Đồng tình với quan điểm này, nhà nghiên cứu Harris Cooper, Trường ĐH Duke (Mỹ) cũng cho rằng “bài tập về nhà không đem lại lợi ích gì cho học sinh tiểu học”.
Theo ông, có một số lý do sau khiến giáo viên không nên giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học:
Thứ nhất, bài tập về nhà có thể tạo ra những thái độ tiêu cực của trẻ về trường học. Học sinh tiểu học chỉ đang đi những bước đầu tiên trên con đường học tập còn rất dài ở phía trước. Do đó, giáo viên không nên làm cho trẻ cảm thấy chán ghét trường học. Thay vào đó, trẻ nên có được những trải nghiệm vui vẻ khi học tập.
Thứ hai, bài tập về nhà có thể làm tổn hại mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ. Ở độ tuổi tiểu học, trẻ vẫn chưa thể tự giác làm bài tập về nhà mà vẫn cần sự nhắc nhở của cha mẹ. Sau một ngày dài ở trường, những từ như “làm bài tập” hay “học bài” không phải là điều trẻ muốn làm trước khi đi ngủ. Việc buộc trẻ phải ngồi vào bàn học có thể trở thành một “cuộc chiến” kéo dài cho đến tận khi bài tập về nhà thực sự có tác dụng với việc học của trẻ.
Thứ ba, bài tập về nhà tạo cảm giác trách nhiệm giả tạo. Những người ủng hộ bài tập về nhà sẽ nói rằng làm bài tập về nhà hàng ngày giúp trẻ có tính trách nhiệm hơn với việc học. Nhưng điều đó chỉ đúng ở độ tuổi lớn hơn. Khi cha mẹ phải nhắc nhở con cái làm bài tập về nhà mỗi tối, mục đích này hoàn toàn biến mất.
Thứ tư, làm bài tập về nhà khiến trẻ không còn nhiều thời gian vui chơi. Sự thật là hiện nay, nhiều trẻ đang thiếu hụt các hoạt động thân thể. Do đó, tất cả học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học, nên dành thời gian buổi tối và các ngày nghỉ lễ cho các hoạt động thể chất, vui chơi ngoài trời và tham gia các môn thể thao. Cả giáo viên và cha mẹ đều nên khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động này thường xuyên hơn.
Thứ năm, trẻ cần được nghỉ ngơi để học hiệu quả. Trẻ em trung bình cần được ngủ 10 tiếng mỗi ngày. Để trẻ có thể tham gia học tập ở trường bằng 100% khả năng, trẻ cần được ngủ điều độ.
Vậy nếu không giao bài tập về nhà, cần làm gì để giúp học sinh tiểu học có thể học tốt?
Thay vì để trẻ nhỏ “quá tải” với việc làm bài tập, có rất nhiều hoạt động khác mà giáo viên và phụ huynh có thể tổ chức để học sinh cảm thấy có động lực, hào hứng hơn trong học tập.
Khuyến khích trẻ đọc sách
Theo nghiên cứu, đối với học sinh tiểu học, đọc sách có hiệu quả hơn làm bài tập về nhà. Cha mẹ và giáo viên có thể tìm hiểu những chủ đề mà trẻ yêu thích và sau đó khuyến khích trẻ tự đọc hoặc đọc cho trẻ nghe. Mặc dù việc này sẽ mất nhiều công sức hơn so với việc làm bài tập về nhà, nhưng đọc sách sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho trẻ.
Dạy trẻ có tinh thần trách nhiệm với những công việc hàng ngày
Thay vì dựa vào bài tập về nhà để phát triển ý thức trách nhiệm của trẻ, có rất nhiều thói quen hàng ngày cha mẹ có thể dạy con, chẳng hạn như thức dậy sớm vào buổi sáng, dọn dẹp giường, giúp cha mẹ việc nhà hay thậm chí là chăm sóc thú cưng.
Dạy trẻ trở thành người ham học hỏi
Cha mẹ và giáo viên nên giúp trẻ hiểu rằng học tập là một quá trình liên tục và lâu dài. Khi đó, việc làm bài tập về nhà sẽ chỉ là hoạt động mang tính bổ trợ cho việc học.
Đưa trẻ đến thăm bảo tàng
Trẻ có thể học được rất nhiều điều trong một buổi triển lãm khoa học hoặc nghệ thuật. Không ở đâu trẻ có thể có được những kiến thức và trải nghiệm như khi tới những nơi này. Cha mẹ có thể tìm kiếm những buổi triển lãm hoặc các hoạt động nhằm khơi dậy sự hứng thú của trẻ.
Nói chung, thay vì giao bài tập về nhà, giáo viên và phụ huynh nên thông qua các hoạt động trải nghiệm ngoài giờ học để tăng cường tính sáng tạo, sự hòa đồng trong trẻ. Điều đó cũng giúp việc giáo dục học sinh tiểu học trở nên hiệu quả hơn.
Thời Vũ (Theo Life Hack)
Tránh bi kịch nuôi con trong 'lồng ấp', cha mẹ Việt có dám buông tay?
Trong cuốn sách “Buông tay ra để con bay”, nhà báo Thu Hà đã chia sẻ về hành trình dạy con tự lập phải bắt đầu từ quan điểm: Điều quan trọng lại giản dị đến bất ngờ: Không làm gì. Buông con ra để con tự lập.