Thu vừa sang Mỹ để chuẩn bị cho hành trình vào tháng 8 tới.
Cô gái lớn lên từ đồng ruộng theo đuổi nghiên cứu về công nghệ sinh học. Ảnh: NVCC |
Lớn lên ở vùng quê Bắc Giang, Thu còn nhớ như in những ngày tháng theo mẹ ra đồng làm việc. Cô luôn thấy thích thú với những cây cối xung quanh, tình yêu thiên nhiên lớn dần lên và đó cũng là cơ duyên đưa Thu đến với ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM
“Từng chứng kiến những vụ mùa mất trắng do dịch bệnh, sâu hại nên mình luôn mong muốn nghiên cứu khám phá được gen mới nào đó, kháng được bệnh, chịu được môi trường khắc nghiệt để cải thiện tăng năng suất. Vì vậy mình lựa chọn hướng nghiên cứu mảng thực vật bằng phương pháp sinh học phân tử trong ngành Công nghệ sinh học”, Thu nói.
Tập trung nghiên cứu tìm hiểu về đa dạng di truyền trên cây trồng và bệnh học phân tử, bốn năm đại học, nữ sinh luôn hăng hái tham gia các dự án nghiên cứu cùng thầy cô.
Với nhận thức làm nghiên cứu mà không gắn liền thực tiễn thì sẽ chỉ là lý thuyết suông nên từ năm 2, Thu xin thực tập tại phòng thí nghiệm nuôi cấy mô thực vật. Dự án đầu tiên của Thu làm về nuôi cấy mô của hoa lan. Sau đó, Thu tìm hiểu thêm về công nghệ chuyển gen, đưa gen kháng bệnh trong vi khuẩn vào mô của cây lan khi làm đề tài tốt nghiệp đại học.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, Thu đi làm tại Viện nghiên cứu của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, tiếp tục học lên thạc sĩ và đạt kết quả xuất sắc. Xác định tìm kiếm học bổng để du học bậc tiến sĩ, Thu sau đó tập trung học tiếng Anh, tích lũy kinh nghiệm và làm hồ sơ.
Mặc dù vậy, Thu vẫn tiếp tục tham gia nghiên cứu về các đề tài giống cây trồng chiếm tỷ trọng lớn như cây điều, cây hoa tại Lâm Đồng để tìm ra hướng khắc phục các loại sâu bệnh gây hại mới xuất hiện những năm gần đây. Bên cạnh đó, tham gia những chuyến giao lưu, trao đổi với đồng nghiệp ở nước ngoài để học hỏi, chia sẻ thêm về hoạt động nghiên cứu.
Thu cho biết “Triển khai các phương án từ lý thuyết sang mô hình thực tế rất cách biệt. Có khi nhiều tháng trời không thực hiện được chiết tách, thất bại tới cả chục lần nên mình phải tiếp tục kiên trì tìm hiểu, biến đổi quy trình sao cho phù hợp. Làm nghiên cứu như đi trả lời từng câu hỏi vậy, gặt hái lớn nhất chính là tìm ra kết quả và phát hiện thêm được điểm mới nào đó”.
Nếu quyết tâm chưa bao giờ là muộn
Thu vừa sang Mỹ để chuẩn bị cho hành trình học tiến sĩ vào tháng 8 tới tại Louisiana State University. Ảnh: NVCC |
Kể từ khi bước vào con đường nghiên cứu, Thu nói rằng mình chưa có nhiều thời gian và khả năng tham gia các đề tài nghiên cứu một cách chuyên sâu tới cùng. Vì thế, Thu luôn mong muốn được khám phá những môi trường mới, tiếp cận máy móc hiện đại để tập trung tìm nghiên cứu dài hơn.
Trong phần bài luận, Thu đã nói về đam mê nghiên cứu của bản thân.
“Mình đề cập tới những trăn trở, mong muốn sau khi thực hiện các dự án tại Việt Nam. Hiện nay môi trường thay đổi rất nhiều, cây trồng cần phải biến đổi thích nghi chống chọi lại các hiện tượng khô hạn, xâm nhập mặn,… thì mới mang lại năng suất tốt. Qua đó mình thể hiện khát khao được tìm hiểu, nghiên cứu thêm về những loại gen mới, có tính trạng kháng lại tác động môi trường”.
Sau khi nhận được thư chấp nhận và lời mời phỏng vấn, Thu đã chuẩn bị rất kỹ để trình bày về những dự án nghiên cứu cá nhân. Theo cô, đây cũng là điểm nhấn quan trọng để tạo ấn tượng tốt và thuyết phục giám khảo. Phải hiểu rõ về những nghiên cứu của mình để kịp thời giải đáp câu hỏi của các giáo sư.
Sau đó, Thu mạnh dạn nói về những điểm mạnh, điểm yếu của mình như mạnh về kỹ thuật nghiên cứu nhưng còn yếu về ứng dụng code vào nghiên cứu vi sinh. Theo Thu, điều này thể hiện cho ban tuyển sinh thấy tinh thần khát khao học hỏi cũng như nỗ lực cố gắng của bản thân nếu được nhận.
Theo đuổi chương trình tiến sĩ là cả một hành trình dài vì vậy khi chọn trường, dự án nghiên cứu, Thu luôn đặt tiêu chí phù hợp nhất với hướng nghiên cứu bản thân là làm về sinh học phân tử. Bên cạnh đó kết hợp phát triển cả phần vi sinh, ứng dụng công nghệ trong phân tích nghiên cứu.
Thu đã gửi hồ sơ tới 8 trường có dự án nghiên cứu và mới chỉ nhận phản hồi từ 4 trường. Cuối cùng, cô gái trẻ quyết định chọn Louisiana State University vì cảm thấy hướng nghiên cứu của giáo sư phù hợp với mong muốn của mình nhất và có thứ hạng đào tạo khá cao.
“Khi bắt đầu điều gì đó mình cũng thấy khó nhưng hãy bắt tay vào làm, gỡ từng nút thắt, bước từng bước thì sẽ làm được thôi. Nếu bạn quyết tâm sẽ làm được thôi, đừng sợ muộn mà bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm tiếp nhận tri thức mới”, Thu nói.
Ngọc Linh
Cô gái 23 tuổi giành 9 học bổng toàn phần tiến sĩ
Tốt nghiệp xuất sắc ngành Sinh học tại Đại học Iowa State (Mỹ) với điểm GPA 3,96/4 trong 3 năm rưỡi - Võ Phạm Thủy Tiên đã giành được 9 học bổng toàn phần tiến sĩ tại Mỹ
9X từng giành học bổng tiến sĩ Mỹ: 'Khi đi làm, học giỏi không mấy quan trọng"
Ngô Di Lân từng là cái tên “đình đám” trong giới du học sinh khi trở thành 1 trong 5 ứng viên xuất sắc nhất được ĐH Brandeis (Mỹ) cấp học bổng tiến sĩ toàn phần ở tuổi 21.