Hơn 4 năm mò mẫm nghiên cứu, được sự trợ giúp của thầy cô bạn bè và chính những người là nạn nhân chiến tranh, Phạm Huy đã chế tạo thành công cánh tay robot có thể giúp người khuyết tật thoải mái với cuộc sống của mình.
Ý tưởng dành cho người khuyết tật
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, Phạm Huy (học sinh lớp 11, trường THPT thị xã Quảng Trị) luôn ấp ủ trong mình khát vọng làm điều gì đó giúp ích cho những nạn nhân của chiến tranh. Chính điều này luôn thôi thúc cậu học sinh nghiên cứu và chế tạo thành công “Cánh tay robot dành cho người khuyết tật”.Năm Huy đang học lớp 8, ý tưởng thiết kế cánh tay robot bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ của em. Cũng chính từ đó, Huy mò mẫm tìm hiểu và nhờ lượng kiến thức trên internet, Huy bắt đầu hình dung chế tạo cánh tay robot điều khiển từ bộ cảm ứng lắp đặt ở giày và cổ chân người khuyết tật.
Việc điều khiển này do các ngón chân điều khiển bốn nút ở đầu mũi giày, tương ứng với cử động co duỗi 5 ngón tay. Cảm ứng chuyển động và cảm ứng nghiêng lắp ở cổ chân điều khiển cánh tay co duỗi, xoay các hướng. Sản phẩm có thể thiết kế cho người mất hoàn toàn hay một phần cánh tay.
Cánh tay có thể cầm nắm được vật nhẹ như thìa nhôm, ly nước, nâng tạ co duỗi nặng 2 kg, xách được vật nặng 11 kg. Quá trình hoàn thiện sản phẩm, Huy nhờ một người khuyết tật sử dụng thử và nhận được đánh giá tích cực.
Phạm Huy. Ảnh: Thanh Hùng |
Năm lớp 10, sản phẩm đầu tay của Huy dự cuộc thi của cộng đồng thiết kế trên mạng Internet và giành giải khuyến khích. Một năm sau, em cải tiến sản phẩm, trình bày ý tưởng với nhà trường và dự các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Việc làm cánh tay hỗ trợ cho người khuyết tật có nhiều trên thế giới, nhưng hỗ trợ cho người mất đi hoàn toàn cánh tay thì chưa có nhiều, nhất là ở Việt Nam. Cánh tay này em sẽ tiếp tục hoàn thiện, có giá thành sản phẩm rất rẻ chỉ 2,8 triệu đồng, hy vọng được ứng dụng trong cuộc sống, giúp đỡ nhiều người khuyết tật….
Hiện thực hoá ước mơ…
Tâm sự với chúng tôi, thầy giáo Lê Công Long - giáo viên hướng dẫn em Huy - cho biết: Huy đã rất nỗ lực để hoàn thiện sản phẩm. Nhiều đêm hai thầy trò nghiên cứu, làm việc đến khuya, hoàn thiện chính xác từng chi tiết cho sản phẩm. Huy rất kỳ vọng ở sản phẩm của mình.
Đây là cơ hội thi tài hiếm có và em mong muốn sản phẩm “Cánh tay robot” được nhiều người biết và đưa vào ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn. Sản phẩm sẽ giúp ích phần nào cho những người không may bị mất đi cánh tay.
Phạm Huy và lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Trị tại sân bay Nội Bài tối 13/5 |
Sau chuỗi ngày miệt mài, sản phẩm cánh tay robot của Huy là một trong 5 dự án giành giải Nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia khu vực phía Bắc, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đại diện Việt Nam dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017) tại California, Mỹ.
Sau 2 lần bị từ chối cấp visa, tưởng như cánh cửa đến nước Mỹ để tham dự một cuộc thi mang tầm quốc tế đã khép lại thì một hy vọng mới mở ra là Đại sứ quán Mỹ tạo điều kiện cho em Huy được phỏng vấn thêm một lần nữa vào sáng 13/5.
Hiện tại Huy đã được Đại sứ quán Mỹ chấp thuận cấp visa và Huy cùng cánh tay robot của mình trên đường sang Mỹ để lần nữa khẳng định chính mình và nếu thành công thì những nạn nhân chiến tranh không chỉ riêng tỉnh Quảng Trị mà cả nước và toàn thế giới có thể hưởng niềm vui từ sản phẩm của cậu học trò vùng đất lửa một thời trong chiến tranh này.
Theo Vĩnh Quý/Giáo dục - Thời đại