Con trai chị tên là Phạm Hoàng Sơn, sinh ngày 13/10/2008. Bé từng bị bỏ quên trên xe bus đưa đón học sinh của trường vào 21/5/2018. Lúc đó Sơn 9 tuổi rưỡi.

Dưới đây là câu chuyện của Hoàng Sơn qua lời kể của mẹ

Tự thoát khỏi xe bus thoát chết

Buổi sáng ngày 21/5, Hoàng Sơn được đưa ra xe bus của nhà trường như thường lệ, chưa kịp ăn sáng. Hôm đó là buổi học gần cuối năm, nhiều học sinh nghỉ, vì vậy, Sơn nằm xuống băng ghế thả mình chìm vào giấc ngủ, mà không biết bác tài xế đã trả các bạn xuống trường và lái xe về phía đường 32 Cầu Diễn.

Cô giáo chủ nhiệm vô tư nghĩ rằng phụ huynh tự ý cho con nghỉ nên không gọi điện thông báo.

Khi con tỉnh dậy thì thấy mình đang ở một nơi xa lạ, xe buýt đã tắt máy, khóa cửa và bác tài đã đi đâu đó. May mắn là cái nắng của mùa hè tháng 5 khiến con đã nhanh chóng tỉnh. Nếu trời đông lạnh giá, ở trong xe ấm áp có khi con ngủ đến chết ngạt trên xe.

Cũng may vì con là người mê xe nên hay để ý và biết về xe, nhờ đó mà biết cách thoát ra bằng cửa buồng lái. Nhờ kỹ năng này nên con may mắn không bị chết ngạt hay hoảng loạn tâm lý khi bị nhốt trong xe.

{keywords}
Bé Hoàng Sơn từng được chứng nhận thành tích leo núi cao 3.500m (Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Ngà)

 

9 giờ tìm đường về

Sau khi thoát ra khỏi xe, con bắt đầu hành trình tự tìm đường về trường. Con kể chỗ bãi gửi xe đó giống như một xóm lều, nhà cửa lụp xụp, giống mê cung, không có bóng người. Con mất thời gian lâu chỉ loanh quanh trong đó, không làm thế nào thoát ra đường lớn để có người qua lại.

Sau một hồi mắc kẹt, may sao con nhìn thấy một xe Audi chạy ngang qua. Con nghĩ chắc chiếc xe sang này sẽ chạy ra đường lớn chứ không rẽ vào xóm nghèo. Vì vậy, con chạy thục mạng đuổi theo xe và đúng thật xe đã dẫn nó ra được đường lớn.

Khi ra được đến đây, con đã có người để hỏi đường về trường nhưng tiếc rằng hỏi ai cũng đều không biết ở đâu.

Con đã rất nhanh trí chuyển hướng hỏi sang đường đến sân vận động Mỹ Đình vì nghĩ địa điểm nổi tiếng đó thì ai cũng sẽ biết, rồi con sẽ tự đi bộ từ đó về trường. Mọi khi mẹ vẫn bắt con và anh tự đi bộ từ sân tập bóng đá gần đó để về trường.

May mắn là con gặp một người đàn ông chở xe máy đưa con ra bến xe buýt rồi bảo con tự bắt xe về sân Mỹ Đình.

Khi tới bến xe bus con đã phải chờ rất lâu mà vẫn chưa bắt được xe nào về sân Mỹ Đình, có nghĩa là bác ấy đã đưa con đến nhầm bến. Thế là con lại mò mẫm đi tìm bến đúng cho tới tận 1h chiều. Lúc đó, con đã thấm mệt, vừa đói vừa khát, nên quyết định chuyển hướng không về trường nữa mà sẽ về thẳng nhà. Và con nhận thấy chỉ có xe về IPH Xuân Thủy là dễ dàng cho con tìm đường về nhà nhất.

Rồi con cũng bắt được xe bus đó và cũng biết trình bày nên đã không mất tiền vé. Xe bus trả tại IPH Xuân Thủy. Con tính đây là điểm dễ tìm đường về nhà nhất vì chỉ cần đi bộ ra ngã tư là tới đầu đường Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên con đường này không hề ngắn, nhà lại ở tận cuối đường. Sơn lúc đó đã thấm mệt, suốt nửa ngày nhịn đói, khát, trời lại nắng nóng.

Cũng may mà có lần mẹ kể con nghe về việc luôn để sẵn kẹo bên mình khi chẳng may bị lạc, bị bỏ đói thì đó là cứu cánh để đỡ bị hạ đường huyết và tiếp thêm được sinh lực cho mình. Và nhờ mấy viên kẹo có sẵn trong cặp mà con đã dùng để chống đói trong suốt mấy tiếng phiêu lưu vừa qua.

Những lúc con gần như kiệt sức vì khát và nóng. Trên đoạn đường đi bộ có những lúc nắng và nóng quá con rất nhanh trí ghé vào nơi nào đó có máy lạnh để xoa dịu cơn nóng.

Lúc về đến khu đô thị có nhà mình, con không thể chịu được nữa, chân tay bủn rủn vì quá đói khát và mệt. Con lân la xin các cô chú bán hàng, và uống một hơi hết chai nước. 

Nhìn tội quá, sau khi biết con bị lạc đường, có cô đã cho con 10 nghìn để con mua bánh mì. Sau khi nhai ngấu nghiến cái bánh mình, con đã đủ sức tiếp tục đi bộ thêm hơn 1km về tận nhà. Toàn thân con đầm đìa mồ hôi và đôi mắt đượm nét lo sợ.

{keywords}
Bé Sơn được mẹ định hướng tham gia nhiều lớp học về kỹ năng sống (Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Ngà).

Những bài học kỹ năng mềm của bà mẹ Hà Nội giúp con vượt qua nguy hiểm

Ngay từ khi các con còn nhỏ, chị Ngà đã rất chú trọng phát triển IQ, EQ và nhiều kỹ năng mềm cho con; đặc biệt là coi trọng rèn luyện thể lực. Các con chị đều mạnh khỏe, không ốm đau, bệnh tật.

Thêm vào đó, một phần may mắn nữa là từ bé, Sơn đã tiếp xúc và yêu thích ô tô. Vì vậy, bé biết những kỹ năng thoát hiểm. Bé rất tự tin khi nói: "Có tận 3 cách để ra cơ mà mẹ. Cửa lái sẽ ra được dễ dàng, cửa trượt thì bấm nút trên buồng lái, còn không thì có búa thoát hiểm".

Chị Ngà cũng tiết lộ, sau khi câu chuyện của chị một lần nữa được quan tâm, nhà trường của Hoàng Sơn có lo lắng sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng, tuy nhiên, chị vẫn quyết tâm chia sẻ. 

"Vì theo tôi, câu chuyện may mắn của con tôi ngày hôm ấy phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng sống, kiến thức, tư duy, bản lĩnh và cả sức khỏe tinh thần, thể chất của con. Đó chính là các yếu tố mà phụ huynh nên chú ý rèn cho con".

{keywords}
Cả gia đình chị Ngọc Ngà đều thường xuyên tập luyện thể thao nên cả nhà khỏe mạnh, ít đau ốm.

Khánh Hòa

Cách "thoát chết" khi bị bỏ quên trên ô tô

Cách "thoát chết" khi bị bỏ quên trên ô tô

- Sau việc một học sinh 6 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên ô tô ở trường quốc tế Gateway, anh Vũ Quang Nam - một phụ huynh đã tự làm clip hướng dẫn con mình cách thoát khỏi xe khi lỡ bị bỏ quên trên ô tô.