Xuất hiện trên bục dũng khí của chương trình “Thiếu Niên Nói 2021”, Ngô Tường Vy (học sinh lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) đã chia sẻ những vấn đề không chỉ riêng em mà nhiều học sinh lựa chọn học và thi khối C (Văn - Sử - Địa) gặp phải.
Năm nay, Tường Vy cũng như nhiều học trò lớp 12 khác đang phải đứng trước những quyết định quan trọng của cuộc đời. 10X dự định sẽ lựa chọn thi khối C vào Trường ĐH Luật TP.HCM.
Tuy nhiên, điều khiến nữ sinh cảm thấy trăn trở chính là những câu hỏi của mọi người xung quanh: “Tại sao không chọn môn Toán, môn Anh? Tại sao lại chọn thi Văn - Sử - Địa? Có phải do học dốt Toán - Lý - Hóa nên mới chọn thi 3 môn này hay không?”.
“Học khối xã hội ra để làm gì trong thời đại khoa học kỹ thuật này”, “Học Toán – Lý - Hóa mới làm được nhiều điều có ích”.
Điều đó đã khiến Tường Vy trăn trở suốt một khoảng thời gian rất dài. Thậm chí, trước những lời gièm pha, cũng có lúc Vy nghĩ mình nên chuyển khối để tránh “lời ra tiếng vào”.
Ngô Tường Vy (học sinh lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM)
Nhưng may mắn, giữa lúc đang hoang mang trước những lựa chọn, Vy nhận được những lời khuyên đầy chân tình từ cô giáo chủ nhiệm.
“Con đừng nghĩ như vậy. Văn - Sử - Địa hay Toán - Lý - Hóa đều là những môn quan trọng. Chúng ta không thể nào bắt một con cá phải leo cây bởi vì điều đó sẽ khiến cả đời nó không nghĩ rằng mình biết bơi”. Lời khuyên ấy của cô giáo đã khiến Tường Vy “bừng tỉnh” và nữ sinh quyết tâm phải theo đuổi lựa chọn của bản thân.
“Môn Văn cho ta biết rằng trái tim và tâm hồn ta thật đẹp, đồng thời phát triển tư duy ngôn ngữ của chúng ta.
Môn Sử là dòng máu, là những gì đã trải qua trong hơn 4000 năm của dân tộc. Còn môn Địa là cái cây, ngọn cỏ, là quê hương, sông núi. Tại sao chúng ta không học nó? Tại sao chúng ta không tìm hiểu nhiều hơn về tâm hồn mình?”, Tường Vy nói.
10X cũng thẳng thắn nêu lên quan điểm, “dù bạn có học giỏi bất kỳ môn nào đi chăng nữa, thậm chí là môn thể dục, thì đó cũng là tài năng của các bạn. Mình tin rằng, những bạn học giỏi môn này hoàn toàn có thể mang lại những điều tuyệt vời nhất cho đất nước”.
Lắng nghe học trò chia sẻ, cô giáo chủ nhiệm lớp 12 chuyên Văn - Lê Thị Tuyết Anh cho rằng, áp lực của học sinh hiện nay là các em phải học tới 13 môn học.
“Các em luôn tạo ra áp lực cho mình là phải giỏi cả 13 môn để xếp học bạ loại giỏi và được tuyển thẳng vào trường đại học. Vì thế, tôi cảm thấy vui khi hôm nay, học trò của mình đã biết tự xác định mục tiêu, mục đích. Những điều đó, theo tôi là rất đáng quý”.
Nguyễn Lê Thiên Minh (học sinh lớp 11A2, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM)
Trong khi đó, cậu học trò Nguyễn Lê Thiên Minh (học sinh lớp 11A2, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) đã thẳng thắn gửi gắm những suy nghĩ thầm kín bấy lâu tới người mẹ của mình.
Nam sinh cho biết, do tính chất công việc của mẹ nên cả hai mẹ con hiếm có thời gian để ngồi lại nói chuyện, chia sẻ với nhau.
Mẹ của cậu là người nhiều kỳ vọng ở con cái, nhưng điều đó vô tình khiến 10X cảm thấy nặng nề, áp lực.
“Mẹ cho em học song song hai trường là tại ngôi trường phổ thông em đang theo học và một ngôi trường trực tuyến khác. Mẹ kỳ vọng rằng điều đó sẽ giúp em mở mang kiến thức và có thể tiếp thu nhiều hơn nữa những kiến thức xung quanh. Nhưng điều này lại khiến em cảm thấy mệt mỏi”.
Việc học này của Minh bắt đầu từ những năm lớp 10. Thời điểm đó, chương trình học còn khá nhẹ nhàng nên Thiên Minh có thể cân đối được giữa cả hai trường. Tuy nhiên, khi lên lớp 11, lịch học ở cả hai trường đều dày đặc và và khiến Minh cảm thấy “quá tải”. Nam sinh dần không cân bằng được thời gian học và trở nên “xao nhãng” ước mơ trở thành bác sĩ của chính mình.
Xuất hiện ở phía dưới sân khấu, sau khi nghe được những lời chia sẻ của con, mẹ Thiên Minh cho biết, bà vẫn sẽ giữ quan điểm của mình, nhưng không bắt buộc con phải học tập trung vào ngôi trường trực tuyến. Thay vào đó, bà mẹ mong con trai hãy xem ngôi trường thứ hai này giống như một cuốn sách mở để có thể tham khảo và tiếp thu những kiến thức mới vào lúc thích hợp.
“Mẹ vẫn luôn mong con được làm theo những điều bản thân cảm thấy hạnh phúc. Mẹ sẽ là người đi sau và là chỗ dựa vững chắc cho con”, mẹ Thiên Minh nói với con.
Thời Vũ
Nam sinh lớp 12 chấp nhận 'đánh đổi' thanh xuân cho sự nghiệp
Từng chứng kiến những xung đột trong gia đình chỉ vì vấn đề tiền bạc, Anh Tuấn nói không cho phép bản thân hưởng thụ quá sớm vì tuổi trẻ là khoảng thời gian thích hợp nhất để học tập và tích lũy nền tảng vững chắc cho bản thân.