LTS: Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học trực tuyến là một giải pháp tất yếu để đảm bảo yêu cầu vừa chống dịch, vừa đảm bảo quyền lợi được học của học sinh. Hơn nữa, học online cũng là xu hướng tất yếu giúp mọi người ở mọi nơi có thể liên tục học tập với chi phí rẻ.
Mặc dù vậy, những bất cập chưa được giải quyết triệt để của việc học trực tuyến trong 2 năm qua ở Việt Nam đã khiến không ít phụ huynh lo lắng. Tư duy lớp học thì online nhưng phương thức giảng dạy, sách vở, đánh giá vẫn theo kiểu học trực tiếp… dẫn đến khối lượng công việc cho học sinh và phụ huynh tăng lên đáng kể, nhất là với những học sinh tiểu học. Đó là chưa kể việc ngồi máy tính thời gian dài cũng dẫn đến sức khỏe thể chất suy giảm hay trẻ dễ bị lôi cuốn vào những thứ không lành mạnh trên mạng.
Đã đến lúc, ngoài sự cố gắng của thầy cô, nhà trường và cả xã hội duy trì việc dạy kiến thức cho trẻ, còn cần có những giải pháp để tận dụng được những lợi ích từ hình thức học online trong và sau đại dịch Covid-19.
-----------------
Trước khi đưa ra quyết định cho con nghỉ học, anh Dương đã cho “1 chiếc iPhone 11 bay vào tường tan tành", đồng thời cảnh báo cô con gái: "chiếc laptop Apple có thể cũng tiễn nốt ra bãi rác bất cứ lúc nào, nếu con cứ cắm mặt suốt vào lap”.
“Với nhà mọi người thì không biết thế nào, chứ nhà tôi thì việc học online không chỉ thất bại toàn tập, mà còn nguy hại toàn tập” – đây là “tổng kết” buồn của anh Dương, phụ huynh có con học lớp 3 và lớp 10 ở Hà Nội.
Anh Dương cho biết từ đầu tháng 9 đến nay, khi chính thức bước vào năm học mới, thời khóa biểu của cô con gái học lớp 10 tại một trường ngoài công lập không khác gì thời khóa biểu học trực tiếp nếu đến trường: sáng từ 8-12h, chiều từ khoảng 1 giờ, 1 rưỡi đến khoảng 3 rưỡi, 4 giờ. Ngoài ra, buổi tối cô bé còn làm rất nhiều bài tập, cả bài tập online cô giáo giao, lẫn bài tập trong sách giáo khoa (SGK).
“Buổi sáng, con ôm máy tính đến 12 rưỡi trưa, nghỉ ăn trưa đến khoảng 1h, 1 rưỡi lại học tiếp. Đến 3 rưỡi 4h học xong mệt quá thì phải ngủ. Có nhiều hôm con ngủ quên luôn đến 7h dậy ăn tối, cửa phòng thì khóa không ai vào gọi được. Ăn tối xong lại làm bài tập, làm các dự án đến 12h đêm.
Rồi con đi ngủ, đến sáng hôm sau khi nào có báo thức biết thì dậy, không dậy được thì vào lớp muộn. Cuối tuần lại lại dự án này khác” – anh Dương nói về thời khóa biểu của cô con gái trong suốt thời gian qua.
Còn với cậu con trai nhỏ, vợ chồng anh Dương thay nhau kèm các buổi học online cũng như khi phải làm bài tập từ sáng đến tối.
“Cả lớp cứ nhốn nháo, cãi nhau um tỏi lên. Cô giáo gọi thì không trả lời, có bạn không trả lời được là tắt phụt luôn máy, có bạn cứ thoát ra thoát vào, có bạn đang học xin đi vệ sinh mãi không thấy quay lại, có bạn cô đang hỏi thì tắt luôn cam, tắt luôn mic hay bảo lỗi không vào được .
Cậu con mình học cũng trục trặc suốt, lúc vào link này, lúc vào link kia không biết đâu mà lần”.
Theo anh Dương, việc con ôm máy tính, điện thoại nhiều đến mức nói con giống như ngớ ngẩn thì hơi quá đáng, nhưng thực tế là con đã có những hành xử bất thường. Khi bố mẹ bảo làm việc gì, thậm chí bảo ra ăn uống con cũng phản kháng.
"... ngày nào con cũng kè kè bên máy tính ở trong phòng suốt từ 8h sáng đến 12h đêm. Con cãi là không chơi game nhưng rõ ràng là ngoài học bài, làm bài tập, con còn buôn chuyện với các bạn trong nhóm chat, xem phim... hết ngày này qua ngày khác. Điều này dễ tạo ra thói quen sống ở trên mạng và đắm chìm vào thế giới ảo...".
Vì vậy, vợ chồng anh Dương buộc lòng phải đưa ra quyết định: Cho con gái lớp 10 nghỉ học online.
“Tôi đã trao đổi với nhà trường, trước mắt cho con nghỉ học 1 tuần. Tôi thu hết điện thoại máy tính, không học gì nữa, cho thời gian suy ngẫm, để khi nào con đưa ra quan điểm rõ ràng, thời khóa biểu rõ ràng: lúc nào học, lúc nào chơi, nghỉ ngơi, làm việc...
Nếu hợp lý, tôi sẽ chấp nhận cho con học tiếp. Mặc dù con vẫn ở trong top 5 của lớp, trường tốt, thầy cô bạn bè tốt, vẫn hoàn thành đầy đủ bài tập nhưng việc nó sống quá sâu vào thế giới ảo, có phản kháng bất thường là rất nguy hại nên tôi hạn chế tiếp xúc và không cho tiếp xúc nữa.
Cho nên trước mắt tôi cho nghỉ như thế. Nếu không thay đổi tôi cho nghỉ học online luôn không cần thiết, chỉ cần học trong SGK là đủ, sau này đi học lại sẽ học sau.
Với bé nhỏ, tôi chỉ cho học môn chính, học thời gian ngắn, sau đó làm bài tập trong SGK. Môn nào không cần thiết quá bỏ qua để đỡ phải nhìn máy tính. Bài tập online hạn chế, chủ yếu làm bài trong SGK”.
Anh Dương nói thêm rằng, nếu nói chuyện với chuyên gia tâm lý, thần kinh sẽ hiểu những nguy hại của việc trẻ con tiếp xúc quá nhiều, quá lâu và quá kỹ với các thiết bị điện tử.
"Nó làm trẻ mê muội, ảnh hưởng sức khỏe, gù lưng, hỏng mắt hỏng mũi hỏng luôn cả thần kinh. Vì đam mê vào đấy nên nó phản kháng với tất cả việc sai bảo của người lớn, quên hết cả thế giới xung quanh.
Những bệnh tự kỷ ám thị, stress, thần kinh, nhiều khi bắt nguồn từ việc học sinh nhỏ tiếp xúc quá nhiều, quá lâu quá kỹ với thiết bị điện tử.
Vì vậy, tôi sẵn sàng cho nghỉ học luôn và chấp nhận ngu đi, còn hơn thần kinh lạc lối trong thế giới ảo”.
Phương Chi (ghi)
Ý kiến của độc giả xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Xin cảm ơn.
Nhiều thứ 'oái oăm', phụ huynh xin 'buông' việc học online của con
Xác định phải đồng hành cùng con trong thời gian học online, nhưng không ít phụ huynh choáng váng khi thấy số lượng bài tập hàng ngày con phải giải quyết quá nhiều.
Học sinh lớp 5 bị điện giật tử vong ở Hà Nội
Bé trai 10 tuổi ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) không may bị điện giật chết thương tâm ở nhà.
Những đứa trẻ không có mặt trong lớp học online và nỗi lo của cô giáo Sài Gòn
Trong 3 tuần đầu năm học mới, cô giáo Trần Thị Duyên, chủ nhiệm lớp 6A4 Trường THCS Chi Lăng (Quận 4, TP.HCM) chưa thể nhìn thấy 5 học sinh của lớp mình trong lớp học trực tuyến.
Phụ huynh mong giảm môn, giảm thời gian học online với lớp 1
Trong tình hình bất khả kháng, giáo viên và phụ huynh ở các địa phương đang phải dạy học trực tuyến đều có những phương thức và mong muốn để trẻ ở những lớp học nhỏ nhất có thể có những buổi "lên lớp" hiệu quả nhất.