Chương trình “Cha mẹ thay đổi” là nơi các gia đình dũng cảm chia sẻ những câu chuyện riêng tư của gia đình mình, dũng cảm đối diện với chính mình và nhìn nhận ra cái sai để có thể tìm được tiếng nói chung với con cái.
Trong tập 3 của chương trình “Cha mẹ thay đổi” là sự xuất hiện của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hà (Thị Trấn Chờ, Bắc Ninh) và cô con gái nhỏ tên Hà Anh.
Giống như nhiều gia đình khác khi tham gia chương trình, vợ chồng chị Hà cũng đang gặp phải vấn đề trong việc nuôi dạy con cái. Hà Anh (9 tuổi), con gái lớn của chị Hà là một cô bé có cá tính mạnh. Mỗi khi không nghe lời, dù bị mẹ liên tục quát và dọa đánh đòn, đứa trẻ vẫn không khóc và thể hiện rõ sự tức giận bằng việc liên tục lườm mẹ.
Chị Hà nhận xét: “Con nhà mình thực sự rất lỳ, lỳ đến mức khi bị mẹ đánh vẫn không khóc và nhìn mẹ bằng một ánh mắt - mình phải dùng chữ ‘căm thù’ mới lột tả được hết cảm xúc của con khi ấy”.
Mỗi khi không nghe lời, dù bị mẹ liên tục quát và dọa đánh đòn, đứa trẻ vẫn không khóc nhưng thể hiện rõ sự tức giận và liên tục lườm mẹ.
Trong bữa cơm, khi Hà Anh nhất định cự tuyệt không chịu ăn thì người mẹ liên tục quát mắng: “Thế giờ có ăn không? Muốn làm mẹ điên lên mới chịu được à. Một lần nữa như thế đừng có trách”.
Nhưng đáp lại mọi câu hỏi của mẹ đều là sự tức giận và câu trả lời “không” từ con.
“Nếu cô bé có biểu hiện thái độ như thế này khi 8 tuổi thì rất có thể 5 năm nữa, mọi chuyện sẽ trở nên vô cùng tồi tệ”, các chuyên gia nhận xét.
Kể về bố mẹ, Hà Anh nói: “Bố mẹ toàn bênh em Bin và đánh con. Con ghét bố mẹ, chán cả 3 người. Con thấy quá chán cái nhà này”.
Thậm chí, cô bé còn tự quay video để trải lòng: “Hôm nay tôi rất buồn. Mẹ tôi là một người độc ác. Bà ấy chuyên môn đánh đập tôi, chỉ yêu thương em trai tôi. Tôi không hiểu mẹ tôi là ai, hình như tôi là con nuôi của mẹ tôi. Tôi không phải con ruột của mẹ nên mẹ luôn đánh chửi tôi. Tôi không muốn như vậy nữa”.
Khi chán, Hà Anh lại bỏ nhà đi. “Vì mẹ ghét con nên con mới bỏ đi. Con chẳng thích ở nhà. Con nói mẹ đừng đi tìm con nữa”, cô bé 8 tuổi giãi bày.
Cô bé còn tự quay video để trải lòng.
Cũng chính lúc này, người mẹ mới nhận ra bấy lâu nay mình cư xử với con chưa đúng cách; vô tình làm con mất đi niềm tin và cảm thấy chán ghét trong chính ngôi nhà của mình.
“Mình muốn thời gian con ở với mình không phải là thời gian mình bao bọc con nhiều nhất mà đó là thời gian tốt đẹp nhất mình dành cho con. Nhưng con không cảm nhận được điều ấy.
Con mình như ngày hôm nay là tại mình. Trước đây mình luôn muốn có sản phẩm tốt. Con mình, nó phải hơn mình. Nhưng đổi lại mình lại cho con những năng lượng tiêu cực. Mình cảm thấy nếu mình không thay đổi thì sự nghiệp làm mẹ của mình sẽ thất bại”, chị Hà bộc bạch.
Theo dõi câu chuyện của gia đình chị Thu Hà, GS. Choi Sung Aie (Chủ tịch - Người sáng lập Hiệp hội Emotion coaching, Hàn Quốc) nhìn nhận, trong vòng hơn 100 năm qua, hầu hết các cha mẹ và giáo viên đều không nhận ra được cảm xúc của con trẻ mà chỉ nhìn vào hành vi, mong muốn điều chỉnh những hành vi ấy.
Vì thế, GS. Choi Sung Aie đã hướng dẫn chị Hà phương pháp có tên “Hướng dẫn cảm xúc”. Phương pháp này sẽ dạy cha mẹ cách kết nối cảm xúc với trẻ trước khi hướng dẫn trẻ biết cư xử tốt.
Quy trình này sẽ diễn ra 5 bước bao gồm: Nhận ra cảm xúc của con; Hãy coi đó là cơ hội tốt để kết nối với con; Hãy trò chuyện với trẻ về cảm xúc của trẻ và cha mẹ hãy lắng nghe, đồng cảm với quan điểm của trẻ; Khi đã hiểu cảm xúc của con, hãy gọi tên cảm xúc đó. Cuối cùng hãy hướng dẫn trẻ có hành vi tích cực hơn.
Người mẹ nhận ra bấy lâu nay mình cư xử với con chưa đúng cách.
Chị Hà đã đem phương pháp này áp dụng lên chính các con của mình. Khi cô con gái nói bị đau răng, người mẹ đã nhận ra cảm xúc của con và coi đó là cơ hội tốt để kết nối.
“Con đau như thế chắc khó chịu lắm? Con đang cảm thấy mệt đúng không”, người mẹ bắt đầu giúp con gọi tên các cảm xúc.
“Mẹ cũng thế. Mẹ còn bị sâu chiếc răng số 8 và đau đến mức như thế cơ mà”, người mẹ vừa vệ sinh răng cho con, vừa thể hiện thái độ thấu hiểu và đồng cảm. Sau cùng, người mẹ gợi ý giải pháp giúp con bớt đau răng hơn.
Hình ảnh người mẹ lúc này đã khác hẳn với quãng thời gian trước đó khi chỉ có quát mắng. Chị Hà đã dịu dàng hơn với con và luôn khuyến khích con gái tự đưa ra giải pháp.
“Mọi ngày mẹ rất ghê nhưng giờ mẹ đã hiền hơn rồi. Con rất thích mẹ thay đổi”, Hà Anh nhận xét về những thay đổi của mẹ.
“Mọi ngày mẹ rất ghê nhưng giờ mẹ đã hiền hơn rồi".
GS. Peck Cho (ĐH Hàn Quốc, Ủy viên Hội đồng cố vấn chính sách – Bộ Giáo dục Hàn Quốc) cho rằng, hành trình cùng con của chị Hà vẫn còn rất dài: “Chúng ta muốn con trẻ phải hiểu tất cả những điều chúng ta làm đều là muốn tốt cho tương lai của chúng. Nhưng cha mẹ lại không hiểu tại sao con đang buồn, con đang thất vọng, sợ hãi hay vì sao con lại từ chối tình yêu của chúng ta”.
Nhìn lại suốt chặng đường đồng hành cùng con, chị Hà tự nhủ, bản thân sẽ để cho các con sống theo cách con muốn. Chị cũng gửi bức thư nhắn nhủ đến con:
“Mẹ luôn mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con suốt cuộc đời này, nhưng mẹ cũng muốn con biết làm mọi thứ để khi bước chân ra đường đời, con sẽ không bỡ ngỡ hay gục ngã trước khó khăn ngay cả khi mẹ không còn trên đời này nữa.
Chính vì vậy mẹ luôn áp đặt mọi thứ lên con. Mẹ luôn trách móc, chê bai mà chưa một lần đặt mình để hiểu cảm xúc của con, thậm chí mẹ đã chặn đứt những cơ hội con muốn bộc lộ.
Mẹ rất nhiều lần nghĩ con như vậy vì con của mình có tính xấu, vì con là một em bé chưa biết nghe lời, không biết thương bố, thương mẹ. Nhưng lúc này mẹ mới vỡ òa khi nhận ra rằng, con không phải như thế.
Chỉ là bởi con bị ảnh hưởng bởi tính cách của bố mẹ. Con đang làm theo cách bố mẹ xử sự hàng ngày hoặc có thể đang thu hút sự chú ý để làm tâm điểm trong mắt bố mẹ. Mẹ không biết điều con cần nhất là sự đồng cảm, tôn trọng của bố mẹ theo cách của riêng con. Mẹ yêu thương con rất nhiều”.
Thúy Nga
Câu nói của con khiến 2 bà mẹ hối hận vì cách ứng xử sai lầm
- “Mình không biết phải làm thế nào cho các con hiểu rằng ‘Bố mẹ yêu con nhiều lắm’, nhưng thật đau lòng khi bản thân đã khiến con phải nói ra câu: ‘Bố mẹ không yêu con’”.