- Nhớ lại quãng thời gian 3 tháng đằng đẵng đi tìm sự thật để trả lại sự tự tin cho đứa con trai mới lên 7 tuổi của mình, anh Dũng kể, gia đình mình đã trải qua không ít khó khăn.

Vào buổi sáng UBND quận Cầu Giấy công bố quyết định cách chức cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và cô hiệu phó Nguyễn Thị Hương liên quan tới vụ tai nạn tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, anh Trần Chí Dũng đưa con trai mình đi kiểm tra năng lực học tập của con sau thời gian nghỉ học khá lâu.

Anh Dũng cũng chỉ biết những diễn biến của vụ việc thông qua thông tin trên báo chí. 

Khi được thông tin về kết luận kỷ luật, anh Dũng cảm thấy hài lòng vì cuối cùng, sự thật đã được làm rõ, công lý dù muộn nhưng luôn được thực thi.

"Kết luận của cơ quan chức năng đã trả lại sự tự tin cho con tôi, rằng cháu không nói dối và không có lỗi trong vụ tai nạn xảy ra như cháu đang suy nghĩ" - anh Dũng chia sẻ.

Anh Dũng hài lòng vì từ vụ việc này, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức của một số nhà giáo chưa hoàn thiện về nhân cách. 

"Mong rằng, sau đó, các cô giáo này sẽ cố gắng nhìn lại, cải thiện lại hành xử chưa đúng đắn để mang lại môi trường giáo dục tốt đẹp hơn, để các phụ huynh có thể yên tâm gửi gắm con em ".

Tuy nhiên, anh Dũng cũng khẳng định, sự việc chỉ là hành xử thiếu đạo đức, chưa có tính nhân văn của một vài giáo viên chứ không phải đại diện cho toàn bộ ngành giáo dục.

Gia đình anh vẫn tin tưởng vào nghề giáo: "Tôi tin tưởng rằng ngành giáo dục qua vụ việc này sẽ khắc phục để trả lại tiếng đẹp, danh hiệu cao quý của nghề".

Trong quãng thời gian 3 tháng đằng đẵng đi tìm sự thật để trả lại sự tự tin cho cậu con trai mới lên 7 tuổi, vợ chồng và gia đình anh đã trải qua không ít khó khăn.

Khi được đưa vào bệnh viện, xương đùi chân của Kiên bị gãy lìa. Sau khi phẫu thuật, bác sĩ đã phải bó bột cho cháu theo hình chữ Y, cả hai chân và người. Lúc này, Kiên phải nằm dạng chân ở trên chiếc giường để cố định vết thương.

"Mặc dù các bác sĩ tại bệnh viện đã bố trí cho cháu riêng một giường nhưng với tư thế nằm ấy, người nhà vào viện chăm không có chỗ nằm trên giường".

"Thời gian đó, mẹ cháu chỉ có ngồi ghế và ôm con vì cháu rất đau, cần có người ôm. Thế là bố mẹ thay phiên nhau, con nằm trên giường, bố mẹ ngồi dưới ôm con" - anh Dũng nhớ lại.

{keywords}
Cháu Trần Chí Kiên hiện đã tháo bột và bắt đầu tập đi bằng nạng. Cô giáo chủ nhiệm vẫn hàng ngày đến kèm cháu học. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Khi các bác sĩ đặt vấn đề nghi vấn rằng cháu chạy chơi rồi ngã vì sao có thể nặng như vậy được, anh Dũng đã loáng thoáng nghĩ tới sự bất thường nhưng nhanh chóng bị những lo lắng cho sức khỏe đứa con trai đầu lòng khiến suy nghĩ đó nhanh chóng vụt qua.

Rồi tới hôm ra viện, gạn hỏi mãi, Kiên mới nói với bố rằng, mình bị một chiếc taxi màu xanh đâm vào trong sân trường. Trên xe lúc ấy có cô hiệu trưởng và một cô giáo khác.

Anh Dũng nói, cháu sợ không dám nói ra sự thật vì có giáo viên đã dọa để ép cháu Kiên nghĩ rằng, cháu là người có lỗi trong vụ tai nạn vì đã chơi ở sân sau của trường - vốn là nơi cấm học sinh chơi.

Lần đầu nghe con nói rằng, mình bị xe taxi đâm, anh đã không tin và nghĩ rằng Kiên đã nhầm lẫn chiếc xe taxi chở mình tới bệnh viện thành taxi "thủ phạm". Cho tới ngày 8/1, hai phụ huynh của bạn cùng lớp với Kiên gọi cho anh, kể rằng, các cháu đã kể với bố mẹ là bạn Kiên bị xe taxi đâm trong sân trường.

Thế nhưng, phải tới ngày 12/1, khi tới làm việc với cô Tạ Thị Bích Ngọc và một số cô giáo khác tại phòng hội đồng của Trường Tiểu học Nam Trung Yên, anh Dũng mới chính thức tin con mình bị xe đâm chứ không hề chạy chơi tự ngã như những gì cô hiệu trưởng thông báo với gia đình.

Anh Dũng cho biết, việc vận động, thuyết phục để cháu Kiên và các bạn cùng lớp, phụ huynh các em vượt qua nỗi sợ hãi, nói ra sự thật là không dễ dàng. Thế nhưng, khó khăn lớn hơn là ban giám hiệu nhà trường đã tìm mọi cách để bưng bít, ngăn cản anh tìm hiểu sự thật này.

Khó khăn nhất của gia đình anh trong việc tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn là rất vất vả thuyết phục cháu nói ra sự thật.

{keywords}
Anh Trần Chí Dũng, phụ huynh cháu Trần Chí Kiên trao đổi với báo chí sáng 21/2. Ảnh:  Thanh Hùng.

Giờ đây, sự việc đã có kết luận, cô hiệu trưởng và hiệu phó đã nhận hình thức kỷ luật, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã chỉ đạo Công an Hà Nội tiếp tục điều tra, hoàn thiện hồ sơ vụ việc, anh Dũng cho biết, mục đích của anh là muốn làm sáng rõ sự thật chứ không mong muốn kỷ luật hay cách chức ai.

"Quan điểm của gia đình chúng tôi là ai vi phạm tới đâu thì chịu hình thức kỷ luật tới đó. Tôi tin vào sự nghiêm minh của pháp luật" - anh Dũng nói.

Phụ huynh cháu Kiên cũng nói, việc gia đình quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng phục hồi sức khỏe cũng như lấp lỗ hổng kiến thức do cháu đã nghỉ học một thời gian dài vì vết thương ở chân.

Những ngày qua, báo chí, truyền hình đưa nhiều về vụ việc nhưng gia đình cố gắng hạn chế  Kiên nghe, xem những thông tin này. Mỗi khi chương trình tivi đưa tin, anh Dũng lại đưa cháu vào phòng để cháu không phải xem những thông tin ấy.

"Tôi luôn nói với cháu đây là tai nạn không may. Do là taxi đi vào trong trường và do con hiếu động quá. Lần sau con phải ngoan hơn và không nên hiếu động. Bố cũng nhắc chú taxi lần sau không đi vào trong trường" - anh Dũng nói.

"Cháu cũng trả lời tôi rằng: Lúc đó con đau lắm bố ạ. Bây giờ con sẽ không chạy nhảy nghịch ngợm nữa".

Lê Văn - Thanh Hùng

Giáo viên Nam Trung Yên: “Chúng tôi chỉ mong ổn định"

Giáo viên Nam Trung Yên: “Chúng tôi chỉ mong ổn định"

“Lẽ ra sự việc sẽ không đi đến kết quả đau lòng như thế này. Chúng tôi thực sự không muốn xảy ra chuyện như thế.

"Đừng làm méo mó hình ảnh thầy cô"

"Đừng làm méo mó hình ảnh thầy cô"

Tại cuộc họp báo giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều nay, 21/2, ông Trần Xuân Hà, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định: vụ việc tại trường Tiểu học Nam Trung Yên rất đau xót.