Là một người hiếm hoi trong bản nghèo đỗ đại học, bằng sự quyết tâm và say mê với bộ môn múa, Nùng Văn Minh đã trở thành thủ khoa "kép" ngành Huấn luyện múa, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
Chàng trai Thái mê múa
Nùng Văn Minh (1996) là người dân tộc Thái ở bản Nà Hoi (Thân Thuộc, Tân Uyên, Lai Châu). Ngày vừa mới học hết cấp 2, Minh từng phải đứng trước bài toán sẽ tiếp tục đi học hay ở nhà làm nương rẫy phụ cha mẹ.
Cùng lúc ấy, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Lào Cai bắt đầu chiêu sinh trong các vùng lân cận. Một người họ hàng xa cũng là giảng viên của trường thấy cậu bé 16 tuổi có chút năng khiếu về hát múa nên đã động viên bố mẹ cho Minh theo học.
Vốn là những người không biết chữ, bố mẹ Minh cũng không hiểu lắm về những gì ngôi trường này đào tạo. Nhưng cả hai vẫn quyết định cho cậu con trai đi học với kỳ vọng, con cũng sẽ thành công như người thầy trong bản của mình. Và điều quan trọng nhất, khi học ở đây, Minh sẽ không phải đóng học phí.
Được đi học cấp 3, Minh bắt đầu phải tự thích nghi với cuộc sống xa nhà. Cậu trai vốn chưa từng đi xa quá khỏi bản, bước chân vào môi trường mới trở nên lạ lẫm và rụt rè.
Còn một người mẹ không biết gì về múa, trước ngày con lên đường vẫn kéo tay con lại và dặn: “Đừng có ngại. Cố bắt chước và làm theo những gì thầy cô dạy”.
Nùng Văn Minh (1996) là người dân tộc Thái ở bản Nà Hoi (Thân Thuộc, Tân Uyên, Lai Châu)
Vóc dáng cao gầy vốn quen với việc lao động, lên nương làm rẫy bỗng lại trở thành lợi thế cho Minh khi theo đuổi nghiệp múa. Nhưng cậu bắt đầu phải đối mặt với chuỗi ngày khắc nghiệt gồng mình lên để có cơ thể mềm dẻo và thanh thoát.
Những bài tập cơ bản của ballet như ép dẻo, chỉnh tư thế cơ thể khiến Minh phải chịu nhiều đau đớn.
“Những lúc ấy em thường nghĩ đến bố. Ngày đầu tiên em xuống Lào Cai học, chỉ có mẹ ra tiễn. Khi đi bộ đến ngoài đường lớn, em bắt gặp hình ảnh của bố đang vác xi măng thuê. Hình ảnh ấy khiến em không bao giờ quên được.
Từ khi em học cấp 3, bố cũng phải làm việc nhiều hơn. Hầu hết đó đều là những công việc nặng vì bố em không biết chữ. Động lực ấy thôi thúc em phải cố gắng vượt lên tất cả và không cho phép bản thân từ bỏ”.
Minh và bố mẹ ngày xuống Hà Nội
Ngành múa vốn khắc nghiệt. Vì thế, đến hết những năm cấp 3, trong lớp chỉ có duy nhất mình Minh có ý định theo tiếp đến bậc đại học. Câu chuyện về cậu học trò người Thái quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật bỗng trở thành “chuyện hiếm” trong thôn bản.
Thấy vậy, các thầy cô của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Lào Cai lại tạo mọi điều kiện giúp đỡ để Minh có thể thi đỗ vào Trường Đại học Sân Khấu và Điện ảnh Hà Nội.
Trong kỳ thi năm 2015, Nùng Văn Minh trở thành người có tổng điểm thi đầu vào cao nhất Khoa múa.
Minh cho biết, em cảm thấy may mắn vì có các thầy cô giỏi và rất tâm huyết đồng hành. Ở đó, em không chỉ được học những bài múa mà còn học cả cách làm người.
Ước mơ làm thầy giáo
Ngày xuống Hà Nội học đại học, mẹ cậu dúi cho con trai 2 triệu đồng tiền “lộ phí”. Xuống đến Hà Nội, cậu quyết tâm tính chuyện đi làm thêm. Sau này, khi đã dần quen với môi trường mới, Minh được các thầy cô giới thiệu cho đi diễn. Số tiền catse đủ để cậu tự trang trải trong suốt quãng thời gian học đại học.
“Ở trường không có nhiều bạn đến từ vùng quê như em. Em cũng không phải ‘con nhà nòi’. Thứ duy nhất em có là niềm say mê với môn múa và có bố mẹ luôn ủng hộ dù em biết, có lẽ bố mẹ cũng không hiểu tương lai ngành nghề của em sẽ ra sao.
Em cứ thế học từ bố sự cần cù, chịu thương chịu khó. Đặc biệt, bố em còn là một người ‘say’ chơi các nhạc cụ của dân tộc Thái mà ít ai giữ được đến thời điểm này”.
Là con trai theo nghiệp múa, không ít lần Minh nhận được những câu hỏi “không mấy chân tình” về tính chất nghề nghiệp. Nhưng cũng giống như suy nghĩ “con gái không thể học được Kỹ thuật”, Minh cho rằng mọi ngành nghề đều không có sự phân biệt giới tính. Thậm chí, trong bộ môn múa, con trai cũng có thể đóng vai trò làm trụ chính.
Câu chuyện về cậu học trò người Thái quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật bỗng trở thành “chuyện hiếm” trong thôn bản
Điêu luyện và chuyên nghiệp, năm 2017, Minh được tuyển chọn và tham gia chương trình giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chàng trai người Thái cũng nằm nhóm diễn viên Việt Nam được nhận thư mời sang Nhật Bản tập vở múa biểu diễn tại đất nước này.
“Em ấn tượng nhất là nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ở Nhật rất cao. Người Nhật rất đón nhận và trân trọng tác phẩm dù có thể mỗi người sẽ có cách thưởng thức khác nhau. Đó là điều khiến em cảm thấy bản thân được trân trọng và được làm một nghệ sĩ thật sự”.
"Việc được trân trọng tác phẩm khiến em cảm thấy mình là người nghệ sĩ thực thụ"
Bằng tất cả sự say mê và quyết tâm, sau 4 năm học tập tại trường, mới đây, Minh nhận được tin vui khi trở thành thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Trường Đại học Sân Khấu và Điện ảnh Hà Nội.
"Trước đây em chỉ nghĩ học xong cấp 2 sẽ về làm ruộng, chăn trâu chứ chưa từng nghĩ đến những danh hiệu này. Nhưng múa là một nghề khắc nghiệt với tuổi nghề ngắn, cho nên em vẫn phải cố gắng rất nhiều.
Trong tương lai em sẽ tiếp tục hoạt động trong ngành nghệ thuật múa, đồng thời em sẽ học lên và xin vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo múa chuyên nghiệp để tiếp tục được cống hiến và truyền nghề", Minh chia sẻ.
Chàng trai người Thái cũng trăn trở: “Ngành múa tại Việt Nam đang phát triển theo hướng du nhập những điều mới từ bên ngoài vào. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn phải giữ được hồn và chất của dân tộc. Có như vậy mình mới có thể vừa tiếp thu những hơi thở mới của đương đại vào nhưng cũng không được làm mất đi bản sắc Việt”.
Một trích đoạn Minh biểu diễn trên sân khấu
Thúy Nga
“Game thủ” bỏ học 3 năm đi xách vữa trở thành thủ khoa đại học
-Số tiền học mẹ cho Hậu đã chơi game hết. Với 5.000 đồng còn lại, Hậu quyết định mua một bông hồng tặng mẹ để… dễ xin tiền đóng học lại. Nhưng bất ngờ đã xảy ra.