Khi Melanie Perkins, 22 tuổi đưa ý tưởng khởi nghiệp của mình tới thung lũng Silicon một cách đầy lo lắng, cô đã làm theo mẹo đọc được trong một cuốn tiểu thuyết.
Melanie Perkins - người sáng lập nền tảng thiết kế Canva |
Cô gái bỏ dở đại học này đã bay từ Perth, Australia tới Palp Alto, California, Mỹ để gặp nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng Bill Tai.
Melanie đọc được rằng, nếu bạn muốn gây ấn tượng với ai đó, bạn nên bắt chước ngôn ngữ cơ thể của họ. Vì thể, để tìm kiếm sự ủng hộ cho website thiết kế đồ họa của mình, Melanie quyết định đưa lý thuyết này vào thực hành.
“Rất buồn cười” – Melanie, hiện đã 30 tuổi kể lại. “Ông ấy ngồi ở đó với cánh tay đặt sau ghế và ăn trưa”.
“Vì thế, tôi cũng bắt chước đặt tay sau ghế, cố gắng ăn bữa trưa của mình trong khi chào hàng cho ông ấy tương lai của ngành xuất bản”.
Ý tưởng mà Melanie ví là “tương lai của ngành xuất bản” chính là Canva – một nền tảng trực tuyến cho phép bất cứ ai cũng có thể dễ dàng thiết kế mọi thứ, từ một tấm thiệp cho tới áp phích, website hay lịch tường.
Nhưng nhà đầu tư dường như không chú ý đến việc Melanie đang bắt chước tư thế của mình, ông cũng chẳng tỏ ra thích thú với ý tưởng kinh doanh của cô.
“Tôi không nghĩ rằng ông ấy thích màn giới thiệu của tôi một chút nào, bởi vì ông ấy nghe điện thoại suốt khoảng thời gian đó” – cô nói.
Tuy nhiên, ông Tai vẫn đủ ấn tượng để giới thiệu Melanie tới một mạng lưới các nhà đầu tư khác ở Silicon Valley, các kỹ sư cũng như các nhà phát triển. Và cuối cùng, chính ông đã đầu tư vào Canva.
Giao diện của Canva |
Hiện tại, Canva đang có giá trị 1 tỷ đô la. Công ty của Melanie hiện có 10 triệu người dùng ở 179 quốc gia. Cứ mỗi giây, website này lại có 10 thiết kế được tạo ra. Một thành quả không hề tệ với một ý tưởng được khởi tạo trên chiếc ghế đi văng ở ngôi nhà mà cô sống cùng mẹ ở Perth.
Quay trở lại năm 2006 khi Melanie mới là một cô sinh viên 19 tuổi ngành Thương mại và truyền thông của ĐH Western Australia.
Lúc đó, cô đã từng rất thất vọng khi phải mất rất nhiều thời gian để học cách sử dụng các phần mềm thiết kế chủ đạo.
“Có thể mất cả học kỳ để học những thứ rất cơ bản” – cô nói. “Thậm chí những thao tác đơn giản nhất như trích xuất tệp tin PDF chất lượng cao cũng phải mất tới 22 cái ‘click’ chuột”.
Trong khi hầu hết mọi người sẽ chỉ dừng lại ở việc phàn nàn về chuyện đó thì Melanie đã phát hiện ra cơ hội khởi nghiệp.
Melanie, bạn trai (giữa) và Cameron Adams |
Cô quyết định xây dựng một website thiết kế mà tất cả mọi người đều có thể dùng một cách dễ dàng. “Tôi nhận ra rằng, trong tương lai, thiết kế sẽ được xây dựng trực tuyến và đơn giản hơn rất nhiều”.
Melanie bắt đầu thử nghiệm trên quy mô nhỏ với cuốn kỷ yếu cuối năm học. Cô và cậu bạn trai Cliff Obrecht đã thành lập Fusion Books – một website cho phép học sinh trung học tự thiết kế kỷ yếu trực tuyến.
Vài năm sau, Fusion trở thành nơi xuất bản kỷ yếu lớn nhất Australia, trước khi được mở rộng sang Pháp và New Zealand. Việc kinh doanh thành công đến mức Melanie quyết định bỏ học để tập trung vào làm toàn thời gian.
Nhận ra Fusion có thể được sử dụng ngoài mục đích làm kỷ yếu, năm 2010 cô đã bay sang California để chào hàng ý tưởng này cho các nhà đầu tư tiềm năng, trong đó có cuộc gặp định mệnh với ông Tai.
Suốt 3 năm ở Silicon Valley, Melanie đã nhận được hàng trăm lời từ chối đầu tư, nhưng cô cho rằng đó là một quá trình hữu ích với cả nhóm. |
Melanie cho biết, Silicon Valley là một cú sốc văn hóa lớn, do sự khác biệt hoàn toàn giữa thái độ của người Mỹ và người Úc với việc tự quảng bá bản thân.
“Ở Australia, mọi người thường nói giảm đi về những thành quả của mình. Còn ở Silicon Valley, nơi mà bạn đang cố gắng tìm nhà đầu tư hay tìm một đội ngũ kỹ sư, bạn phải thực sự có khả năng nói về thành tích của mình”.
Có lẽ do khác biệt văn hóa này mà Melanie mất tới 3 năm để tìm được một nhà đầu tư ở Silicon Valley. Nhưng vào năm 2013, khi Canva được khai trương, và nhận được số tiền đầu tư 3 triệu đô la, được cựu giám đốc điều hành của Google – Cameron Adams – gia nhập đội ngũ, Melanie đã nói rằng, sự chờ đợi đã được đề bù xứng đáng.
“Đây là khoảng thời gian vô cùng dài, và chúng tôi đã bị từ chối hàng trăm lần. Nhưng tôi nghĩ rằng, quá trình này thực sự giúp ích cho chúng tôi, bởi vì nó có nghĩa là chúng tôi phải tinh chỉnh lại, cân nhắc chiến lược trước khi bắt đầu. Vì thế, khi chúng tôi có được khoản đầu tư đó, chúng tôi có thể thực hiện khá nhanh chóng và hiệu quả”.
Mặc dù dịch vụ cơ bản của website được sử dụng miễn phí, song nó kiếm tiền từ việc tính phí thuê bao để truy cập.
Trụ sở của Canva ở Sydney có quầy bar riêng |
Hiện tại, Canva có hơn 200 nhân viên và có trụ sở ở Sydney, Manila, và một văn phòng ở San Francisco.
Năm tài chính 2016-2017, doanh thu của Canva tăng gấp đôi từ 6,8 triệu đô la lên 23,5 triệu đô la – theo Financial Review của Australia. Tuy nhiên, công ty cũng từng bị lỗ 3,3 triệu đô và thực sự chưa có lợi nhuận vì nó đang tập trung vào việc mở rộng quy mô.
Canva là một công ty tư nhân, vì thế việc định giá 1 tỷ đô la là tới từ các nhà đầu tư tư nhân và các nhà đầu tư mạo hiểm đang ủng hộ nó.
Malanie vẫn đang là giám đốc điều hành chính của công ty, còn Cliff – bạn trai cô – đang phụ trách mảng hoạt động. Cặp đôi này vẫn còn giữ Fusion Books và đang ủy thác cho một nhóm quản lý điều hành nhánh kinh doanh này.
Danielle Logue, trợ lý giáo sư của Trường UTS Business của ĐH Sydney, cho rằng vấn đề cốt yếu với Melanie – hay bất cứ người sáng lập của công ty khởi nghiệp nào – là tầm quan trọng của việc ủy thác.
“Chọn đúng người, tuyển đúng người là điều quan trọng. Đó cũng chính là thách thức thực sự với các nhà sáng lập – đó là hãy buông tay những đứa con của mình”.
Melanie cho biết, cô có một tham vọng lớn trong việc phát triển công ty.
“Mục tiêu của chúng tôi là giúp cả thế giới đều có thể tự thiết kế” – cô nói.
Nguyễn Thảo (Theo BBC)