Trước khi bắt đầu với những “giấc mơ lớn”, Tạ Sơn Tùng nói mình vốn chỉ là một chàng sinh viên “thuần chất Bách khoa” và “chỉ biết học”. Đỗ đại học với số điểm 29,5, Tùng trở thành một trong những lứa sinh viên đầu tiên theo đuổi chương trình Kỹ sư Công nghệ thông tin chất lượng cao Việt Nhật do Chính phủ Nhật tài trợ.
Thời phổ thông luôn là người đứng đầu khối, đến khi vào Bách khoa, cậu sinh viên sinh năm 1988 “sốc” vì có quá nhiều người xuất sắc hơn mình.
“Các bạn trong khoa hầu hết đều là học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tôi đã phải nỗ lực rất nhiều với niềm tin, chỉ cần chăm chỉ là có thể trở thành người giỏi nhất”.
Để đạt được mục tiêu này, Tùng lao vào vừa học tiếng Nhật, vừa học về chuyên môn. Trong suốt 2 năm liền, cậu chỉ ngủ 6 tiếng từ 8h tối đến 2h đêm, sau đó lại dậy học cho đến 5h30 sáng. Lo lắng cho đứa con trai suốt ngày chỉ biết học, bố mẹ thường phải động viên: “Thi thoảng ra ngoài chơi đi con”.
Sự nỗ lực ấy cũng đã đem lại kết quả khi Tùng trở thành một trong số 20 sinh viên xuất sắc nhất của khoa nhận được tấm vé đi du học tại ngôi trường danh tiếng Nhật Bản là Đại học Ritsumeikan. Dẫu vậy, anh cũng phải thừa nhận, dù bản thân đã cố gắng rất nhiều trong suốt 2 năm, nhưng vẫn không thể vượt qua được những người bạn học – sau này cũng là cộng sự của anh khi bắt đầu khởi nghiệp.
Với một cậu sinh viên chưa từng đặt chân ra nước ngoài, khi tới Nhật, Tùng cảm thấy “choáng ngợp” trước cuộc sống rất nhộn nhịp và hiện đại nơi đây.
“Năm thứ 4, tôi có cơ hội tham gia vào một buổi hội thảo học tập được tổ chức tại Anh. Đây cũng là mơ ước của tôi từ rất lâu rồi. Nhưng cuối cùng, tôi không thể tham dự chỉ vì không kịp xin visa. Trong khi đó, các bạn cùng lớp với tôi không cần visa cũng có thể đến Anh” - Tùng nhớ lại.
Đó cũng là lúc anh bắt đầu nhen nhóm khát vọng phải làm một điều gì đó lớn hơn. “Ngay thời điểm ấy, trong tôi bùng lên khát vọng là phải góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam sao cho con cháu mình không cần visa cũng có thể xuất ngoại. Tôi muốn góp phần xây dựng một đất nước được thế giới tôn kính và thừa nhận giống như Nhật Bản”.
Tận dụng mọi thời gian trong suốt 2 năm ở Nhật, Tùng ăn ngủ ngay tại phòng nghiên cứu, tới mức gần như “độc chiếm” giáo sư. Nhờ quãng thời gian này, anh đã rèn được cho mình tư duy độc lập, khả năng giải quyết vấn đề và cách nhìn các khía cạnh của vấn đề một cách tổng quan hơn.
Năm 2011, trở về Việt Nam sau 2 năm học tập tại Nhật Bản, anh Tạ Sơn Tùng quyết định “đầu quân” cho FPT Software. Trong vòng 10 tháng, anh đã trải qua hầu hết các vị trí trong quy trình phát triển phần mềm, từ kiểm thử, lập trình, thiết kế đến quản lý dự án.
“Đây quả thực là môi trường rất tốt để chúng tôi học tập và phát triển. Tuy nhiên, trong quãng thời gian đó, tôi cũng nhận thấy một số vấn đề mà nội tại FPT rất khó có thể thay đổi ngay tức thời. Tôi nghĩ mình có thể làm tốt hơn thế”.
Nghĩ là làm, anh Tùng quyết định rời bỏ công việc đang ổn định để “xây dựng một công ty tốt hơn nữa”.
Cùng 4 người bạn của mình đều là những cựu sinh viên Bách khoa và từng cùng nhau đi du học Nhật Bản, anh Tùng sáng lập Rikkeisoft.
Những năm đầu thành lập, Rikkeisoft tập trung chính vào thị trường Nhật Bản. Anh Tùng và các thành viên sáng lập tin rằng, với nền tảng quan trọng nhất là sự hiểu biết về văn hóa và ngôn ngữ, họ sẽ có lợi thế khi tiếp cận khách hàng.
Mặt khác, ở thời điểm ấy, nước Nhật đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Do đó, thị trường gia công phần mềm ở Nhật Bản sẽ là một mảnh đất rất “màu mỡ”.
Tuy nhiên, để bám trụ ở Nhật cũng hết sức gian nan bởi thị trường tại đây không dễ dàng tiếp cận, nhất là với những công ty còn non trẻ. Toàn bộ nhân sự của công ty khi ấy đã phải làm việc không ngơi nghỉ, tận dụng mọi mạng lưới quen biết trước đây ở Nhật để tìm dự án.
Dù khó khăn song cũng là may mắn, giai đoạn ấy, điện thoại chạy trên nền Android vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ, kể cả với các doanh nghiệp phần mềm lâu đời.
Bốn tháng sau khi thành lập, họ bắt đầu có những hợp đồng đầu tiên. Từ đó, những kỹ sư công nghệ thông tin trẻ của Việt Nam bắt đầu để lại được nhiều “điểm nhấn”, khiến các doanh nghiệp của Nhật “để mắt”. Họ cũng đã đánh dấu được trí tuệ của mình ở nơi đất nước “mặt trời mọc” với doanh thu lên đến hàng chục triệu USD mỗi năm.
Anh Tùng và cộng sự bắt đầu có những khách hàng lớn, không chỉ trong thị trường Nhật Bản mà còn dần bén rễ sang thị trường Mỹ - nơi được xem là thủ phủ của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn nhất toàn cầu.
Từ một công ty chỉ với 5 nhân sự chủ chốt, đến thời điểm hiện tại, sau gần 10 năm, công ty có những bước tiến thần tốc với khoảng hơn 1.300 nhân sự với 3 chi nhánh ở Nhật, 3 chi nhánh tại Việt Nam. Anh Tùng kỳ vọng sẽ có 1.000 nhân viên làm việc tại Nhật Bản vào năm 2025, hướng tới tổng số nhân sự công ty lên 1 vạn người.
Giờ đây, tham vọng của vị chủ tịch tuổi 33 này không chỉ dừng lại ở việc vượt qua “ông lớn công nghệ” trong nước, mà xa hơn nữa là đánh dấu tên tuổi của Rikkeisoft trên bản đồ công nghệ toàn cầu, trở thành một công ty đẳng cấp thế giới.
Khi thời gia công “chỉ làm theo những gì khách hàng yêu cầu” đang dần qua, anh Tùng quyết định đầu tư mạnh vào mảng công nghệ mới, công nghệ cốt lõi như blockchain hay AI.
Từng khởi nghiệp từ năm 24 tuổi, được Forbes Việt Nam chọn là 1 trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam vào năm 26 tuổi, Chủ tịch Rikkeisoft cho rằng, với những người trẻ có khát vọng khởi nghiệp, vẫn nên đi làm trước, bởi “vốn dĩ trong từ nghề nghiệp, cần có nghề mới có nghiệp”.
“Đi làm rồi mình mới hiểu được cơ hội thị trường, những khó khăn trong lĩnh vực, đồng thời xây dựng và mở rộng các mối quan hệ. Chưa thấu hiểu thị trường và có góc nhìn riêng, khả năng thất bại khi khởi nghiệp là rất cao”.
Để đạt được mục tiêu cán mốc 1 vạn nhân sự, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường cũng như những mục tiêu cốt lõi khác, ngay trong năm 2022, công ty dự kiến sẽ tuyển thêm khoảng 1.500 – 2.000 nhân sự. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Tạ Sơn Tùng, đây cũng là một thách thức.
“Công nghệ thông tin là một lĩnh vực nóng, thuộc nhóm ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay. Mặc dù các đơn vị đào tạo đã bắt đầu chú trọng vào việc mở rộng quy mô tuyển sinh cũng như cố gắng đào tạo tiệm cận với nhu cầu của các doanh nghiệp, nhưng để có nguồn nhân lực sử dụng được ngay vẫn còn là một bước lệch và cần phải có thời gian để đào tạo lại”.
Trước nhu cầu lớn của doanh nghiệp nhưng nguồn nhân lực lại thiếu trầm trọng, để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Rikkeisoft cho rằng, các trường đại học cần phải kết hợp với công ty, doanh nghiệp trong việc đào tạo để có được nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao. Đây cũng là chiến lược mà công ty đang triển khai trong thời gian vừa qua.
Mặt khác, ngay chính trong nội bộ doanh nghiệp cũng phải coi việc nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên là yếu tố sống còn.
“Chúng tôi luôn chú trọng việc đầu tư vào con người. Vì thế, ngoài việc tổ chức các khóa đào tạo thường xuyên, một cách để chúng tôi thay đổi thái độ, phong cách làm việc của nhân viên là khuyến khích, động viên họ sang làm việc tại Nhật Bản, kể cả với những nhân viên mới biết tiếng Nhật. Rất nhiều người sau khi trở về đã có những bước tiến rất nhanh. Họ học được thái độ làm việc nghiêm túc, luôn đặt công việc lên trên hết và đáp ứng đòi được những đòi hỏi chất lượng khắt khe – một vấn đề lớn mà họ phải giải quyết khi cung ứng dịch vụ cho thị trường Nhật Bản”.
Ngoài ra, để phát triển và nâng giá trị đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin Việt, theo Chủ tịch Rikkeisoft, cần phải biến giấc mơ “nông dân cũng viết được code” trở thành hiện thực.
Anh Tạ Sơn Tùng cho rằng, hiện nay trong lĩnh vực gia công phần mềm, ở những phần việc dễ hơn, chỉ cần những kỹ sư tuân thủ kỷ luật và trải qua các khóa học về lập trình từ 3 tháng đến nửa năm là có thể làm tốt được.
“Giờ đây, không hiếm cử nhân ra trường không xin được việc làm, hoặc số xin được lương cũng rất thấp. Như vậy sẽ rất lãng phí. Tôi cho rằng, nếu được đào tạo học chuyển nghề, nhất định họ có thể làm tốt một số công việc của ngành phần mềm”.
Anh Tùng cũng đưa ra dẫn chứng, tại Nhật, khoảng 60% kỹ sư công nghệ thông tin là những người chuyển từ ngành khác sang. Họ có thể xuất phát từ các ngành đào tạo văn học, thể dục thể thao, kinh tế,… vốn không có liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhưng họ không gặp phải bất cứ rào cản nào, thậm chí có những người này làm rất tốt cả phần việc khó chứ không chỉ là những việc dễ trong lĩnh vực phần mềm”.
Vì thế, với quan điểm ai cũng có thể học lập trình, Chủ tịch Rikkeisoft kỳ vọng ước muốn “nông dân cũng biết code” sẽ trở thành hiện thực trong thời gian không xa, hướng tới một tương lai nguồn nhân lực tham gia vào lĩnh vực này ngày càng nhiều, đủ lớn để lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển, mang lại vị thế cho Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.
Thúy Nga
Ảnh: Phạm Hải
Thiết kế: Phương Thu