Chiều nay 25/2, UBND TP.HCM họp với các Sở ngành và 24 quận huyện để đưa ra giải pháp hiệu quả chống dịch Covid-19.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Ảnh: Hồ Văn |
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay thành phố có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp từ mầm non tới phổ thông, chưa kể hơn 78.000 trẻ trong hơn 1000 nhóm, lớp mầm non tư thục. Về học sinh cuối cấp, lớp 12 có 73.032 em và con số này sẽ tăng trong kỳ thi tốt nghiệp. Lớp 9 có 97.374 em. Học sinh lớp 5 có 124.815 em. Trẻ 5 tuổi hơn 105.000 em
Thống kê mới nhất tới ngày 25/2 về tình hình nhà giáo và học sinh đi qua các vùng, quốc gia có dịch, đối tượng nhà giáo (bao gồm cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành): Trung Quốc là 9; Hàn Quốc: 2; Các vùng khác là 53. Riêng người thân của những người này là 36.
Về học sinh riêng đi qua Trung Quốc là 18; Hàn Quốc là 15; Các vùng khác là 386.
Người thân của học sinh đi qua vùng có dịch là 247. Tổng cộng có 776 người bao gồm giáo viên, học sinh và người thân đã đi qua vùng có dịch trong đó có cả Trung Quốc, Hàn Quốc.
Theo ông Sơn, con số này đã giảm rất nhiều so với trước. Đây là những trường hợp đã về có cách ly theo dõi.
Thành phố có 3 trường quốc tế, trong đó trường Hàn Quốc có 1.905 học sinh; trường Nhật Bản có 663 học sinh và 1 trường Đài Loan có 1.200 học sinh.
Sở đã chỉ đạo nhà trường các biện pháp phòng ngừa đến tận giáo viên, học sinh, phụ huynh. Giao bài tập về nhà qua trực tuyến, tổ chức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời.
Theo ông Sơn, hiện 100% cán bộ ngành giáo dục đã được tập huấn phòng chống dịch Covid-19. Sở cũng chỉ đạo các nhà trường nắm học sinh, phụ huynh và giáo viên đi qua hay đến từ vùng dịch để kiểm soát, cách ly. Khi học sinh trở lại, thực hiện đo thân nhiệt tại cửa phòng học, còn giáo viên tập trung đo đầu giờ.
Về chuyên môn, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn điều chỉnh khu thời gian học và ngành cũng có thể tổ chức dạy bù. Hiện tại, lịch thi THPT quốc gia đã chốt, do đó không thể kéo dài thời gian nghỉ. Vì vậy cần có kịch bản thực tế phòng chống an toàn khi đưa học sinh trở lại trường và phải truyền thông.
Ông Sơn cho hay đối với việc nghỉ tới tháng 3, học sinh mầm non, tư thục không ảnh hưởng nhiều nhưng phụ huynhbị ảnh hưởng. Hiện nay, có nhiều ý kiến trái chiều về việc đi hay nghỉ học, nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con em nghỉ học bảo lưu kết quả 1 năm. Tuy nhiên, các trường ngoại ngữ, quốc tế gặp khó khăn với việc đăng ký các kỳ thi chứng chỉ...
Vì vậy, ông Sơn đề xuất cho học sinh mầm non nghỉ hết ngày 15/3. Ngày 16/3 lớp 5 tuổi đi học lại nhưng không tổ chức ăn sáng. Riêng các lớp khác tùy theo tình hình dịch bệnh để quyết định.
Ở khối tiểu học, học sinh nghỉ học hết ngày 15/3. Riêng học sinh lớp 5 sẽ đi học lại từ ngày 16/3 nhưng không tổ chức bán trú. Các lớp khác tùy tình hình dịch bệnh để quyết định.
Ở bậc THCS, học sinh lớp 9 (bao gồm cả GDTX) đi học lại ngày 2/3, nhưng không tổ chức bán trú, chỉ học 1 buổi. Ngày 16/3, các khối còn lại sẽ đi học bình thường.
Ở khối THPT, giáo dục thường xuyên, học sinh lớp 12 đi học lại từ ngày 2/3 nhưng chỉ một buổi, không tổ chức bán trú. Các khối còn lại đi học vào ngày 16/3.
Các trung tâm ngoại ngữ, dạy kỹ năng sống đi học lại ngày 16/3.
Riêng các trường ĐH, CĐ theo cơ chế tự chủ căn cứ vào mốc thời gian để quyết định việc đi học.
Lê Huyền - Hồ Văn
Lãnh đạo TP.HCM giải thích lý do kiến nghị chậm đi học trở lại
- Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho hay Covid-19 là loại bệnh cần có cường độ người chăm sóc rất lớn.
Bộ Y tế đưa ra 5 nguyên tắc khi học sinh quay lại trường
- Bộ Y tế đã đưa ra 5 nguyên tắc trước khi học sinh quay lại trường học sau thời gian nghỉ covid-19.