- Tại chương trình "Sự kiện và Bình luận" phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam sáng 25/2 với chủ đề "Lương tâm nhà giáo", các khách mời đều cho rằng việc tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đội ngũ giáo viên là câu chuyện mà cả xã hội cần quan tâm, không chỉ riêng ngành giáo dục.
Các khách mời trong chương trình. Ảnh cắt từ clip |
"Đau xót vì năng lượng của thầy và trò chuyển hoá thành bạo lực"
Chương trình nhìn lại những sự kiện giáo dục nổi bật trong tuần như: Thầy và trò đánh nhau ở Hậu Giang, các vụ bạo hành trẻ mầm non ở Hà Nội, Thanh Hoá, TP.HCM và nhất là sự việc tìm ra nguyên nhân thực sự của học sinh bị tai nạn ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội).
Khi được hỏi suy nghĩ về vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Như đồng của Quốc hội không khỏi xót xa và thất vọng:
"Hình ảnh thầy giáo đánh nhau với học trò lại diễn ra ngay trong giờ học; nguyên nhân có thể là do ứng xử của thầy không phù hợp, nhưng dù thế nào thầy cũng là thầy, vị trí và cách ứng xử phải khác".
"Truyền thống giáo dục của Việt Nam từ trước tới nay là phải học lễ nghĩa, đạo đức rồi mới học kiến thức. Phương châm giáo dục hiện nay cũng là giáo dục toàn diện – đức, trí, thể, mỹ. Chúng ta cũng coi trọng giáo dục đạo đức. Điều đó quyết định việc các em học sinh có thể trở thành một người đàng hoàng, tử tế hay không" - ông Phạm Tất Thắng phân tích.
Khi biên tập viên Xuân Dung hỏi "Điều gì xảy ra sau nụ cười của một nữ sinh chứng kiến cảnh thầy giáo và bạn học đánh nhau ngay trong lớp học ở Hậu Giang", nhà báo Lê Hạnh trả lời: "Sau nụ cười là nỗi đau".
Chị lấy làm tiếc bởi lẽ ra năng lượng của người thầy, của học trò lẽ ra phải được dành cho những phút giây sáng tạo, hoặc tái tạo tri thức thì đã chuyển hoá thành bạo lực.
Đổi mới giáo dục không chỉ mình ngành giáo dục tự làm được
Ông Phạm Tất Thắng đồng ý với quan điểm "Chúng ta sẽ khó thành công về trồng người nếu không giải quyết được giáo dục đạo đức" mà biên tập viên Xuân Dung nêu ra.
"Truyền thống giáo dục của Việt Nam từ trước tới nay là phải học lễ nghĩa, đạo đức rồi mới học kiến thức. Phương châm giáo dục hiện nay cũng là giáo dục toàn diện – Đức, Trí, Thể, Mỹ. Chúng ta cũng coi trọng giáo dục đạo đức. Điều đó quyết định việc các em học sinh có thể trở thành một người đàng hoàng, tử tế hay không" - ông Thắng phân tích.
"Tuy nhiên, đạo đức phải từ gia đình, nhà trường, xã hội, trong đó đặc biệt là từ thầy, cô giáo".
Ông Phạm Tất Thắng |
Theo ông Phạm Tất Thắng, những trường hợp vi phạm đạo đức nghề giáo trong thời gian qua chỉ là "làm rầu nồi canh". Câu chuyện về bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có lẽ cần được quan tâm ở nhiều khía cạnh hơn nữa.
Việc tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng giáo viên là câu chuyện mà cả xã hội cần quan tâm, không chỉ riêng ngành giáo dục.
Chẳng hạn, cần có những tiêu chí cụ thể với thí sinh thi vào các trường sư phạm; rồi tiêu chuẩn và quy trình chặt chẽ khi tuyển chọn người thầy. Đặc biệt trong quá trình sử dụng phải thường xuyên giám sát, phát hiện kịp thời những sai phạm để có thể chấn chỉnh.
"Tuy nhiên, cũng phải quan tâm tới điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ đối với các thầy cô giáo", ông Thắng nhấn mạnh.
Nhà báo Lê Hạnh cho rằng, việc báo chí phản ánh những vụ việc có dấu hiệu vi phạm chuẩn mực đạo đức nhà giáo để cho thấy tiếng nói của phụ huynh, của những người không thuộc cấp quản lý như các thầy cô giáo cũng cần phải được tôn trọng. Điều này còn giúp chính các em học sinh có niềm tin rằng những giá trị đạo đức chuẩn mực đang được bảo vệ.
Ông Phạm Tất Thắng nhìn nhận những vụ việc xảy ra dồn dập trong thời gian qua chỉ là "làm rầu nồi canh". Nhà báo Lê Hạnh thì quan sát thấy hầu hết các phản ứng xử lý sự việc đã diễn ra khá nhanh. Riêng sự việc ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên "đóng băng" hơn 2 tháng, cho đến khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo cụ thể thì đã được giải quyết sau 1 tuần.
"Nhưng đó mới chỉ là hành động trong một sự việc cụ thể. Mong rằng các hệ thống chính trị không chỉ nhanh chóng quyết các sự vụ tương tự, mà rất cần thêm những Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chung tay với giáo dục để giải quyết các vấn đề căn cốt và cơ bản hơn. Nhiều thầy cô được trang bị kiến thức, kỹ năng sư phạm tốt; ngành giáo dục có những quy định về điểu kiện đảm bảo chất lượng như số lượng học sinh trong một lớp ở tiểu học không quá 35 em, nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều lớp học 50 - 60 học sinh. Nên có thể hiểu tại sao không tránh khỏi các hiện tượng bạo lực xảy ra trong không gian như thế".
Xem toàn bộ nội dung chương trình TẠI ĐÂY.
- Thanh Hùng