Nhiều phụ huynh cho rằng còn quá sớm để dạy cho một đứa trẻ mẫu giáo những phẩm chất của một người tử tế. Nhưng đó là một quan niệm sai lầm. Dưới đây là những đức tính mà mọi đứa trẻ nên phát triển trước khi đến sinh nhật lần thứ 5.
Trung thực
Hãy giúp trẻ tìm cách nói sự thật
Cách tốt nhất để khuyến khích tính trung thực ở trẻ là bản thân bạn hãy là một người trung thực. Hãy đọc câu chuyện này: Carol quyết định hạn chế số ngày chơi chung giữa con trai 3 tuổi của cô là Chris và cậu bạn Paul. Gần đây, 2 cậu bé gây lộn rất nhiều, và Carol cho rằng chúng nên có một thời gian tách nhau ra. Vì thế khi mẹ của Paul gọi tới vào một buổi chiều để sắp xếp cuộc hẹn, Carol đã nói với chị rằng Chris bị ốm.
Nghe lỏm được, Chris hỏi mẹ: “Con ốm hả mẹ? Có chuyện gì xảy ra với con vậy?” Carol sửng sốt bởi cái nhìn sợ hãi của con trai. Chị nói với con trai rằng chị nói cậu bé bị ốm bởi vì chị không muốn mẹ Paul bị tổn thương. Carol sau đó đã đưa ra một lời giải thích phức tạp về sự khác nhau giữa những lời nói dối, và Chris khá là bối rối.
Đừng bao giờ nói những câu dạng như “Đừng nói với bố là chúng ta ăn kẹo chiều nay nhé”. Mà hãy để trẻ nghe thấy những lời nói trung thực của bạn với những người khác. Ví dụ như Carol có thể nói rằng: “Hôm nay không phải dịp tốt để chơi chung. Tôi lo rằng bọn trẻ đã đánh nhau rất nhiều vào tuần trước. Tôi nghĩ chúng cần tách nhau ra một thời gian”.
Một cách khác để đẩy mạnh giá trị của sự trung thực là: Đừng phản ứng thái quá nếu con nói dối bạn. Thay vào đó, hãy giúp trẻ tìm cách nói thật.
Hiểu lý lẽ
Trong một dịp tụ họp gia đình gần đây, Amy và Marcus – hai anh em họ chơi trò xây lâu đài gỗ. Đột nhiên, Amy phá hỏng lâu đài của Marcus khiến cậu bé bật khóc. Chứng kiến cảnh đó, bố của Amy mắng con gái và đề nghị cô bé phải xin lỗi.
Sau đó, bố cô bé kéo con gái sang một bên và hỏi “Tại sao con làm hỏng lâu đài của cậu ấy?” Cô bé nói với bố rằng mình rất tức giận vì lâu đài của Marcus to hơn của mình. Ông bố đã nói, mặc dù lý do này không thể biện minh cho việc phá lâu đài của Marcus nhưng ông có thể hiểu được cảm giác của cô bé. Sau đó, ông bố để cho con gái quay lại chơi tiếp.
Phản ứng của ông bố giống với nhiều bậc cha mẹ khác: muốn trẻ nhận ra và thể hiện cảm xúc của mình, hiểu tại sao trẻ lại làm như vậy. Điều đó là tốt nhưng chưa đủ. Cha mẹ cần phải khuyến khích trẻ hành động để sửa sai. Ví dụ, bố Amy có thể đề nghị cô bé nên giúp Marcus xây lại lâu đài hoặc mang cho cậu bé một ít bánh như một hành động xin lỗi.
Nói “xin lỗi” với trẻ khá dễ dàng. Nó giúp trẻ thoát tội mà không phải suy nghĩ. Yêu cầu trẻ chủ động sửa sai sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ hơn nhiều.
Lòng quyết tâm
Khuyến khích trẻ dám đương đầu với thách thức
Jake, 5 tuổi khoe mẹ một bức tranh mà cậu vẽ bằng bộ bút chì màu mới của mình. “Rất tươi sáng và nhiều màu sắc” – chị khen con trai. “Làm tốt lắm!”
Jake sau đó chạy vào phòng mình và hăng hái vẽ thêm những bức tranh khác để được mẹ khen.
“Mỗi bức tranh càng lúc càng nhạt nhòa hơn cái trước. Tôi không biết phải nói gì”. – chị kể. Trong trường hợp này, mẹ Jack có thể phản ứng như thế này: “Chà, Jake à, bức tranh này vẽ chưa được cẩn thận bằng bức kia. Con đã cố hết sức chưa?”
Sự quyết tâm là một giá trị mà bạn có thể khuyến khích trẻ từ lúc còn nhỏ. Cách dễ dàng nhất để làm vậy là tránh khen ngợi trẻ quá mức, mà hãy đưa cho trẻ những lời nhận xét trung thực, một cách nhẹ nhàng.
Biết suy nghĩ
Dạy trẻ nghĩ đến cảm xúc của người khác
Anne rất thất vọng khi 2 cô con gái 3 tuổi và 4 tuổi cãi nhau chí chóe mỗi lần cô đưa chúng đi mua sắm. “Cuối cùng tôi bảo các con rằng chúng tôi phải tìm ra cách để mỗi lần đi mua sắm mà không có ai phải khó chịu” và chị đề nghị 2 cô bé đưa ra giải pháp.
Cô chị nói rằng họ sẽ mang theo đồ ăn nhẹ từ nhà để không phải tranh cãi về việc mua bánh quy hay không. Cô em thì nói rằng cô bé sẽ hát thầm để cảm thấy vui hơn.
Hai cô bé đã giữ đúng lời hứa trong chuyến mua sắm tiếp theo, và mọi thứ đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Khi rời siêu thị, cô em đã hỏi: “Mẹ có cảm thấy khó chịu nữa không?” và Anne nói rằng chị cảm thấy rất tốt và mọi chuyện thật tốt đẹp khi không có những tranh cãi.
Bài tập giải quyết vấn đề nho nhỏ này thực sự giúp trẻ hiểu được giá trị của việc tự suy xét. Dần dần, trẻ sẽ thấy rằng lời nói hay hành động có thể khiến người khác mỉm cười và cảm thấy tốt hơn. Và khi trẻ đối xử tốt với người khác thì người đó sẽ đối xử tốt với trẻ.
Biết yêu thương
Cha mẹ thường có xu hướng nghĩ rằng trẻ luôn yêu thương cha mẹ một cách tự nhiên. Điều đó là đúng, nhưng để tình yêu thương kéo dài, trẻ cần được đáp lại. Ít nhất là sau một ngày bận rộn, câu “ba/mẹ yêu con” là điều tối thiểu mà trẻ muốn nghe.
Hãy để trẻ nhìn thấy cách bạn thể hiện tình yêu thương với mọi người trong cuộc sống của bạn. Hãy ôm hôn bạn đời của mình khi trẻ ở gần. Hãy nói với trẻ về việc bạn yêu thương cha mẹ mình, người thân của mình nhiều đến mức nào.
Và tất nhiên, đừng để một ngày trôi qua mà không thể hiện tình yêu thương của mình với trẻ. Hãy thể hiện tình yêu thương của mình một cách bất ngờ: một lời nhắn trong hộp cơm trưa, một miếng dán trái tim trong gương nhà tắm để trẻ có thể nhìn thấy khi đánh răng, ôm trẻ chẳng cần lý do…
- Nguyễn Thảo (Theo Parents)