Phụ huynh: Người ung dung, người hốt hoảng

Suốt một tuần vừa qua, hàng sáng chị Thúy Loan (Quận 1, TP.HCM) đưa cậu con trai năm nay vào lớp 1 tới trường học, rồi chiều đón về. Từ lúc đó cho đến tối, con chị chỉ việc ăn uống, đọc sách, xem tivi hay đi học thêm một hai tiếng ở lớp vẽ, lớp Tiếng Anh…, rồi đi ngủ.

{keywords}
Ở nhiều trường học, học sinh và giáo viên khá hào hứng với chương trình và SGK lớp 1 mới. Ảnh: Thanh Hùng

“Sách vở cháu để trên lớp hết, về nhà không có bài tập, nên thú thực là suốt mấy ngày đầu tôi chẳng biết con học cái gì” – chị Loan kể.

Nhưng đến buổi học thứ tư, khi đón con chị thấy bé tỏ ra căng thẳng. Gạn hỏi thì bé nói vì mình viết chậm hơn các bạn, chị bắt đầu cảm thấy lo lắng.

“Trường cháu học theo bộ sách Chân trời sáng tạo. Nghe cháu nói vậy tôi mới xem lại thì thấy hết hồn. Tôi không cho con đi học trước khi vào lớp 1 nên chỉ sợ bây giờ con không theo kịp chương trình, không học được như các bạn thì cháu sẽ chán và sợ đến lớp. Chắc chắn rằng tới đây tôi sẽ phải kèm cháu học thêm ở nhà, nếu cần sẽ tìm gia sư” – chị Loan khẳng định.

Chị Như Mai, phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Quận 3, TP.HCM cũng tỏ ra rất lo về chương trình mới. Đã có một bé năm nay lên lớp 5, bây giờ so sánh sách mới với sách cũ, chị Mai bảo “hoảng thật sự” vì chương trình mới dạy nhiều thứ trong một tiết học quá, không biết làm sao con theo nổi.

“Bé lớn của tôi trước đây học khác, bây giờ cháu nhỏ học bộ sách khác tôi thấy khó hơn hẳn. Vì vậy, dù trường không giao bài tập về nhà nhưng ngay từ hôm bắt đầu đi học, vợ chồng tôi đã thay phiên nhau kèm cháu học thêm vào buổi tối rồi”.

Một phụ huynh khác của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm dù cũng nhận xét sách mới "dạy vùn vụt" nhưng chị ung dung hơn, không phải vì chương trình quá dễ với con mà do chị đã cho con… đi học trước.

Trong khi đó, chị Thu Hải có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (Quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết mới đi học một tuần nhưng con chị cảm thấy vui khi tới lớp.

Trước khi vào năm học mới, chị Hà không hề cho con đi học thêm ở bất cứ chỗ nào nên bây giờ, mỗi tối bé mất từ 1-2 tiếng để luyện bài. Chị Hà bảo các bạn có đi học trước thì sẽ làm nhanh hơn, chỉ mất khoảng 20 phút. Dù vậy, chị cũng không hề lo lắng hay định cho con học thêm vì hàng ngày con vẫn hào hứng đến trường.

Giáo viên: Dạy 2, 3 hay 4 vần không phải là vấn đề

Trước những lo lắng của phụ huynh, cô Phạm Thúy Hà, Tổ trưởng Tổ Phổ thông, Phòng GD-ĐT Quận 4, nhìn nhận chương trình cũ tồn tại 20 năm, do vậy phụ huynh cảm thấy quen thuộc, nhưng giáo dục cần phải tiến lên chứ không thể dậm chân tại chỗ.

“Chương trình mới không khó, nhưng đúng là bước đầu quan sát SGK, giáo viên và phụ huynh sẽ có cảm giác “hết hồn”” – cô Hà nhận xét.

Cô Hà cho biết lúc mới tiếp cận SGK mới, nhiều giáo viên cũng lo lắng khi trong 1 tiết có thể dạy đến 4 vần. Thế nhưng sau khi đã được tập huấn, việc dạy 2, 3 hay 4 vần không còn vấn đề, mà quan trọng là giáo viên nắm được phương pháp để dạy.

{keywords}
Buổi học đầu tiên theo chương trình phổ thông mới. Ảnh: Thanh Hùng

Cũng theo cô Hà, nội dung chương trình lớp 1 mới không khó mà có tính toàn diện và theo đúng định hướng phát triển năng lực học sinh.

Ở chương trình cũ, trong một tiết học, giáo viên phải chuyển tải kiến thức đại trà theo quy định, còn việc tiếp nhận như thế nào là tùy từng học sinh - em giỏi có thể tiếp thu nhiều hơn, em kém thì ít hơn, và việc đánh giá dựa vào điểm số thông qua bài kiểm tra. Với chương trình mới, khả năng học sinh học tới đâu giáo viên sẽ dạy tới đó. Học sinh giỏi thể hiện năng lực tốt giáo viên sẽ dạy sâu hơn, em kém hơn sẽ dạy nhẹ hơn. Trong cùng một lớp nhưng học sinh không phải đạt một lượng kiến thức như nhau.

Cô Hà đưa dẫn chứng: Trong sách Tiếng Việt 1 – bộ Chân trời sáng tạo ở bài âm a, sau khi học sinh đã được nhận diện, đọc và viết âm a, chữ a thì ở hoạt động luyện tập, các em sẽ được củng cố. Trong hoạt động này, sách thiết kế âm a nằm ở vị trí trung tâm, xoay quanh đó là các hình ảnh mà tên gọi của nó chứ đựng âm a, chữ a như lá, gà, bà, ba, ba lô. Việc sắp xếp này nhằm dạy theo cá thể hóa và theo năng lực học sinh. Một học sinh bình thường hoặc hơi chậm có thể chỉ nói lá, gà, bà, ba, nhưng một học sinh giỏi có thể nói “con gà trống”. Hoặc các em có thể nói “ba lô” nhưng em khá hơn sẽ nói “ba mang ba lô”, em xuất sắc hơn sẽ nói “ba và con mang ba lô đi chơi”.

Còn cô Lê Thị Nếp, giáo viên Trường Tiểu học Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình hiện đang chủ nhiệm và dạy lớp 1 thì  ở lớp 1 cơ bản giáo viên vẫn dạy nghe, nói, đọc, viết. “Tuy nhiên, trước đây thì chú trọng kiến thức còn bây giờ chú trọng kỹ năng” - cô Nếp nói.

Cô Nếp đưa ví dụ ở môn Tiếng Việt của sách Cánh diều: Trước đây, nếu học âm o, học sinh chỉ biết từ con, thì bây giờ học sinh có thể biết được những tiếng có âm o như tò, mò, no... Vì vậy, học sinh biết được thực tế qua mỗi bài học, mở rộng vốn từ nhiều hơn.

Còn ở môn Toán, cô Nếp cho hay hiện đã dạy các bài phải-trái, trước-sau, ở giữa, số 1-2-3 thì SGK mới có nhiều ưu điểm hơn. Nếu như trước đây, giáo viên dạy kiến thức trước thì hiện nay, học sinh được khám phá, giáo viên theo dõi và hưỡng dẫn các em nên rất vui…

Do đó, dù học theo sách nào, cô Hà cũng khuyên phụ huynh không nên quá lo lắng vì các giáo viên được giao dạy lớp 1 năm nay đã có phương pháp sư phạm, được tập huấn kỹ lưỡng. 

“Việc thay đổi là tất yếu, nếu học sinh tiếp cận khó khăn thì sẽ có sự hỗ trợ của giáo viên. Phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng sẽ linh hoạt để giải quyết được vấn đề mà phụ huynh lo lắng” - cô Hà khẳng định.

Ngân Anh - Lê Huyền

Mẹ phát khóc vì không mua nổi SGK cho con

Mẹ phát khóc vì không mua nổi SGK cho con

Năm học mới đã chính thức bắt đầu được gần một tuần. Tuy nhiên, đến thời điểm này, không ít phụ huynh ở TP.HCM hay Đồng Nai vẫn đang lo lắng tìm mua sách giáo khoa cho con.