Cao Bảo Anh hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Harvard, từng tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Toronto ở Canada với điểm GPA tuyệt đối 4.0

VietNamNet xin giới thiệu bài viết của anh về phương pháp học tập – làm thế nào để đạt được điểm số tuyệt đối, hay cao nhất có thể.

{keywords}

Mỗi người đều có những tố chất rất riêng, không ai thực sự giống nhau. Do đó, không có một công thức chung cho tất cả mọi người. Nhưng chúng ta có thể học hỏi, thử ứng dụng, và giữ lại những gì hợp với mình.

1. Xác định được những gì là có thể

Sau khi tốt nghiệp, mình gặp một số câu hỏi trên diễn đàn dạng như: "Ở trường đại học Toronto, có được điểm A+ không nhỉ?". Trong quá trình học, mình chưa đặt ra câu hỏi này, bởi mình đương nhiên xem nó là có thể, thậm chí đặt đó là mục tiêu tối thiểu phải đạt được.

Hành vi và nhận thức có liên quan đến nhau. Nhận thức phải xác định là có thể thì hành vi mới được tạo ra để đáp ứng.

2. Lập mục tiêu rõ ràng

Mục tiêu phải rõ ràng, lượng hóa được thì càng tốt, tránh kiểu như: "năm nay phải học sinh giỏi" hay "tốt nghiệp thủ khoa". Trong các môn học mình đều đặt ra mục tiêu cụ thể "tối thiểu 95%" để hướng đến việc tốt nghiệp thủ khoa. Thậm chí, mỗi ngày, trong cuốn nhật ký hồi ấy đều viết đi viết lại mục tiêu này.

Dĩ nhiên mục tiêu phải phù hợp với khả năng của bản thân ở điều kiện hiện tại (có thể đặt mục tiêu để nâng cao dần khả năng của mình).

3. Vị trí ngồi trong lớp

Cái này nghe rất buồn cười. Nhưng ngồi ở đâu quyết định một phần lớn thái độ học tập của mỗi người. Bạn cũng có thể nghĩ ngược lại - thái độ học tập thế nào thì chọn chỗ ngồi tương ứng.

Vị trí ngồi ưa thích của mình là hai hàng đầu trong giảng đường. Dĩ nhiên vị trí ngồi này rất áp lực, nhưng có một số điểm lợi. Thứ nhất là tập trung ngồi học, không làm chuyện riêng. Hai là có thể quan sát ngôn ngữ cơ thể của thầy cô. Nhiều khi mình nói đùa, nghe thầy thở cũng có thể biết phần nào quan trọng và sẽ xuất hiện trong bài kiểm tra.

Mình biết không chỉ mình có sự lựa chọn này. Bạn á khoa, ngồi sau lưng mình. Và sau này mình đi trợ giảng, mình nhận mặt được các học sinh có kết quả tốt, bởi thường nhóm này ngồi ở hàng đầu. Do đó, tác dụng thứ ba của vị trí ngồi này đó là gây ấn tượng với thầy cô (còn tốt hay xấu là chuyện khác nữa).

4. Hiểu rõ bản chất môn học

Mỗi môn học có một đặc tính riêng. Toán không thể chỉ học thuộc công thức. Sinh học không thể chỉ suy luận. Hiểu rõ bản chất của môn học sẽ giúp chúng ta xây dựng được phương thức học phù hợp.

5. Hiểu rõ cách học của bản thân

Mỗi người do hoàn cảnh lớn lên khác nhau nên có những thế mạnh khác nhau. Người học bằng thị giác, có người lại học bằng âm thanh, hay thậm chí là vận động (học mà khoa chân múa tay một chút thì hiệu quả hơn). Mỗi thế mạnh cần một phương pháp tương ứng. Mình là dạng âm thanh và vận động.

6. Tương tác với thầy cô

Muốn là chủ được tri thức, thì tri thức đó phải SỐNG trong mình. Như học ngoại ngữ vậy, để giỏi phải thực hành. Một trong những bước rất quan trọng là tương tác với thầy cô (nếu thầy cô tạo điều kiện).

Quá trình nói chính là quá trình sắp xếp suy nghĩ và vận dụng ngay tại lớp học. Ngoài ra, còn có thể gặp thầy cô sau buổi học, ở các giờ trao đổi với sinh viên. Đừng ngại!

7. Tìm một ai đó để dạy

Khi bạn nhận thức như là một học sinh, bạn hành xử đúng là học sinh. Và bạn sẽ luôn dưới mức của bài kiểm tra được đặt ra cho bạn. Ngược lại, nếu bạn đổi điểm nhìn, nhìn từ điểm nhìn của thầy cô, cách học của bạn sẽ rất khác. Nếu thay đổi điểm nhìn như thế, khi đang học, bạn cũng có thể tạo ra các câu hỏi và sẽ bất ngờ về độ trùng hợp khi đi thi.

Do cách học của mình là âm thanh và hành động, nên mình học bài sẽ đọc một lượt, rồi giảng lại như là dạy một lớp học. Phần nào nói không trôi, ghi chú lại để đọc lại sau này. Mình cũng đi tìm các bạn trong lớp để dạy lại nếu họ gặp khó khăn. Đối diện với các câu hỏi những những người "học trò" này, bạn sẽ nắm kiến thức sâu và vững hơn.

Dĩ nhiên phải khéo léo. Vào lớp học đừng tỏ ra mình là thầy cô, không thì dễ gây họa.

8. Nỗ lực nhưng đừng dằn vặt

Dù bạn đặt mục tiêu thế nào, năng lực ra sao…, vẫn sẽ có những trắc trở, những lúc không như ý. Điểm giữa kỳ thấp hơn so với kỳ vọng chẳng hạn. Đừng dày vò bản thân bằng những lỗi sai của quá khứ. Luôn có cách để khắc phục

Cầu toàn không sai. Đặt trong trạng thái đúng đó là hướng đến kết quả TOÀN VẸN cuối cùng chứ không phải là hướng đến việc không có sai sót. Chúng ta có thể học rất nhiều từ những lỗi sai của mình.

Cao Bảo Anh

Nghiên cứu sinh Việt ở Harvard và những 'đáng lẽ' của tuổi trẻ

Nghiên cứu sinh Việt ở Harvard và những 'đáng lẽ' của tuổi trẻ

Theo Cao Bảo Anh, nghiên cứu sinh tại ĐH Harvard, để chinh phục học bổng, cần vượt qua những cái “đáng lẽ” của tuổi trẻ và kể lại câu chuyện của mình một cách mạnh mẽ và thuyết phục...