Một thanh niên sang Nhật theo diện thực tập nghề đã tố cáo công tuyển dụng rằng anh bị buộc phải dọn dẹp khu vực nhiễm xạ từ thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.
Ảnh minh họa |
Bộ Tư pháp Nhật Bản đang điều tra một vụ việc liên quan đến một thanh niên Việt Nam sang Nhật theo diện chương trình đào tạo nước ngoài của Chính phủ - người đã tố cáo rằng anh bị lừa tham gia vào công việc dọn dẹp ở những khu vực từng bị tàn phá bởi thảm hoạ hạt nhân năm 2011.
Bộ này xác nhận qua điện thoại rằng, các quan chức đang xem xét vụ việc của thanh niên 24 tuổi - người từng làm việc cho một công ty xây dựng có trụ sở ở Iwate.
Hôm 6/3, nhật báo Nikkei cho biết, công ty này đã phủ nhận các cáo buộc vi phạm luật lao động. Công ty khẳng định, thanh niên này đã được giao nhiệm vụ giống như các đồng nghiệp người Nhật Bản và công việc đó không gây ra bất kỳ mối đe doạ nào cho sức khoẻ của người lao động.
Tuy nhiên, Hiệp hội người lao động Zentoitsu có trụ sở ở Tokyo - cơ quan đại diện cho người đàn ông này cho biết, anh ta được thông báo sẽ thực hiện công việc tháo dỡ và các công việc khác trên công trường. Tuy nhiên, thay vào đó, anh lại được giao nhiệm vụ dọn dẹp ở các khu vực nhiễm độc ở tỉnh Fukushima.
Tổng thư ký hiệp hội - ông Shiro Sasaki, người rất thông thạo các vấn đề thực tập sinh và hiểu rõ sự việc này, cho biết người đàn ông 24 tuổi tới Nhật Bản vào tháng 9/2015 sau khi ký hợp đồng với công ty.
Sau đó, anh được chuyển đến Koriyama ở tỉnh Fukushima hơn 10 lần để dọn dẹp các khu vực dân cư của thành phố này từ tháng 10/2015 tới tháng 3/2016.
Sau đó, anh tham gia công việc tháo dỡ các toà nhà ở một khu vực cấm thuộc thị trấn Kawamata, tỉnh Fukushima trước khi chính quyền bãi bỏ các hạn chế đối với khu vực di tản do bức xạ cao.
Người đàn ông này khẳng định, anh không được thông báo về việc sẽ phải dọn dẹp các khu vực ô nhiễm sau thảm hoạ hạt nhân Fukushima.
Anh cũng cho biết, có thể anh đã bị lừa khi trước đó được thông báo rằng công việc là dọn dẹp công trường.
Ông Sasaki cho rằng rất có thể công ty thuê người lao động đã lạm dụng Luật hợp đồng lao động, Luật tiêu chuẩn lao động và Luật sức khoẻ và an toàn công nghiệp.
Hiệp hội này cũng đang hỗ trợ việc tổ chức các cuộc đàm phán giữa thanh niên người Việt này và công ty xây dựng, đồng thời tìm kiếm sự bồi thường thoả đáng nếu anh tiếp tục hoàn thành công việc trong hợp đồng dài 3 năm trước đó.
Theo ông Sasaki, người đàn ông này đang nhận mức lương khoảng 140.000 yên/ tháng, trong khi người lao động Nhật Bản làm cùng công việc nhận được mức lương gần gấp 3 con số này.
Chương trình thực tập công nghệ do Chính phủ hỗ trợ được thiết kế nhằm giúp đỡ người nước ngoài đạt được các kỹ năng công nghệ, nhưng trên thực tế là lợi dụng người lao động để bù đắp cho sự thiếu hụt người lao động không có tay nghề ở Nhật Bản.
Được biết, thanh niên người Việt này đã nghỉ việc vào tháng 11 năm ngoái vì lo ngại cho sức khoẻ của mình.
Ông Shoichi Ibuski, một luật sư về các vấn đề lao động, cho rằng một chương trình dạy nghề cần phải phù hợp với đối tượng của hệ thống đào tạo.
“Thật khó để tưởng tượng rằng một học viên có thể ứng dụng những kinh nghiệm làm việc trong môi trường nhiễm khuẩn khi làm việc ở quê nhà”. Ông nói thêm rằng một chương trình như thế này không nên được cho phép hoạt động bởi Chính phủ.
Nguyễn Thảo