“Ở Việt Nam, mọi người chưa thực sự quan tâm đến “quyền được chơi” của trẻ em. Đặc biệt những thành phố lớn như Hà Nội, đô thị hóa phát triển khiến khoảng trống vui chơi của các em biến mất. Thay vì cầm trên tay đồ chơi công nghệ, các em cần được ra ngoài để vui chơi và hoạt động thật sự”. Đây là trăn trở của nữ kiến trúc sư Chu Kim Đức.

{keywords}

Kiến trúc sư Chu Kim Đức, người vừa được vinh danh trong top 100 phụ nữ có tầm ảnh hưởng năm 2020 của BBC.

Từ bỏ sự nghiệp riêng để làm hoạt động xã hội

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Chu Kim Đức theo đuổi giấc mơ trở thành kiến trúc sư tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, chuyên ngành quy hoạch đô thị. Năm 2004, chị tiếp tục sang Pháp học thạc sĩ về thiết kế sân vườn cảnh quan và khảo cổ học. Trở về nước, cô gái sinh năm 1980 gây dựng riêng cho mình một công ty thiết kế sân vườn.

Sau đó, chị lại chuyển hướng sang học thêm dựng và làm phim nghệ thuật. Cơ duyên đã giúp chị gặp bà Judith Hansen (Mỹ) trong một lần bà ghé thăm Hà Nội để chụp ảnh không gian chơi của trẻ em. Nhận thấy Hà Nội có rất nhiều di tích tham quan đẹp nhưng trẻ em lại không có chỗ vui chơi, bà ngỏ ý tặng một sân chơi cầu trượt hình con rùa cho trẻ em ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Nhưng đề xuất này không được tán thành.

Bà chính là người truyền cảm hứng cho kiến trúc sư Kim Đức phát triển ý tưởng sân chơi cộng đồng cho trẻ em thành phố.

“Một người đến từ nửa vòng trái đất còn nhận thấy sự thiếu hụt về không gian cho trẻ em. Là người Việt Nam, mình muốn làm điều gì đó thật ý nghĩa, thiết thực chứ không nằm lại ở các mô hình. Vì vậy, dự án xã hội xây dựng sân chơi được hình thành. 

Tôi chưa bao giờ hối hận khi rẽ ngang từ sự nghiệp cá nhân sang tham gia dự án xã hội này. Đây thật sự là hoạt động ý nghĩa đối với các em nhỏ và cả cộng đồng”, chị Kim Đức bày tỏ.

{keywords}

Trong 6 năm, chị nỗ lực xây dựng hơn 180 sân chơi cộng đồng từ vật liệu tái chế cho trẻ em Việt Nam.

Dự án phát triển sân chơi cộng đồng từ vật liệu tái chế cho trẻ em được chị Đức và các đồng nghiệp trong nhóm Think Playgrounds - TPG lên kế hoạch thực hiện từ năm 2014. Thành công bước đầu của nhóm là mô hình sân chơi phiêu lưu tại Bãi giữa sông Hồng. Sau đó, việc xây dựng sân chơi được nhiều khu phố như Ngọc Hà, Tân Mai,… hưởng ứng.

Từ vật liệu tưởng chừng bỏ đi như vỏ lốp xe, chai nhựa, tấm gỗ thừa đều được chị và các tình nguyện viên thiết kế thành cầu trượt sắc màu, đồ chơi xếp hình bắt mắt,…Sân chơi cộng đồng xây dựng trên tiêu chí tạo nên không gian lành mạnh, bổ ích và có nhiều hoạt động ý nghĩa cho các bé tham gia.

Vượt qua khó khăn ban đầu về kinh phí cũng như ý kiến trái chiều, chị Đức và nhóm TPG vẫn luôn miệt mài với hành trình thuyết phục cộng đồng tiếp nhận ý tưởng xây dựng sân chơi cho trẻ trong khu dân cư. Để gắn bó dài lâu hơn, năm 2016 chị cùng nhóm đăng ký thành doanh nghiệp xã hội. Với số tiền nhận được từ các quỹ tài trợ và bán mô hình sân chơi, chị dùng để duy trì phát triển dự án phát triển sân chơi cộng đồng miễn phí.

"Trẻ em không chơi mà các em đang làm những việc quan trọng"

Ứng dụng những kiến thức sẵn có về kiến trúc, chị Kim Đức luôn chú trọng thiết kế mô hình trò chơi gần gũi, kích thích sự sáng tạo những vẫn đảm bảo an toàn cho các bé. Bên cạnh đó, nhiều mô hình mới mẻ, độc đáo từ quốc tế cũng được đưa vào như sân chơi phiêu lưu, sân chơi tái chế, sân chơi trị liệu, sân chơi low carbon.

{keywords}
Sân chơi phiêu lưu ở bãi giữa Sông Hồng do chị Đức và các cộng sự thực hiện

Mỗi loại hình đều mang một ý nghĩa riêng dành cho bé khi trải nghiệm, như sân chơi tái chế giúp bé có ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường, tận dụng lại đồ vật không dùng đến để chơi như dây buộc, rơm rạ, chai lọ. Những thứ tưởng như “rác” lại thu hút các em sáng tạo và chơi một cách thích thú.

Hay sân chơi trị liệu được chị cùng nhóm phát triển trong bệnh viện, góp phần hỗ trợ tích cực cho các bé, giúp các em phấn chấn và vui vẻ hơn trong quá trình điều trị. Còn sân chơi low carbon là ý tưởng cải tạo một không gian công cộng sử dụng các nguyên liệu thân thiện, thải ít carbon nhất như lốp xe, gỗ bạch đàn, vỏ hộp sữa ép thành tấm chống thấm.

{keywords}

Chị Kim Đức luôn chú trọng thiết kế mô hình trò chơi gần gũi, kích thích sự sáng tạo những vẫn đảm bảo an toàn cho trẻ.

Chị Đức nhận định, nhiều người vẫn cho rằng các em chơi bên ngoài là nguy hiểm. Nhưng sự thật là ngay cả khi đang chơi, trẻ cũng có thể học được nhiều thứ như kỹ năng phản xạ nhanh và nhớ lâu hơn. Thông qua các trò chơi trong sân phiêu lưu, các em còn học được cách bảo vệ bản thân như cách dập lửa hay sử dụng dây thừng để leo xuống đất,… Ngoài ra, việc đào bới, xây đắp góp phần kích thích sự sáng tạo, thỏa mãn được sự khám phá của các em.

“‘Trẻ em không chơi mà các em đang làm những việc quan trọng’, câu nói của nhà giáo dục Montessori luôn khiến tôi ấn tượng”, chị chia sẻ.

Tiếp tục hành trình “giành lại sân chơi cho trẻ”

Nỗ lực bền bỉ với dự án “Giành lại sân chơi cho trẻ” của kiến trúc sư Chu Kim Đức trong suốt thời gian qua tạo ra tác động tích cực. Tháng 11 vừa qua, chị được BBC vinh danh là một trong 100 người phụ nữ ảnh hưởng của năm 2020, ở hạng mục sáng tạo.

{keywords}

Nữ kiến trúc sư cũng cho biết, bản thân khá bất ngờ khi nằm trong danh sách đề cử và được BBC liên hệ phỏng vấn online. Với chị, đây vừa là niềm vui, vừa là vinh dự khi những cố gắng xây dựng sân chơi cộng đồng được nhiều người ghi nhận hơn.

Chị cũng đang ấp ủ kế hoạch kết hợp với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy “quyền được chơi” cho trẻ em từ thành thị đến nông thôn. Nữ kiến trúc sư kỳ vọng: “Các khu dân cư sẽ nhận ra tầm quan trọng và có phương án để xây dựng cho trẻ không gian vui chơi. Nếu mọi người cùng chung tay, các phương án như play street (chơi trong phố), sân chơi di động, sân chơi tái chế, sân chơi phiêu lưu sẽ càng được nhân rộng hơn nữa”.

Ngọc Linh

Hai nhà khoa học người Việt nhận giải thưởng Noam Chomsky

Hai nhà khoa học người Việt nhận giải thưởng Noam Chomsky

GS.TS Trần Thị Lý và PGS.TS Trần Xuân Bách là 2 người Việt vừa nhận được giải thưởng Noam Chomsky. Giải thưởng trao tại trụ sở Hiệp hội các nhà nghiên cứu hàn lâm liên quốc gia (Mỹ) vào 7 giờ sáng nay (9/12) theo giờ Việt Nam.