẽ giữ được nguyên chất”.
Viên nén lõi ngô - dùng làm thức ăn; ủ ấm cho gia súc trong thời tiết giá rét
Lõi ngô nghiền được sử dụng để rải lên các loại cây trồng.
“Nguyên liệu được thu mua, đem về sản xuất, sau đó lại bán lại cho người tiêu dùng để tiếp tục trồng trọt. Nhờ vậy, mô hình của chúng em là một vòng tròn khép kín và không có chất thải”, Nguyễn Vĩnh Hạnh Linh, một thành viên trong nhóm chia sẻ.
Tiêu thụ 34 tấn trong 2 tháng
Khởi nghiệp khi đang ở lứa tuổi học sinh, Phương Nhi, người phụ trách mảng Marketing cho rằng còn rất nhiều thứ cả nhóm phải tự học và tìm hiểu.
“Khó khăn nhất có lẽ là khâu tìm hiểu thị trường. Chúng em phải mất hơn 1 tháng để tìm kiếm tất cả những công ty đối thủ ở trong và ngoài nước.
Ngoài ra, cả nhóm cũng phải chia nhau thu thập danh sách các cửa hàng thú cưng, cây cảnh, các chung cư tại Hà Nội, sau đó đến từng nơi để tìm kiếm khách hàng”.
Đối tượng mà các bạn trẻ hướng tới trong giai đoạn đầu là những chủ trang trại chăn nuôi, vườn cây và những người có thu nhập khá.
“Hiện tại, đơn giá cho hai sản phẩm chính là 7.000 đồng/kg, cao hơn so với vỏ trấu nên việc tiếp cận người nông dân khi chưa tối ưu được sản phẩm là điều khá khó khăn”, Nhi nói.
Để chuyên nghiệp hoá sản phẩm, nhóm đã thuê một nhà máy đặt tại Hòa Bình
Song song với thời gian nghiên cứu thị trường, cả nhóm đi tìm kiếm sự giúp đỡ của những chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể như marketing, bán hàng...
“Ở trường chúng em có nhiều thầy cô am hiểu về kinh doanh. Ngoài ra, có các cô chú là bạn của bố mẹ cũng là những chuyên gia giúp đỡ và tư vấn cho chúng em rất nhiều”.
Ngoài một chi nhánh phân phối trực tiếp, nhóm còn bán thông qua website và Facebook. Ngày đầu tiên bán thử sản phẩm, cả nhóm chỉ thu về 100.000 đồng tiền lãi. Để làm việc hiệu quả hơn, nhóm đã phân ra thành các phòng ban như phòng Tài chính, phòng Nghiên cứu Thị trường, phòng Marketing, phòng Kinh doanh để chuyên môn hoá công việc.
“Trong quá trình tìm hiểu thị trường, chúng em nhận thấy ở Hàn Quốc mỗi năm cần tới 800.000 tấn nguyên liệu rải sàn cho vật nuôi. Do đó, chúng em đã chủ động gửi hồ sơ năng lực của công ty, bao gồm thông tin giới thiệu sản phẩm, các giấy tờ chứng nhận... cho các trang trại ở Hàn Quốc. Kết quả, một trang trại lợn đã đặt đơn hàng 20 tấn viên nén lõi ngô”.
Sau 2 tháng bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường, nhóm đã bán được hơn 34 tấn thành phẩm.
Điều khiến Cobtain bước đầu thành công, theo Thái Uyên, một thành viên của nhóm là do đã tìm được “thị trường ngách”.
“Khi các công ty đối thủ chủ yếu xuất ra nước ngoài, chúng em may mắn phát triển được thị trường nội địa. Nhóm vẫn đang cố gắng phát triển thêm sản phẩm mới và tối ưu hoá sản phẩm đang thực hiện để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn nữa”, Uyên nói.
Dù là người làm trong lĩnh vực kinh doanh, nhưng chị Quỳnh Trang - mẹ của một thành viên trong nhóm - vẫn để con tự mày mò, học hỏi.
“Mình vui vì các con ham học hỏi, biết tìm đến người giỏi nhất để tham khảo ý kiến. Bức tranh kinh doanh cứ thế dần mở rộng và các con tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết. Mình coi đây giống như một sân chơi, giúp các con phát triển cả kỹ năng làm việc nhóm, thu thập thông tin đến những thứ nhỏ nhất như khả năng sử dụng Excel", chị Trang nói.
Mới đây, nhóm tham gia cuộc thi Khởi nghiệp trẻ quốc tế SAGE Global 2020 và đã giành giải Vô địch của cuộc thi.
Thúy Nga
7 học sinh Hà Nội giành giải Vô địch cuộc thi Khởi nghiệp trẻ quốc tế
Đêm 11/8, đội Cobtain, một đại diện của Việt Nam đã được xướng tên với ngôi vị cao nhất tại chung kết cuộc thi Khởi nghiệp trẻ Quốc tế - SAGE Global 2020 với dự án tái chế cùi Bắp.