- Các cô giáo mầm non đã thể hiện khả năng xử trí trước các tình huống đặt ra trên lớp như trẻ quấy khóc không chịu ngủ, tranh giành đồ chơi, hay giúp trẻ hòa nhập với bạn,… tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017.
Trong phần thi xử lý tình huống sư phạm với những câu hỏi mang tính áp dụng thực tiễn đòi hỏi khả năng chuyên môn, các cô giáo đã đưa ra nhiều biện pháp, cách thức để ổn định lớp học được ban giám khảo đánh giá khá cao.
Trước tình huống trong lớp mẫu giáo nhỡ 4-5 tuổi, có 2 bé tranh giành nhau một chiếc ô tô đồ chơi nhưng không ai chịu nhường ai, cô giáo Phạm Thu Hường (Trường Mầm non số 2 xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đưa ra hướng sẽ tìm cách thu hút sự chú ý của trẻ khỏi việc tranh giành đó.
Bằng cách cô sẽ lại gần và nói với trẻ: “Các con ơi, các con đang làm gì đấy, các con có thể cho cô chơi cùng được không?” Từ đó, liên tiếp đặt ra các câu hỏi với trẻ như chiếc ô tô này có đặc điểm như thế nào, ô tô phát ra tiếng kêu ra sao và động viên trẻ khi trẻ trả lời đúng.
“Sau đó có thể rủ trẻ cùng chơi một trò chơi, ví dụ chơi oẳn tù tì bạn nào thắng sẽ được chơi ô tô trước”, cô Hường nói.
Theo cô giáo này, thông thường qua những cách thức vừa gây sự chú ý cũng như gần gũi và tham gia các trò chơi cùng trẻ thì trẻ sẽ hợp tác với cô giáo trong việc phân chia đồ chơi.
Cô giáo Vũ Thúy Quỳnh (Trường Mầm non Phương Thanh, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang) đứng trước thử thách của ban giám khảo với tình huống lớp có một phụ huynh rất chiều con và hằng ngày thường mua cho con đồ ăn và đồ chơi đưa vào lớp. Trong khi đó, các học sinh khác thì không có như vậy.
Cô giáo vùng cao tự tin trả lời sẽ trao đổi thẳng thắn để phụ huynh hiểu đây là việc không nên làm vì có thể gây tranh giành trong lớp. Bởi ở lứa tuổi mầm non, các con rất hiếu động và đồ ăn, đồ chơi là những thứ ưa thích. “Ngày hôm đó, khi mà phụ huynh đã mua và cho con đến lớp, thì mình vẫn sẽ đồng ý cho con mang đồ ăn và đồ chơi vào lớp, tuy nhiên nhắc phụ huynh rút kinh nghiệm để không để xảy ra việc này nữa.
Đồng thời, cô cũng động viên học sinh chia sẻ đồ ăn, đồ chơi với các bạn để tạo sự hòa đồng trong lớp, qua đó còn giáo dục tình đoàn kết, yêu thương, đùm bọc cho học trò.
Tình huống đặt ra với cô giáo Lê Thu Trang (Trường Mầm non Hoa Sen, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) là khi được giao phụ trách lớp mẫu giáo nhỡ, có một bé bị các bạn trong lớp xa lánh, không ai chơi cùng. Em này cũng thường không tham gia các trò chơi với các bạn và đôi khi không nghe lời cô giáo. Cô giáo Thu Trang cho rằng, với trường hợp này cần phải thường xuyên quan tâm, gần gũi, động viên đặc biệt đến bé, để tạo sự tin tưởng từ bé với chính mình.
Sau đó, sẽ khuyến khích các bạn trong lớp gần gũi yêu thương và chia sẻ trong các hoạt động với em này. Trong quá trình tổ chức các hoạt động học và chơi, cô sẽ thường xuyên tổ chức các trò chơi giàu tính tập thể để kéo trẻ vào hoạt động cùng các bạn, phân chia trách nhiệm với tất cả các bạn trong lớp làm sao để bé đó hòa nhập hơn. “Ngoài ra, tôi sẽ trao đổi thường xuyên với phụ huynh về tình trạng của trẻ ở trên lớp để phụ huynh nắm được và có biện pháp phối hợp nhằm có được cách giáo dục trẻ hiệu quả”, cô Thu Trang chia sẻ.
Cô Trương Thị Dung (Trường Mầm non Hoa Hồng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) gặp tình huống trong khi các bé mẫu giáo lớn 5-6 tuổi đều say sưa vẽ, thì có một bé ngồi im không vẽ. Giáo viên đến gần và hỏi sao con không vẽ đi, bé trả lời con không thích vẽ bài này.
Theo cô Dung, ở lứa tuổi mầm non, trẻ rất thích thể hiện cái tôi của mình và dẫn đến việc đôi khi rất bướng bỉnh, khó bảo và hay làm ngược lại ý muốn của người lớn, cô giáo.
“Tôi sẽ đến gần động viên rằng cô biết con vẽ rất đẹp đấy nên con vẽ đi, nếu con thấy khó thì cô sẽ giúp con. Nếu bé vẫn ngồi im không vẽ thì tôi sẽ hỏi con muốn vẽ bài nào nào và đưa mẫu mà bé thấy hứng thú. Khi em ấy vẽ xong thì có thể gợi ý rằng cô thấy con vẽ rất đẹp vậy con có thể vẽ thêm bài giống các bạn được không”, cô Dung đưa cách xử trí.
Cuối giờ, giáo viên sẽ chú ý nhận xét đến bài của bé này và lồng nội dung giáo dục nói với cả lớp rằng cô rất muốn các con ngoan ngoãn, nghe lời cô: “Cô biết các con có rất nhiều bài mà các con muốn vẽ theo ý mình. Nhưng theo cô từ nay khi cô yêu cầu các con vẽ bài gì thì các con hãy vẽ xong bài đó rồi cô sẽ tổ chức cho các con vẽ bài các con thích vào một buổi khác”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Ngân (giáo viên Trường Mầm non Đại Đồng số 1, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) gặp tình huống sư phạm là trong giờ ngủ trưa lớp mẫu giáo bé 3-4 tuổi, một số bé chưa ngủ được, bé thì dứt khoát không ngủ, bé thì cấu véo bạn bên cạnh để bạn khóc ré lên, có bé thì khóc đòi về với mẹ.
Cô Ngân chia sẻ: “Với những bé khó ngủ hay khóc đòi mẹ, tôi sẽ bế vào lòng và thể hiện tình cảm gần gũi như mẹ dỗ con ở nhà và hát những bài hát ru nhẹ nhang hay kể những câu chuyện để trẻ dễ đi vào giấc ngủ.
Những bé không ngủ mà cấu véo bạn thì sẽ được đưa đến nằm cạnh cô để khỏi quấy, như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến các bạn khác trong lớp và bé cũng sẽ chịu ngủ”.
Trước câu hỏi của ban giám khảo rằng nếu như đã áp dụng tất cả các “chiêu” mà trẻ vẫn khóc và không chịu ngủ, cô giáo cho biết sẽ đưa trẻ sang phòng bên cạnh cho trẻ chơi đồ chơi một cách nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng đến các bạn khác. “Tôi sẽ vừa chơi cùng trẻ vừa quản lý phòng ngủ. Nếu lớp có cô giáo phụ thì sẽ để cô phụ quản lý phòng ngủ còn mình sẽ chơi với học trò”.
Những phần vượt thử thách tình huống này cũng nhận được những tràng pháo tay tán dương từ ban giám khảo và khán giả.
Đây là một vài tình huống của các giáo viên trong 49 gương mặt xinh đẹp và tài năng đến từ mọi miền đất nước, với 13 thí sinh thuộc khối mầm non, 17 thí sinh thuộc khối tiểu học, 6 thí sinh thuộc khối THCS và 13 thí sinh thuộc khối THPT.
Đây đều là những giáo viên tiêu biểu, xuất sắc đã vượt qua các vòng thi từ cấp cụm, cấp khu vực đến cấp tỉnh, thành phố, để trở thành đại diện tham gia Hội thi cấp toàn quốc.
Thanh Hùng