Anh Nguyễn Vũ Cân – bố của nữ sinh Nguyễn Đình Tôn Nữ, một trong những học sinh hiếm hoi của Việt Nam trúng tuyển vào ĐH Harvard danh tiếng – đã chia sẻ như vậy về kết quả tuyệt vời mà bố con anh nhận được hồi tháng 4.
Buổi trò chuyện giữa bố con cô gái Harvard và các em học sinh, phụ huynh do Trung tâm Spark Prep tổ chức diễn ra trong không khí ấm cúng.
Không phải ngẫu nhiên mà buổi chia sẻ được đặt tên là “Hãy để con bay”. Đó chính là cách dạy con, đồng hành cùng con mà anh Nguyễn Vũ Cân đã chọn trong suốt 18 năm qua với các con của mình.
Anh Nguyễn Vũ Cân và con gái Nguyễn Đình Tôn Nữ |
Ngay từ đầu cuộc trò chuyện, ông bố này đã khẳng định: “Đây không phải là một buổi truyền bá kinh nghiệm nuôi dạy con của tôi. Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi bậc phụ huynh đều có cách nuôi dạy con khác nhau để phù hợp với tính cách đứa trẻ và hoàn cảnh của mình”.
"Tôi ở vai ông bố "vô tích sự", để con được tự do quyết định"
Ngay từ khi con còn nhỏ, anh luôn để con trải nghiệm những hoạt động trong phạm vi và khả năng của một đứa trẻ. “Nhiều khi người ta bảo mình là viển vông, nhưng mình thấy cần thiết thì mình cứ làm” – anh nói.
Anh nhớ về những kỷ niệm giản dị của hai bố con khi Tôn Nữ còn bé. Có lần để cho con biết sương mù là gì, anh đưa con ra Hồ Tây vào sáng sớm để con được nhìn và hiểu được tại sao người ta lại miêu tả sương mù “huyền ảo”. Hay từ khi con mới 9 tháng tuổi, anh đã để con thật đói để học cách tự chọc hộp sữa ra uống. “Cách tiếp thu tốt nhất với một đứa trẻ là trực quan... Nếu để con tự làm, tự bơi, con sẽ có kinh nghiệm hơn rất nhiều. Bố mẹ dù chỉ làm giúp con một phần thôi là đã tước đi những trải nghiệm của con”.
Khi được hỏi anh có trợ giúp được gì cho Tôn Nữ trong quá trình “apply” không, anh hài hước tự nhận mình là một ông bố “vô tích sự”. “Tôi hoàn toàn không giúp được gì cho con trong quá trình nộp đơn, mặc dù tôi là nhà báo và có thể nhiều người nghĩ rằng tôi sẽ có rất nhiều mối quan hệ để giúp con”.
Ngay cả trong những trường hợp khác khi con gái hỏi ý kiến bố, “nếu tôi không giúp được, tôi sẽ nói luôn với con là bố không giúp được gì, con thử tìm hướng khác xem sao, chứ tôi không nói là để bố nhờ người này người kia xem sao” – anh Cân chia sẻ.
“Vai ông bố vô tích sự của tôi cũng là để con biết rằng con được tự do quyết định. Tuy nhiên, nếu để con thấy sự bất lực của mình thì càng tai hại. Tôi luôn vô tư và tỏ ra vô tư”.
“Tôi luôn cho rằng vai trò của gia đình là rất quan trọng. Dù bố mẹ không làm được gì nhưng không thể để các con quá thất vọng, lo lắng về mình để con an tâm, tự tin làm mọi thứ. Tôi cho rằng đó cũng là một sự giúp đỡ” – anh chia sẻ.
Còn với Tôn Nữ - một cô gái rất cá tính và độc lập, em cho rằng bố đã giúp em rất nhiều thứ. “Bố đổ xăng giúp con, giúp con dắt xe, mở cửa khi con về muộn… Như thế đã là giúp đỡ rất nhiều”.
Anh Nguyễn Vũ Cân và con gái Nguyễn Đình Tôn Nữ đã có một buổi chia sẻ thân mật tại tọa đàm "Hãy để con bay" ngày 7/9. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Trong mắt Tôn Nữ, bố Cân luôn là một ông bố tuyệt vời. Ngay cả trong quyết định “gap year” một năm của em, đã có rất nhiều người thân trong gia đình, họ hàng gọi đến khuyên vợ chồng anh nhất quyết phải cho con đi học ngay vì sợ sau một năm mọi thứ thay đổi, cơ hội bị tuột mất. Nhưng anh chỉ nói với mọi người rằng con đã quyết định rồi thì không nên làm con mất tự tin vào quyết định của mình. “Tôi phải đi vận động từng người ủng hộ quyết định của cháu”.
Quan điểm của anh là để con tự quyết định những việc liên quan trực tiếp đến con, đặc biệt là chuyện học gì và học như thế nào.
“Tôi thậm chí còn không biết khi nào cháu thi SAT1, SAT2, ôn luyện như thế nào. Có lần đi họp phụ huynh, tôi thấy các phụ huynh bàn chuyện tìm chỗ học SAT, tôi cũng về nói con tìm lớp để bố mẹ chuẩn bị kinh phí, nhưng cháu bảo cháu lo chuyện đó rồi. Bẵng đi một thời gian, tôi hỏi thì cháu bảo, đến các trung tâm thì rất tốn tiền mà không học được như ý muốn nên cháu tự học”.
Anh cho rằng, khi để con tự quyết định, con sẽ có trách nhiệm hơn với quyết định của mình. Khi đó, bố mẹ chỉ có quyền tin tưởng vào con.
“Tôi cho rằng, mọi đứa trẻ sinh ra trên đời này lành lặn đã là một thiên tài. Nhưng khi đứa trẻ lớn lên, do môi trường, do cách nuôi dạy, cái sự thiên tài ấy bị co lại”.
“Bản thân vợ chồng tôi cũng không phải là người có kinh nghiệm. Chúng tôi để bản năng dẫn dắt. Đói thì tìm ăn, rét thì tìm nơi ấm. Bản năng không mất đi, mà được rèn giũa” – ông bố này chia sẻ.
Dành một năm “ăn không ngồi rồi” để làm giàu vốn sống
Chia sẻ về cảm xúc ngay sau khi nhận thư báo trúng tuyển ĐH Harvard của con gái, anh nói, niềm vui là điều dĩ nhiên, nhưng ngay sau khi bước ra khỏi phòng con, anh có một nỗi lo lắng mơ hồ. “Harvard là ngôi trường hàng đầu thế giới mà con gái mình lại “leng pheng” như thế thì liệu có thể học được không. Vào thì vui đấy, nhưng bị đuổi thì còn ê chề nữa” – anh cười khi chia sẻ điều này.
Thế nhưng, chuyến thăm trực tiếp ĐH Harvard sau đó và quyết định “gap year” một năm của Tôn Nữ đã giúp anh yên tâm hơn.
“Bố mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Harvard gọi tên con tôi một phần nhờ nỗ lực của cháu, nhưng cũng nhiều phần là sự may mắn”.
“Trong cuộc đời, may mắn và cơ hội đến rất nhiều, nhưng chúng ta có được chuẩn bị nội sinh để nắm bắt may mắn đó hay không. Tôi luôn nói với các con, hãy chuẩn bị, tích lũy kiến thức, trải nghiệm, nhiều khi là viển vông ở thời điểm đó, nhưng đến một lúc nào đó ta có thể bật ra để ứng xử với hoàn cảnh”.
Còn với Tôn Nữ, em thành thật chia sẻ rằng quyết định “gap year” của mình xuất phát từ nỗi sợ Harvard, sợ các bạn giỏi hơn mình. Nên em đã quyết định dành một năm “ăn không ngồi rồi” để làm giàu vốn sống, đơn giản chỉ bằng những chuyến đi chơi, ngồi đọc sách, ngắm hoa, nghe nhạc, học triết, học thiền…, làm những thứ mình thích. Và sau khi trải nghiệm những điều đó, em cảm thấy mục đích “gap year” của mình đã giải quyết xong.
Trả lời nhiều băn khoăn, đôi khi là vấn đề tâm lý của các bạn trẻ, Tôn Nữ khuyên: các bạn hãy thật thoải mái, nếu không học Harvard thì học trường khác, nếu không đỗ trường nào thì ‘gap year’ 1 năm, 2 năm, không được đi du học thì học đại học trong nước, chẳng sao cả. Hãy cứ đi rồi sẽ đến.
Trong thời gian đầu ôn thi chuẩn hóa, tập viết luận, Tôn Nữ cùng từng phải đối diện với nỗi sợ viết luận. “Mình từng nghĩ ‘viết dở thế này thì làm sao mà vào được đại học’. Các bạn có tưởng tượng được môn Hóa mình từng đạt 6.5 tổng kết, nhưng chỉ sau 1 tháng “thử yêu” và học bằng tất cả niềm yêu thương môn học này, mình đã chọn Hóa là môn thi SAT2”.
“Khó khăn nhất với mình trong quá trình ‘apply’ là tìm người giúp mình vượt qua nỗi sợ viết luận. Luke Taylor là người đó”. Tôn Nữ chia sẻ, em quen Luke qua một người bạn chung và đó cũng là kết quả của việc bố mẹ để em “rơi”.
“Nếu như bố mẹ không để mình "rơi" thì mình sẽ không bao giờ gặp được Luke. Nếu như các trung tâm sẽ nói với bạn rằng “Bạn chưa đủ tốt. Bạn đưa tiền đây, chúng tôi sẽ giúp bạn đủ tốt", thì Luke lại khuyến khích mình cứ viết những gì mình nghĩ và cũng là người gợi ý mình nộp vào Harvard” – Tôn Nữ chia sẻ.
Nguyễn Thảo