Dịch Covid-19 buộc nhiều trường đại học Mỹ phải đóng cửa. Điều này đã khiến Emma Trần mất cả hai công việc làm thêm trong trường. Thu nhập của cha mẹ cô từ căn hộ cho thuê tại Việt Nam cũng đã bị giảm đi đáng kể.

Để tiết kiệm chi phí, nữ du học sinh người Việt đã tới nơi phát những suất ăn miễn phí trong trường. Tuy nhiên cha mẹ cô khuyên không nên lấy vì có thể còn nhiều người khác cần hơn. Kể từ đó, cô bắt đầu hạn chế ăn thịt và ăn nhiều cơm hơn để tiết kiệm tiền.

“Mẹ tôi nói nếu dịch bệnh không được kiểm soát trong 2-3 tháng tới, tôi sẽ phải về nhà”. Emma Trần là một trong số nhiều du học sinh lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính.

Giống như cô, Elina Mariutsa, một sinh viên người Nga đang theo học ngành Quan hệ quốc tế và Khoa học chính trị tại Đại học Northeastern bày tỏ: “Thế giới của tôi đang vỡ vụn”.

Cha mẹ của Elina Mariutsa đã phải bán một căn nhà và vay mượn thêm tiền từ bạn bè để trả tiền học phí cho cô.

Elina cũng chắc chắn rằng, với sự mất giá nhanh chóng của đồng rúp, gia đình cô sẽ không thể trả được khoản học phí 27.000 USD cho học kỳ cuối, chưa tính đến tiền sinh hoạt phí vào lúc này.

“Tôi không chắc mình có thể tốt nghiệp hay không. Hiện giờ chúng tôi chắc chắn không thể trả học phí kỳ vừa qua. Tôi chỉ còn 4 môn học nữa là có thể tốt nghiệp”.

Các trường đại học cho biết đã giúp đỡ sinh viên quốc tế bằng cách mở một số ít phòng ký túc xá có thể, đưa sinh viên về nước trong một số trường hợp và đang vận động chính phủ liên bang hỗ trợ. Đại học New York, nơi có nhiều sinh viên quốc tế nhất nước Mỹ, cho biết đã cung cấp các khoản hỗ trợ khẩn cấp dành cho sinh viên quốc tế.

{keywords}

Anna Scarlato hiện đang ở nhà bạn trai ở California.

Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng may mắn nhận được sự hỗ trợ này. Anna Scarlato, du học sinh người Ý tại Đại học Chicago nhớ lại cảm giác “không biết đi về đâu” khi nhận được thông báo phải dọn ra khỏi ký túc xá.

Không còn nơi nào để đi, Scarlato quyết định chuyển đến ký túc xá của bạn trai mình ở một ngôi trường khác, nhưng ngày hôm sau, trường này cũng thông báo đóng cửa.

Scarlato dự định sẽ thuê một căn phòng trong một căn hộ ở Chicago, nhưng do nước Ý bị phong tỏa nên cha mẹ cô không thể đến ngân hàng để chuyển tiền cho cô thuê nhà.

Cuối cùng, gia đình bạn trai quyết định mua cho Scarlato một chiếc vé máy bay để về nhà cùng anh ở quận Cam, California.

“Tôi không biết mình sẽ ở đâu trong 2 tuần hoặc 1-2 tháng tới. Tôi cảm thấy như mình đang là một kẻ ăn bám”, cô nói.

Nhiều sinh viên không dám chia sẻ những khó khăn này với gia đình vì biết cha mẹ cũng đang phải vật lộn với các khoản chi phí giữa mùa đại dịch.

Stephany da Silva Triska, một du học sinh tại Đại học bang California cho biết, cha mẹ cô ở Brazil đã phải ngừng ăn ở nhà hàng, cắt giảm các kỳ nghỉ để có tiền cho con trang trải học phí khi đi du học. Đổi lại, Triska đã học tập chăm chỉ để xứng đáng với sự hy sinh của cha mẹ mình.

Cô đã được các giáo sư chọn là sinh viên năm cuối xuất sắc trong chuyên ngành của mình. Tuy nhiên, một vấn đề lớn hơn Triska phải đối mặt là cô đang nợ một phần học phí của học kỳ cuối. Công việc kinh doanh đồ nội thất của mẹ cô bị đình trệ trong mùa Covid-19, Triska đành phải tự xoay sở số tiền còn lại.

“Mỗi lần tôi đăng nhập vào tài khoản sinh viên và thấy khoản nợ học phí, tôi thậm chí còn không biết mình nên nói với ai”, Triksa chia sẻ.

{keywords}

Stephany da Silva Triska, một du học sinh tại Đại học bang California

Trong khi đó, những sinh viên vội mua vé máy bay về nhà lại trong tâm trạng lo lắng khác về thủ tục pháp lý để có thể trở lại Mỹ.

Mercy Idindili, sinh viên năm thứ hai tại Đại học Yale, cho biết cô quyết định trở về Tanzania sau khi nhận được thông báo của nhà trường chỉ đặc cách cho một số ít sinh viên quốc tế muốn ở lại Mỹ.

Tuy nhiên, khi trở về nhà, việc học online của cô rất khó khăn vì nhà thường xuyên mất điện và kết nối Internet không ổn định.

“Tôi đã khóc rất nhiều vì lo lắng và thất vọng về mọi thứ”, Mercy Idindili nói.

Tuần đầu tiên, cô phải thức dậy lúc 3 giờ sáng để tham dự các bài giảng. Tuy nhiên, đường truyền không ổn định buộc các giáo sư phải ghi âm lại bài giảng cho cô.

Visa của Idindili sẽ hết hạn vào tháng 7 này, nhưng lãnh sự quán Mỹ ở đây đang đóng cửa vô thời hạn. Cô lo lắng vì chưa biết mình sẽ quay trở lại Mỹ ra sao.

Mariutsa, sinh viên người Nga tại Đại học Northeastern lại lâm vào khó khăn khác khi tháng trước, cô đã tới thực tập tại Geneva. Một buổi sáng khi thức dây, cô hay tin Mỹ sẽ đóng cửa biên giới vào tối cùng ngày.

Nhà trường đã gửi thư kêu gọi Mariutsa hãy đóng hành lý trở về Mỹ ngay lập tức, trên chuyến bay cuối cùng sẽ cất cánh 4 giờ sau đó.

“Đây có lẽ là ngày căng thẳng nhất trong cuộc đời tôi”, cô nói.

Cuối cùng, Mariutsa quyết định ở lại Thụy Sĩ thay vì New York - nơi sau đó trở thành một điểm nóng Covid-19 ở Mỹ.

Hiện Mariutsa đang sống mà không có bảo hiểm y tế hay thu nhập. Số tiền cô tiết kiệm được từ kỳ thực tập trước đó đã cạn kiệt. Mariutsa dự định sẽ tới ngủ nhờ trong phòng khách ở nhà một người đồng nghiệp trong thời gian tới.

Trường Giang (Theo The New York Times)

Trả 92.000 USD để du học Anh, nữ sinh hụt hẫng vì phải học online ở nhà

Trả 92.000 USD để du học Anh, nữ sinh hụt hẫng vì phải học online ở nhà

Bỏ ra 92.000 USD/năm, cô gái 29 tuổi mong số tiền này sẽ giúp mình tạo ra một con đường mới cho sự nghiệp. Thế nhưng hiện tại, cô cảm thấy hụt hẫng khi phải trở về học online tại quê nhà.