Bên cạnh mô hình homeschooling nguyên bản – cha mẹ học ở nhà cùng con, một số phụ huynh Việt đang áp dụng những mô hình có cải biến để phù hợp với môi trường sống trong nước.

Homeschooling song song học ở trường

Anh Nguyễn Quốc Thịnh (Hà Nội) hiện đang tìm kiếm những phụ huynh có cùng định hướng để tiến hành homeschooling cùng con anh trong vòng một năm nữa. Tuy nhiên, anh Thịnh vẫn cho con theo học một trường truyền thống và dự định chỉ thực hiện chương trình học tại nhà 2 buổi/ tuần.

{keywords}

Mô hình "hybrid homeschool" không xa lạ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Có những ngôi trường dành riêng cho trẻ homeschool, nghĩa là trẻ chỉ đến trường 2-3 ngày/ tuần. Ảnh minh họa

Anh cho biết, năm nay con anh đang học lớp 4, đang học tiếng Anh và mới bập bẹ một số câu đơn giản. Ý định cho con học tại nhà đã được anh suy nghĩ 2 năm nay. Các lớp anh mở ra trước đó đều nhằm mục đích chuẩn bị cho con theo homeschooling.

Để chuẩn bị cho “chiến dịch” này, vợ chồng anh đã chuẩn bị hệ thống cơ sở vật chất khá đầy đủ, gồm vườn để trồng cây, xưởng đục đẽo, cắt gọt và phòng thí nghiệm cho các môn Lý, Hóa, Sinh.

Anh cho rằng để đạt được kết quả tốt trong quá trình này, cha mẹ phải sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ con học tập, chứ không phải chỉ là người đưa đón. Ngoài ra, các môn xã hội anh dự tính có thể mời giáo viên nước ngoài giảng dạy.

Tiện nhất là các gia đình ở gần nhau để đưa đón con cho tiện, cộng với việc các môn xã hội cần phụ huynh thay ca nhau. Ngoài ra, cũng có những dự án các con cần nhiều thời gian để cùng nhau thực hiện” – anh chia sẻ.

Giống như anh Thịnh, chị Hương (Hà Nội) từng áp dụng chương trình học tại nhà cho 2 con gái cách đây 2 năm, nhưng vẫn cho các bé đến trường bình thường. Trường mà chị chọn cho con là một ngôi trường bình thường ở khu vực Hà Đông, không phải trường chuyên lớp chọn, chương trình học nhẹ nhàng. Đó cũng là tiêu chí của chị để con có nhiều thời gian hơn cho việc học các kiến thức và kỹ năng ở nhà.

Trước khi con gái út vào lớp 1, chị cũng có tự tổ chức một nhóm học tại nhà, theo hình thức phi lợi nhuận, là nơi để các bố mẹ đưa con tới để các bé cùng học, cùng chơi, cùng nhau giao tiếp. Nhóm này có 8 bé, các phụ huynh thay phiên nhau hướng dẫn và học cùng các con. Thậm chí, chị còn nhận được sự giúp đỡ hết lòng của nhiều người quen biết trong việc kèm cặp các cháu.

{keywords}

Các cháu trong lớp học của anh Phong đang thực hiện dự án hướng dẫn giao tiếp tiếng Anh cho các bạn trong cộng đồng. Ảnh: NVCC

Với môn tiếng Anh, chị đầu tư tìm hiểu và chọn lọc những chương trình hay để con học tại nhà, đôi khi có sự giúp đỡ của những người bản xứ. Đến nay, cô con gái 8 tuổi nhà chị đã có thể giao tiếp, kể chuyện bằng tiếng Anh với ngữ điệu rất tốt. Ngoài tiếng Anh, chị cũng dành thời gian để giúp con học và rèn luyện những kiến thức, kỹ năng khác.

Khó khăn nhất trong việc học tại nhà, theo chị Hương, là tạo nhóm chơi, sân chơi, tìm được những phụ huynh cùng chí hướng và tư tưởng với mình để cùng nhau giúp các con.

Cách đây 2 năm chị Hương chưa dám áp dụng homeschool hoàn toàn do thiếu người đồng hành. Nhưng đến nay, chị đã quyết định cho các con nghỉ học ở trường để tập trung vào homeschool hoàn toàn.

Tôi mong Bộ GD-ĐT tổ chức những kỳ thi dành cho các bé học homeschool không có bằng cấp có thể tham gia như ở Mỹ và châu Âu để các cháu cũng được chứng nhận hết phổ thông” – chị Hương bày tỏ nguyện vọng.

Mô hình "thầy dạy, cha mẹ quyết"

Khác với mô hình homeschool hoàn toàn hay kết hợp song song giữa học ở trường và học tại nhà, anh Đặng Tân Phong (TP.HCM) gọi mô hình của mình là “hybrid” – tức là phụ huynh không tự dạy trẻ mà kết hợp với các chuyên gia giáo dục.

{keywords}

Chuyên gia đang hướng dẫn thảo luận nhóm về một chủ đề Lịch sử, Địa lý. Ảnh: NVCC

“Ngôi trường” mà anh Phong là người sáng lập và quản lý mới bắt đầu từ tháng 12/2016. Hiện nay có 10 cháu từ 10-16 tuổi đang theo học tại đây, trong đó có 2 con và các cháu của anh. 10 đứa trẻ này không đến trường học truyền thống mà tới một địa điểm mà anh thuê để học nội trú toàn thời gian 5 ngày/ tuần. Cơ sở vật chất ở đây được trang bị đầy đủ để đảm bảo cho việc học và ăn ở, sinh hoạt của các cháu. Hai ngày cuối tuần các cháu sẽ về với gia đình.

Mặc dù ở các độ tuổi khác nhau nhưng những đứa trẻ này không được phân lớp, mà học theo hình thức “cá nhân hóa”.

“Chương trình học thuật là “phổ thông quốc tế Cambridge, Anh quốc – IGCSE & A Level”. Học thuật chỉ là một phần trong tổng thể chương trình. Phần còn lại liên quan tới phát triển toàn diện thể chất – tư duy - tinh thần, dinh dưỡng, các kỹ năng xã hội, hành vi ứng xử, hiểu biết về thế giới và đặc biệt phát triển khả năng thế mạnh của mỗi cháu. Mọi nội dung đều dựa trên cơ sở khoa học (như neuroscience, STEAM, PBL…) đã được áp dụng, chứng nghiệm trên thế giới” – anh Phong cho biết.

Quan trọng là mình chắt lọc và tùy chỉnh cho phù hợp với văn hóa, môi trường và lứa tuổi. Tất nhiên toàn bộ chương trình sẽ chủ yếu do các chuyên gia về giáo dục quốc tế đảm nhiệm với sự phối hợp chặt chẽ cùng gia đình. Môi trường này sử dụng 100% tiếng Anh”.

{keywords}

Chuyên gia đang hướng dẫn trẻ thuyết trình, tranh biện. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về lý do thực hiện mô hình này, anh Phong cho biết, ở lứa tuổi 10 - 18 của các cháu thì các gia đình chưa có kinh nghiệm và chưa đủ tự tin nên cần các chuyên gia đã tinh thông về giáo dục và trải nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh sẽ là người gắn bó sát sao trên cơ sở là người nuôi nấng từ bé nên sẽ thấu hiểu con cái và hỗ trợ cho hành trình này tốt hơn.

Tính chất "homeschool" của mô hình này là dựa trên tính cách, khả năng tiếp thu, điểm mạnh yếu của mỗi cháu để xây dựng chương trình “cá nhân hóa” cho mỗi đứa trẻ. Ngoài ra, phụ huynh sẽ là người chủ động xây dựng môi trường học tập và sinh sống lý tưởng theo ý kiến chủ quan của mình để các cháu có được sự thoải mái, vui vẻ, thân thiện, tiện lợi và khoa học. Các phụ huynh ở đây cũng đề cao yếu tố gần gũi với thiên nhiên trong việc xây dựng môi trường học tập.

Mô hình của anh Phong hoạt động hoàn toàn không vì lợi nhuận. Do quy mô nhỏ nên mọi chi phí sẽ rất minh bạch và hợp lý, hoàn toàn phục vụ cho việc giáo dục, cụ thể như: thuê cơ sở vật chất, trả lương chuyên gia, ăn uống khoa học, giáo trình, hoạt động ngoại khóa…

Do thuê các chuyên gia nước ngoài và cơ sở vật chất hiện đại nên mức phí ngang bằng với các trường quốc tế hàng đầu Việt Nam nhưng hiệu quả sẽ toàn diện và cao hơn. Mình cũng có mục tiêu sẽ Việt hóa nhiều thứ để giảm chi phí mà vẫn giữ vững chất lượng để có thể lan tỏa nhiều hơn” – anh Phong chia sẻ.

Ông bố này cho rằng, phụ huynh Việt muốn cho con học tại nhà cần vượt qua 3 thách thức lớn nhất. Thứ nhất, phụ huynh cần có hiểu biết sâu sắc về tương lai 10 - 20 năm tới và nhận thức được các cháu sẽ cần gì, nên trở thành người thế nào. Thứ hai, mô hình này đòi hòi gia đình có điều kiện về tài chính và có phương pháp đúng. Cuối cùng là vấn đề tư tưởng: phụ huynh có dũng cảm thay đổi vì tương lai của con em mình không.

Tôi cũng rất mong muốn Bộ GD-ĐT nghiên cứu và thừa nhận vai trò của homeschooling để thúc đẩy "xã hội hóa” giáo dục. Nguồn lực xã hội còn rất lớn nhưng chưa khai thác hiệu quả” – anh Phong nói.

Nguyễn Thảo