Dự thảo quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 của Bộ GD-ĐT dự kiến thời gian kết thúc năm học là ngày 31/5 và năm học mới bắt đầu từ 1/9. Nếu được thông qua, từ năm học tới, học sinh sẽ được nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng.

{keywords}
Trẻ bơi lội vào mùa hè. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhớ lại những mùa hè tuổi thơ ngập tiếng cười với đám trẻ hàng xóm, những buổi trưa không ngủ, nghịch ngợm, chơi bắn bi, thả diều, tắm ao... rồi cảm giác khó tả khi gặp lại bạn bè vào ngày khai giảng, anh Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội) mong cậu con trai đang học lớp 4 của mình cũng có những khoảng thời gian đẹp đẽ như thế.

Anh Hồng kể, mùa hè, anh và các chị em trong nhà từng bày ra đủ trò phá phách, nghịch dại, nhiều lần gây ra những phiền toái cho bố mẹ, nhưng đó lại là quãng thời gian đáng nhớ nhất.

Theo anh, mùa hè đúng nghĩa là trẻ được thoát khỏi hoàn toàn áp lực về bài vở, được trải nghiệm, vui chơi thỏa thích, khám phá những thú vị xung quanh mình.

"Mọi năm, tôi vẫn gửi cháu về với ông bà trong Thanh Hóa, chiều chiều ra ao tắm với bọn nhỏ ở quê. Nhưng 2 tháng hè vẫn là hơi ít, chưa kể các cháu học trước nên đến khai giảng không còn nhiều ý nghĩa. Hiện áp lực học tập với bọn chúng lớn hơn trước, nên kéo dài thời gian nghỉ hè để nạp thêm năng lượng cho năm học mới", anh Hồng nói..

Những mùa hè trước, chị Nguyễn Thảo (Quận 9, TP.HCM) cũng gửi con (1 bé học lớp 6 và 1 bé 7 tuổi) về quê nội ở Nghệ An. Theo chị Thảo, con được gần gũi ông bà, họ hàng sẽ thêm gắn bó với quê hương, không bị "mất gốc". Chưa kể, khi không sống cùng bố mẹ, 2 con sẽ học được nhiều kĩ năng khác trong ứng xử, sống tự lập hơn.

Trong khi đó, với chị Trang (Nam Từ Liêm, Hà Nội), mùa hè bé Minh Phương (9 tuổi) nhà chị sẽ có nhiều thời gian để luyện piano, đi chơi cờ, học lập trình và học vẽ.

"Bình thường, tôi vẫn đèo cháu đi học những môn này, nhưng áp lực bài vở trên lớp nên không hiệu quả lắm. Vì thế, nghỉ hè dài cũng tốt, trẻ cần nhiều kĩ năng khác nữa ngoài việc học", chị Trang nói.

Tuy vậy, với nhiều phụ huynh có con nhỏ, nhà ít người, thì thời gian nghỉ hè tận 3 tháng sẽ gây nhiều phiền toái.

Chị Thùy Vân có hai con sinh đôi 8 tuổi lo lắng khi hay tin các con sẽ được nghỉ dài. Vợ chồng chị Vân đều là dân ngoại tỉnh, công việc ở Sài Gòn khá bận. Với chị, để con có một mùa hè đúng nghĩa không dễ.

"Về quê thì nhà neo người, ông bà cũng già rồi, mà giờ ở quê cũng bụi bặm, cũng đông xe cộ rồi bao nhiêu tệ nạn, chả có gì đảm bảo con sẽ có mùa hè vui vẻ hay lại ru rú trong nhà xem ti vi, chơi điện tử. Còn ở lại Sài Gòn thì đi trại hè cả 3 tháng khá tốn kém, để ở nhà tự trông nhau thì không yên tâm" - chị Vân chia sẻ. 

{keywords}
Dự kiến, từ năm học tới, học sinh sẽ được nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng

Mặc dù vậy, anh Phạm Sơn (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng, người lớn cần phải chăm sóc con cái thay vì suy nghĩ đẩy cho nhà trường.

“Nhiều gia đình sẽ biện minh là bận công việc nhưng giáo dục con cái rất quan trọng. Con đi học cả năm ở trường cũng cần được chia sẻ và gần gũi ba mẹ. Như vậy các con cũng hiểu được ba mẹ làm việc vất vả ra sao”- anh Sơn quan điểm.

Chị Thanh (Ba Đình, Hà Nội) không quá quan tâm đến việc nghỉ hè 2 hay 3 tháng. Theo chị, mùa hè của trẻ thế nào cũng là do bố mẹ. 

"Nghỉ hè 2 tháng thì nhà neo người vẫn phải tìm cách trông con cơ mà, nên 2 hay 3 tháng không khác nhau là mấy. Với lại, giờ người lớn cũng có nhiều áp lực, không có nhiều thời gian, nên hoặc cho con học thêm đủ các môn để vào trường chuyên lớp chọn, hoặc gửi con đi các trại hè, sáng đưa đi, chiều đón về, cũng không rõ chất lượng thế nào".

Cũng theo chị Thanh, ngày nay, thế nào là một mùa hè đúng nghĩa còn phụ thuộc vào quan niệm của của mỗi gia đình.

"Các con nhà mình lớn rồi, nghỉ hè thì ở nhà trông nhau, mình bảo cháu đọc sách, xem phim có phụ đề tiếng Anh, cắm hộ mẹ nồi cơm. Ngoài ra, thì vẫn phải cho đi học thêm tiếng Anh, đi học guita 2 buổi/tuần, nhưng bố mẹ cũng không đưa đi được mà gọi xe ôm cho đi. Với mình, thế là ổn" - chị Thanh nói.

Giáo viên băn khoăn

Thầy Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Quận 5, TP.HCM) ủng hộ chủ trương nghỉ hè 3 tháng bởi học sinh có thời gian trải nghiệm, rèn kỹ năng, du lịch sau thời gian học liên tục 9 tháng.

Trong khi đó, thầy Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3, TP.HCM) băn khoăn nghỉ hè 3 tháng là quá nhiều, học sinh mất thời gian bắt kịp nhịp độ học tập khi vào năm học mới.

“Kỳ nghỉ dịch Covid-19 vừa qua là một ví dụ điển hình. Dù triển khai học trực tuyến nhưng giáo viên vừa ôn tập lại kiến thức cũ vừa dạy kiến thức mới. Chưa kể trước năm học mới có rất nhiều chuyện cần phải làm mà chỉ có những người trong ngành giáo dục mới hiểu”.

Ngoài ra, trong 3 tháng hè giáo viên chỉ được nhận lương cứng chứ không có bất kì khoản thu nhập nào khác. 

Theo cô Trần Ngọc Thảo, giáo viên TP.HCM, nếu tựu trường giữa tháng 8 như mọi năm thì trên danh nghĩa, giáo viên được nghỉ 2,5 tháng. Nhưng thực tế, phải mất gần 1 tháng họp hành, tham gia các khóa học, do vậy chỉ được nghỉ hơn 1 tháng.

"Nếu học sinh được nghỉ 3 tháng thì thời gian nghỉ thực tế của giáo viên dài hơn, có thời gian chăm sóc gia đình, cho sở thích riêng", cô Thảo nói.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) thì cần có kế hoạch cụ thể về việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên vào dịp hè, tránh lắt nhắt, rải rác.

"Nghỉ hè, giáo viên của tôi bán hàng online, chạy xe ôm, một số đi dạy ở trung tâm dạy thêm, hoặc đi làm gia sư bởi đây là những việc hợp thời vụ. Vì vậy, nếu nghỉ 3 tháng hè thì các khóa học cho giáo viên nên rõ ràng và tập trung vào tháng 8 để họ có kế hoạch riêng cho mình" - thầy Phú đề xuất.

Lê Huyền

Làm thế nào để con trẻ có một mùa hè ý nghĩa? Vui lòng chia sẻ góc nhìn, hình ảnh và những trải nghiệm về mùa hè của bạn qua email [email protected]

Dự kiến tựu trường ngày 1/9, không dạy trước khai giảng

Dự kiến tựu trường ngày 1/9, không dạy trước khai giảng

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ này đang dự kiến ngày tựu trường năm học mới sớm nhất là ngày 1/9, nhằm kéo dài thời gian nghỉ hè cho học sinh.