Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng phát biểu khi đến thăm một trường sư phạm: “Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong những nghề cao quý, là nghề sáng tạo vào bậc nhất trong những nghề sáng tạo…Vì nó sáng tạo ra những người sáng tạo”.
Nhưng người thầy có thể làm tốt sứ mệnh đó không nếu trên vai họ ngoài gánh nặng về cơm áo gạo tiền còn muôn vàn áp lực từ đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa, đổi mới thi cử, áp lực thành tích, chứng chỉ, sổ sách…?
Vị thế của người thầy không chỉ đến từ chính nỗ lực của họ, từ yêu cầu của xã hội, mà còn thể hiện ở sự đãi ngộ cả về tiền lương và chính sách, điều kiện làm việc.
Tìm lời giải cho bài toán tiền lương
Cuối tháng 2/2021, giáo viên cả nước khấp khởi với thông tin được nâng lương từ ngày 20/3. Dù vậy, nhiều người hụt hẫng khi mức lương tăng không đáng kể, nhưng lại có hàng loạt thay đổi trong việc xếp hạng, bổ nhiệm giáo viên. Nhiều tỷ đồng từ thu nhập còm cõi của nhà giáo đã được đổ vào các lớp chứng chỉ… mà dư âm của nó vẫn còn cho đến nay.
Có lẽ căn nguyên chính của cơn sốt này xuất phát từ nỗi lo bị tụt hạng, giảm lương.
Các cô giáo mầm non có lẽ chịu nhiều áp lực nhất khi phải tiếp tục đi học để nâng chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, công việc vô cùng nặng nhọc nhưng thu nhập thấp (Ảnh có tính minh họa). |
Một câu chuyện khác cũng từng khiến giáo viên xáo động là việc nhiều nơi tạm ngừng phụ cấp thâm niên từ tháng 7/2020 sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực. Dù sau đó, mọi việc đều được giải quyết ổn thỏa, nhưng nhiều giáo viên vẫn thấp thỏm vì thông tin khoản phụ cấp này có thể sẽ bị xóa bỏ trong thời gian tới.
Cảm xúc này rất dễ hiểu, bởi trong hơn 1,4 triệu giáo viên của cả nước, phần lớn đang chỉ trông chờ vào đồng lương.
Thế nên, một trong những mong ước ngày 20/11 của thầy giáo Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) là đời sống giáo viên được tốt hơn.
“Không còn phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền” để thầy cô yên tâm dành thời gian, tâm trí vào việc giảng dạy mà không phải bán hàng online, chạy xe ôm, lẫn việc dạy thêm còn nhiều bàn tán xôn xao” – thầy Lực nói.
Mong mỏi này đã nhiều lần được đưa lên diễn đàn quốc hội, được nhiều đời Bộ trưởng nhắc đến với trăn trở.
Đây là bài toán khó, khi ngân sách Nhà nước dù đã dành nhiều ưu tiên cho giáo dục vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu.
Để đồng lương của nhà giáo đúng với vị thế của lĩnh vực ‘quốc sách hàng đầu’ chắc chắn sẽ cần quyết tâm của nhiều cơ quan để đưa ra một chính sách thực sự đột phá.
Ngoài ra, theo TS Trương Đình Thăng, Hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, đối với thực tiễn nước ta hiện nay, tự chủ đối với các trường phổ thông nên là hướng nghiên cứu để có thể áp dụng ở những địa bàn kinh tế phát triển.
Thực hiện tự chủ (tài chính) là cách Nhà nước huy động được nguồn lực của xã hội khi ngân sách địa phương đang còn eo hẹp. Bên cạnh đó, tiết kiệm được ngân sách của nhà nước về chi thường xuyên, về đầu tư cơ sở vật chất và chi trả lương cho đội ngũ, và để dành nguồn lực để ưu tiên đầu tư giáo dục cho những vùng khó khăn hơn.
Đây cũng là cách có thể góp phần tạo được môi trường giáo dục năng động để các trường ở vùng/khu vực có điều kiện phát triển mà không quá phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.
Đột phá chuyển đổi số
Một trong những gánh nặng hiện nay theo nhiều giáo viên là những "núi" hồ sơ, sổ sách, giáo án.
Để góp phần giải quyết ‘gánh nặng’ này, theo TS Lê Trường Tùng (ĐH FPT), cứ “đơn giản” bằng chuyển đổi số.
“Với việc chuyển đổi số trong giáo dục, Bộ đã có chiến lược, có các văn bản chỉ đạo, nhưng chưa được cụ thể, nhiều khi mới chỉ là hô khẩu hiệu.
Chuyển đổi số có vai trò hết sức quan trọng, nhưng nói chuyển đổi số chẳng ai hiểu là gì. Vậy nên, cứ đặt mục tiêu hạn chế dùng giấy, từ sổ sách tới thi cử, SGK… thì sẽ phải số hóa, là dữ liệu, quản lý và sử dụng.
Giáo án số hóa hết đi có vấn đề gì không? các loại sổ số hóa hết đi có vấn đề gì không?... Lãnh đạo các trường hãy tự đặt câu hỏi này sẽ có cách giải quyết. Nếu sợ giáo viên copy thì dùng công cụ kiểm tra. Thực tế, kiểm tra trên máy tính còn dễ hơn kiểm tra hai bản chép tay” – TS Tùng nói.
Song chuyển đổi số giáo dục không chỉ là câu chuyện số hóa dữ liệu mà quan trọng là tạo ra đột phá thay đổi tư duy, thay đổi cách dạy và cách học của giáo viên, học sinh.
Có thể thấy, học sinh ngày nay có nhiều kênh để học. Do đó, thay vì lo ‘cháy giáo án’, lo nhồi nhét kiến thức cho học trò… thì với nền tảng và kho dữ liệu bài giảng số hóa đồng bộ, giáo viên hoàn toàn có thể quản lý và hướng dẫn kĩ năng tự học cho học sinh.
Việc ‘dạy chữ’ đơn giản hơn, người thầy lúc này đóng vai trò định hướng học trò tìm tòi, khám phá và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Họ có thêm thời gian để ‘dạy người’, để đồng hành, sẻ chia, thông cảm, khích lệ cho học trò phát triển…
Theo ông Tùng, chuyển đổi số giúp giải phóng giáo viên khỏi những công việc bên lề để họ tập trung vào mục đích chính của giáo dục là dạy người biết suy nghĩ và từ đó là những con người sáng tạo.
Để thầy cô ‘sáng tạo ra những người sáng tạo’
Giáo viên ở nhiều khối lớp đang tiếp tục bận rộn với việc đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa (Ảnh có tính minh họa) |
Giảm áp lực cho giáo viên là từ khóa được ngành giáo dục nhắc đến nhiều trong vài năm qua. Nhưng không rõ có bao nhiêu giáo viên đồng tình với điều này?
Nếu tăng lương cho giáo viên lên gấp đôi hiện nay thì có thay đổi được những bất cập hiện tại không? Câu trả lời là không.
Chuyện cơm áo gạo tiền hay nhiều ứng xử chưa phù hợp của phụ huynh và xã hội… có lẽ chỉ là một phần trong rất nhiều áp lực với giáo viên hiện nay.
Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cho rằng, đâu đó vẫn nghe thấy thông tin giáo viên phải mất tiền để “chạy” biên chế. "Khi họ phải “chạy” biên chế, vị thế của họ đã tụt đi rất nhiều”.
Ngoài ra, theo thầy Tùng: “Áp lực thành tích trong giáo dục khiến một số nhà giáo mất đi sự chính trực, đẩy áp lực thành tích lên đôi vai nhỏ bé của học trò, khiến trái tim chúng dần mất đi cảm giác hạnh phúc khi được học”.
NGND Phạm Ngọc Quang, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lam Sơn cũng đồng tình với ý kiến này.
“Ví dụ chuyện thi đua trong giáo dục, thao giảng chọn giáo viên giỏi cấp trường, huyện tỉnh quốc gia là cần thiết, sáng kiến kinh nghiệm hàng năm là cần thiết. Nhưng do mình quản lý, triển khai không tốt nên biến tướng đi. Dẫn đến chuyện chạy chọt để được thao giảng để trở thành giáo viên giỏi cấp huyện tỉnh, sáng kiến kinh nghiệm copy để thành của mình để có bề dày thành tích từ đó mà phấn đấu những danh hiệu khác…
Những việc đó ảnh hưởng đến tâm trạng làm nghề của giáo viên”.
Bên cạnh đó, không chỉ mùa hè, mà ngay trong năm học, giáo viên bị cuốn vào các cuộc tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên như: tập huấn sách mới, bồi dưỡng dạy môn tích hợp, phương pháp giảng dạy, tập huấn giảng dạy trực tuyến, tập huấn thiết kế giáo án điện tử…, rồi chuẩn bị giáo án, bài giảng, tham gia hội giảng, phong trào thi đua, các cuộc thi,…
Rồi chứng chỉ, rồi xếp hạng, nâng chuẩn, phụ cấp thâm niên lúc cấp lúc dừng, rồi đủ thứ minh chứng…
Ở nhiều trường học, giáo viên được giao khoán vận động phụ huynh đăng kí mua SGK, đóng góp ‘tự nguyện’, tham gia hàng chục cuộc thi đóng phí,…
Nhiều giáo viên nói họ cảm thấy ‘kiệt sức’, không phải họ không đủ năng lực, kĩ năng mà họ không còn tâm trí nào mà hào hứng với đổi mới, cũng chả còn đầu óc nào mà đau đáu với mỗi học trò…
Mục tiêu của đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Thực ra, về lý thuyết, vai trò của người thầy chưa bao giờ thay đổi. Mục đích của giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức mà là tạo ra những con người biết suy nghĩ. Có điều, những năm qua, chúng ta đã quá đề cao dạy kiến thức và vai trò của người thầy trong truyền thụ kiến thức hơn là trau dồi kỹ năng tự học, tự sáng tạo của học trò, lơ là việc 'dạy người'.
Vì thế, để người thầy thực hiện tốt sứ mệnh của mình, ngoài sự tâm huyết, nỗ lực của chính các thầy cô thì những áp lực không cần thiết cần được gỡ bỏ.
Ngoài các chính sách đồng bộ trong tuyển sinh, tuyển dụng và đào tạo, giáo viên phải có nhiều thời gian hơn cho chuyên môn, có thu nhập khiến họ yên tâm công tác và được nhà quản lý hỗ trợ, thấu hiểu; được phụ huynh tin tưởng… thì mới có niềm vui và động lực để ‘sáng tạo ra những người sáng tạo’.
Và như thế, vị thế và sự tôn kính với nghề giáo mới càng được củng cố.
Nhóm PV
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đại dịch và những điều thầy cô cần nói với học trò
Trong thư gửi giáo viên, cán bộ quản lý và những người làm việc trong ngành giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh những công việc của nhà giáo trong một năm học đặc biệt vì dịch Covid-19.
'Người Việt còn trân trọng tri thức, vị thế người thầy vẫn được đề cao'
Tôi lại tự nhận rằng nghề của mình là nghề may mắn, khi đối tượng của mình là học sinh – những con người trẻ trung, năng động và đầy sức sống.
Thầy cô còn phải bươn chải kiếm sống, sự tôn kính rất xa vời?
“Lương thấp” dường như là nhìn nhận điển hình về nghề giáo hiện nay. Tuy nhiên, thấp đến mức độ nào thì chưa nhiều người thấy rõ.
Lấy lại sự tôn kính cho nghề giáo
Số ít thầy cô làm sai, nhưng do ấm ức làm giọt nước tràn ly, sự việc bị đẩy đi xa, càng bùng nổ trên mạng xã hội, có lúc tưởng như quật nhào biểu tượng cao quý của người thầy.