- Thảo luận tại Quốc hội về dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) sáng nay, 15/11, nhiều đại biểu đã đề cập tới các vấn đề thực học, thực nghiệp và tiếp tục băn khoăn về những thí điểm trong giáo dục. 

Cứ mong con mình thành "ông nọ bà kia"

Một lần nữa tại nghị trường, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nhắc lại chuyện giáo dục nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm, nhẹ về dạy kỹ năng sống và làm người, hướng nghiệp.

{keywords}
Đại biểu Cao Đình Thường. Ảnh: Trung tâm Thông tin Quốc hội
 

Theo ông, vấn đề này có nguyên nhân từ người lớn. Người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào bộ óc còn non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành áp lực, gánh nặng quá lớn.

“Đặc biệt tâm lý phụ huynh muốn con mình trở thành “con người ta” nên bắt các cháu phải giỏi toàn diện một cách quá sức dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ”, ông Thưởng nêu và cho rằng, đây là quan niệm hết sức sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực của trẻ em. Ông cho hay, không thể bắt trẻ học để trở thành “ông nọ bà kia” khi mà các cháu không thích và không đủ năng lực.

Phân luồng chưa tốt

Đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) cho biết, theo chỉ thị của Bộ Chính trị năm 2011 cũng như quyết định năm 2018 của Chính phủ thì mục tiêu đến năm 2020 phải có 30% học sinh THCS học nghề và 2025 đạt 40%. Đến nay, thực tế mới đạt khoảng 8%, nơi làm tốt hơn cả là Vĩnh Phúc thì con số này cũng mới đạt 20%. Đa số địa phương thấp việc phân luồng chưa tốt, việc phân luồng cũng chưa thực sự gắn với đào tạo. Hiện nay, công tác phân luồng đa số phụ thuộc vào nỗ lực của các trường nghề lăn lộn đến tận thôn xóm để tư vấn tuyển sinh và chính sách

Vị Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH cũng kiến nghị cần ưu tiên phân luồng. Thực tế là con em học giỏi đỗ cấp 3, các địa phương ưu tiên theo tiếp trường chuyên, lớp chọn; trong khi nhưng chưa quan tâm đến đối tượng học sinh không đỗ cấp 3, làm lãng phí nguồn lực xã hội.

{keywords}
Đại biểu Quốc hội Lê Quân. Ảnh: Minh Thăng

Xu hướng thế giới hiện nay là gia nhập thị trường lao động sớm. Nếu học hết lớp 9 vào học nghề, 18-19 tuổi có thể gia nhập thị trường lao động với mức lương 8-9 triệu đồng. Sau đó có thể học liên thông vào đại học. Mô hình này đã thành công ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc  hay các quốc gia phát triển như Pháp, Anh.

"Nếu phân luồng tốt thì cũng như đang giải quyết vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu. Chúng ta có nguồn lao động chất lượng, tăng cường tuổi lao động sớm đặc biệt là con em nhà nghèo, người dân tộc thiểu số", ông Quân nói.

Theo ông Quân, chính sách phân luồng khó khăn khi trường THPT tư thục mở nhiều, các trường đại học cũng mở đầu vào, không có rào cản kỹ thuật về học phí và các tiêu chí. Các trường đại học, những đại học công nhà nước đầu tư không có chỉ tiêu ấn định nên giữa đại học và cao đẳng cạnh tranh mạnh mẽ, nguy cơ lãng phí.

Những "điểm nghẽn" khiến cho việc phân luồng gặp khó nữa là: Khi hết lớp 9, học sinh vào trung cấp nhưng luật quy định vừa học trung cấp vừa học văn hoá dẫn đến chương trình nặng, tổ chức đào tạo không hợp lý. Chưa kể, việc học nghề một nơi, học văn hoá ở nơi khác như trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường nào đó khiến việc dạy nghề khó chất lượng.

Đại biểu Lê Quân đề nghị khi sửa Luật Giáo dục cần quan tâm, ghi rõ phân luồng là để người học nghề, bổ sung trách nhiệm của ai, có giải pháp gì.
Ông Quân cũng đề nghị quy định là người học xong trình độ bậc dưới đủ điều kiện để học liên thông lên bậc trên, tránh tình trạng như hiện nay, học hết văn bằng muốn liên thông lên đại học phải tham gia kỳ thi tuyển sinh quốc gia. Như vậy khó hơn, trong khi các trường đại học hiện nay đã xét tuyển, gắn tự chủ đại học với tự chủ tuyển sinh.

Ông đề nghị điều 27 có thể mở ra quy định: Học sinh THCS không chỉ học lên trung cấp mà có thể học lên cao đẳng.

Thí điểm giáo dục "ngốn" tiền tỷ, lấy học sinh làm "chuột bạch"

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì dành cả phần thảo luận của mình chỉ cho một từ "thực nghiệm".

“Lấy học sinh ra làm chuột bạch, được thì tốt, không được thì không biết học sinh đi về đâu vì sai một li là đi một dặm”, ông Tuấn nhấn mạnh và cho biết, từ kỳ họp trước ông đã đề nghị các chương trình thí điểm, thực nghiệm phải được Quốc hội hoặc UBTVQH thông qua trước khi triển khai.

{keywords}
Đại biểu Dương Minh Tuấn. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội

Ông Tuấn dẫn chứng, dự thảo chỉ quy định: Chính phủ trình UBTVQH trước khi áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công.Theo ông Tuấn, kiến nghị này đã được ban soạn thảo đưa vào nội dung dự thảo lần này. Tuy nhiên, "mới nghe qua ban soạn thảo có vẻ rất cầu thị nhưng đọc kỹ câu chữ thì cách viết lòng vòng, và không thể hiện sự cầu thị, tiếp thu".

“Thực tế, chương trình VNEN (mô hình trường học mới tại Việt Nam - PV) tốn bao nhiêu tỉ nhưng cuối cùng thì Bộ GD-ĐT chỉ nói nghiêm túc rút kinh nghiệm thì học sinh đi về đâu”, ông Tuấn nói và đề nghị ban soạn thảo tiếp thu ý kiến về vấn đề này .

Hương Quỳnh - Thu Hằng

“Nhiều học sinh bây giờ chán học, hạnh phúc thấp”

“Nhiều học sinh bây giờ chán học, hạnh phúc thấp”

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn học sinh bây giờ đi học mất vui, lương giáo viên không đủ nuôi thân, thi cử còn tiêu cực, sách giáo khoa còn hàn lâm.

Gửi tác giả bài “Cháu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng..."

Gửi tác giả bài “Cháu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng..."

Cô là phụ huynh, khi nghe những gì cháu nói trong bài viết "Cháu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe chữ HỌC", cô hiểu và rất đồng cảm với cháu.