Natalia Kireeva – một bà mẹ hiện đang sinh sống ở thủ đô Helsinki của Phần Lan – đã có một số chia sẻ thú vị về hệ thống giáo dục phổ thông nước này với tờ Bright Side.

{keywords}
Phần Lan là một trong số những quốc gia có học sinh thể hiện tốt nhất trong các bài thi đánh giá năng lực

Theo nghiên cứu kéo dài trong 3 năm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học sinh Phần Lan thể hiện những tiêu chuẩn kiến thức cao nhất trên thế giới. Các em đọc nhiều hơn học sinh ở các quốc gia khác và xếp hạng đầu tiên ở môn Khoa học và xếp thứ 5 ở môn Toán.

Giáo dục trung học Phần Lan được chia thành 2 giai đoạn:

- Hệ thấp (alakoulu): từ lớp 1 đến lớp 6

- Hệ cao (ylakoulu): từ lớp 7 đến lớp 9

Lớp 10 được thiết kế dành cho những học sinh muốn cải thiện điểm số.

Dưới đây là 7 nguyên tắc của giáo dục phổ thông ở Phần Lan:

1. Sự bình đẳng

- Ở trường học: Tất cả các trường học đều được cấp ngân sách và được trang bị như nhau. Hầu hết đều là trường công lập (chỉ có một số là bán công lập). Những trường bán công lập này thường sử dụng một phương pháp giáo dục thay thế như Montessori hay Waldorf, hoặc dạy bằng một thứ ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Đức hoặc Pháp.

- Ở các môn học: Việc học lệch không được khuyến khích

- Ở phụ huynh: Giáo viên không được phép hỏi về nơi làm việc của phụ huynh

- Ở học sinh: Học sinh không được chia lớp dựa trên thành tích học tập hay sở thích nghề nghiệp trong tương lai. Không có học sinh “giỏi” hay “kém”: tất cả đều có năng lực, đều được đưa ra những thách thức như nhau về mặt thể chất và tinh thần. Người Phần Lan làm việc chăm chỉ dựa trên sự hòa hợp của những học sinh đặc biệt.

Giáo viên không áp đặt quan điểm cá nhân lên học sinh. Tất cả mối quan hệ đều thoải mái, và nếu họ không làm được điều này, giáo viên sẽ bị kết thúc hợp đồng.

2. Không chỉ miễn học phí, mà học sinh còn không phải trả:

- bữa trưa

- các chuyến du lịch, thăm bảo tàng và tất cả các hoạt động ngoại khóa

- xe buýt tới trường nếu nhà cách trường hơn 2km

- sách giáo khoa, vở viết, máy tính, máy tính bảng

- cấm thu tiền của phụ huynh dưới bất cứ hình thức nào

{keywords}
Học sinh được hưởng một nền giáo dục miễn phí rất nhiều thứ

3. Phương pháp tiếp cận cá nhân

Có những kế hoạch giáo dục cá nhân được thiết kế cho mỗi đứa trẻ. Sách vở, bài tập, các hoạt động trên lớp – mọi thứ được chọn riêng cho từng học sinh và được chấm điểm một cách phù hợp. Giáo viên sẵn sàng dạy thêm và phụ đạo cho những học sinh có nhu cầu.

4. Phương pháp thực hành

Người Phần Lan thường nói: “Hoặc là chúng ta chuẩn bị để chúng bước vào cuộc sống, hoặc là để bước vào các kỳ thi. Chúng tôi chọn cái đầu tiên”. Đó là lý do tại sao không có kỳ thi nào ở các trường học Phần Lan. Giáo viên là người quyết định có tổ chức các bài thi và kiểm tra giữa kỳ hay không. Chỉ có một bài thi chuẩn hóa bắt buộc duy nhất là bài thi viết cuối cùng trước khi tốt nghiệp phổ thông. Tuy nhiên, các giáo viên không tiến hành ôn luyện gì đặc biệt cho bài thi này.

Trường học là nơi để học những kỹ năng hữu ích cho cuộc sống thực. Trẻ Phần Lan biết cách tính toán các loại thuế, tạo các trang web quảng cáo, tính toán phần trăm chiết khấu hay vẽ biểu đồ hoa gió để tìm hướng.

5. Sự tin tưởng

Tất cả các mối quan hệ trong trường học Phần Lan đều dựa trên sự tin tưởng. Ví dụ, không có những buổi kiểm tra đột xuất giáo viên, cũng không có ai áp đặt bất cứ điều gì lên giáo viên. Hệ thống giáo dục này chỉ đưa ra những đề xuất chung, cho phép giáo viên tự do chọn một phương pháp thích hợp. Học sinh được phép được ngồi yên tĩnh nếu họ không bắt kịp những gì đang diễn ra trên lớp hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quan điểm của giáo dục Phần Lan cho rằng học sinh là người được chọn thứ gì tốt nhất cho mình.

6. Sự tự nguyện

Kiến thức không bao giờ bị ép buộc ở trường học Phần Lan. Giáo viên làm hết sức mình để thu hút học sinh vào các hoạt động học tập, nhưng nếu học sinh không hứng thú hoặc không đủ khả năng theo học, giáo viên sẽ hướng học sinh tới một nghề nghiệp thực tế hơn. Không ai chấm điểm F cho những học sinh này. Trang bị tốt cho cuộc sống thực mới là điều quan trọng, và đó là lý do tại sao việc học lại một năm không được xem là đáng xấu hổ.

7. Sự độc lập

Giáo viên Phần Lan giúp học sinh học cách suy nghĩ, phân tích và tiếp thu kiến thức một cách độc lập. Tìm kiếm được những thông tin cần thiết từ các nguồn mở mới là điều quan trọng, còn ghi nhớ một đống công thức, đặc biệt là những thứ đã có sẵn trên Internet được cho là lãng phí thời gian và năng lượng.

Thế còn điểm số?

Điểm số được chấm theo thang điểm 10, nhưng từ lớp 1 tới lớp 3 sẽ không chấm điểm. Tất cả các trường đều có một hệ thống bảng điện tử gọi là “Wilma”. Nó cho phép các giáo viên, nhân viên xã hội, bác sĩ và các chuyên gia tâm lý đưa ra phản hồi cho học sinh và giữ liên lạc với cha mẹ. Không có học sinh nào sợ nhận được điểm kém ở Phần Lan: điểm số được sử dụng để động viên học sinh, chứ không phải để đe dọa chúng. Danh tiếng hay tiền lương của giáo viên cũng không phụ thuộc vào điểm số của học sinh.

{keywords}
Giáo viên và học sinh Phần Lan được tạo điều kiện để giảng dạy và học tập trong một môi trường hết sức thoải mái

Một số thông tin thú vị khác:

- Khuôn viên trường không có rào chắn hay bảo vệ

- Trong lớp học, trẻ được phép ngồi trên sàn nhà hoặc thảm

- Không có đồng phục trường và bất cứ khuyến nghị nào về cách ăn mặc. Nhưng học sinh phải mang theo 2 đôi giày, đặc biệt là vào mùa đông.

- Khi trời ấm áp, các lớp học thường được dạy ở ngoài trời. Học sinh nhỏ hơn được cho ra ngoài vào giờ nghỉ giải lao.

- Hầu như không có bài tập về nhà. Trẻ được tận hưởng thời gian rảnh rỗi.

- Không khuyến khích cha mẹ giúp trẻ làm bài tập về nhà: giáo viên cho rằng gia đình nên tổ chức đi thăm bảo tàng, đi bộ hoặc đi bơi cùng nhau.

- Người Phần Lan không khẳng định rằng hệ thống giáo dục của mình là hoàn hảo. Nhưng họ không bao giờ ngừng điều chỉnh và cải thiện hệ thống này, không ngừng nghiên cứu để nó có thể tương thích được với những thay đổi mới nhất của xã hội và sự phát triển của khoa học.

  • Nguyễn Thảo (Theo Bright Side)