- Tại các trường tiểu học ở Nhật hầu như mỗi học kì đều có từ 1 đến 2 tiết học các bậc phụ huynh được đến trường xem cô – trò cùng học tập như thế nào. Trong lần tham quan giờ học Đạo đức của con, tôi rất háo hức …
Tại Nhật không có sách giáo khoa Đạo đức mà chỉ có sách tham khảo cho môn này và phụ huynh phải mua sách.
Vừa đến cổng trường, tôi đã thấy cô giáo và học sinh cùng nhau dọn dẹp hành lang, phòng học. Việc dọn dẹp cũng chia thành nhóm và học sinh các khối lớp cùng làm với nhau. Sau đó chuông đồng hồ điểm 13h45 và các con cùng bước vào tiết học thứ 5.
Các con tham gia thảo luận nhóm trong giờ học môn Đạo đức tại trường Tiểu học Morinosato (Thành phố Kanazawa – Nhật Bản) |
Chủ đề của tiết học Đạo đức ngày hôm nay là "Cùng tìm hiểu thêm về bạn bè". Lý do để cô chọn chủ đề này vì các con mới vào năm học mới được hai tuần và thông tin biết về nhau còn chưa hết.
Trong lớp con tôi theo học có 31 bạn thì chỉ có 10 bạn là học cùng con hồi lớp 2. Tại trường tiểu học Nhật trung bình 1- 2 năm danh sách lớp lại đổi một lần và các con có cơ hội được biết thêm các bạn mới trong cùng khối.
Diễn biến của tiết học
Đầu tiên, cô cho học sinh chơi trò chơi Quiz để đoán xem người được giới thiệu là ai trong lớp. Tại Nhật thông thường đầu năm các em sẽ tự viết 1 bản giới thiệu về mình với các chủ đề như: sở trường của em, sở thích, món ăn yêu thích....
Và cô giáo chọn ra 3 người để các em đoán
Người đầu tiên với sở thích như đọc sách, thích ăn nấm, chơi trò đuổi bắt …Và cả lớp không ai đoán ra được. Cô giáo phải gợi ý thêm là con gái và nói theo khẩu hình tên của bạn đó thì cả lớp mới đoán ra. Những tiếng xuýt xoa, cười nói rộ lên.
Người thứ hai thích bóng đá, piano, ăn dưa hấu, ăn bánh meron...Các bạn thi nhau giơ tay và chỉ trúng phóc là bạn B (tên con trai tôi)
Người thứ ba thích ăn sushi, yêu trẻ con, thích đọc sách...và các em cũng đoán ra được đấy chính là Cô giáo chủ nhiệm.
Tiếp đến, để giúp học sinh hiểu thêm về nhau hơn - cô giáo chia cả lớp ra thành các nhóm theo chỗ ngồi, mỗi nhóm 4-5 em. Các em sẽ được phát 12 tấm thẻ với các câu hỏi và phỏng vấn theo vòng tròn.
Câu hỏi mà các em dc nhận như sau:
1. Môn thể thao yêu thích nhất là gì?
2. Gần đây có chuyện gì làm bạn buồn?
3. Gần đây có điều gì làm bạn vui ?
4. Lớn lên bạn thích trở thành người như thế nào?
5. Bây giờ bạn có thể vẽ vật gì trông giống thật nhất?
6. Địa điểm yêu thích nhất của bạn là ở đâu?
7. Bây giờ bạn muốn có vật gì nhất?
8. Bản thân bạn cần thay đổi điều gì?
9. Cuốn băng video mà bạn thích nhất?
10. Điều gì làm bạn tự mãn nhất?
11. Gần đây bạn có thể tự làm dc điều gì?
12. Nào trong nhóm cùng vỗ tay hoan hô?
Xoay quanh 12 câu hỏi được đưa ra thì câu trả lời cũng rất thú vị. Ví dụ, trong nhóm của con trai tôi khi gặp câu hỏi: Niềm vui gần đây của bạn là gì? - Có em trả lời “Vui” - vì được bố mẹ thưởng cho 10 yên (tương đương với 2.000 đồng) vì đã giúp bố mẹ việc nhà.
Hoặc gặp câu hỏi "Mai sau lớn lên bạn thích là người như thế nào?" thì có bé tủm tỉm trả lời rất thật: Tớ muốn làm người bình thường!
Kết thúc buổi phỏng vấn theo nhóm tôi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ và ánh mắt sáng bừng của các con khi nghe bạn bè chia sẻ cùng nhau những suy nghĩ, sở thích…
Cuối cùng giờ học gần kết thúc, cô giáo phát cho mỗi em tờ giấy để cùng ghi lại cảm tưởng của mình về giờ học, về bạn bè.
Câu trả lời nhận được đều là rất vui, thú vị.
- Đào Thu Vân (NCS Đại học Kanazawa – Nhật Bản)