Sau hơn 10 năm làm công tác văn thư lưu trữ ở một cơ quan trung ương, chị Thu quyết định làm đơn xin đi học thạc sĩ, ngành quản trị kinh doanh. 

Thế nhưng, trong khi trước đó, đồng nghiệp đi học thạc sĩ được hỗ trợ 100% học phí từ ngân sách, quyết định hỗ trợ cho chị Thu chỉ ở mức 50%. Chị Thu ấm ức bật khóc vì cho rằng bị đối xử không công bằng. 

Mới đây, hồi giữa tháng 3, tại hội nghị của UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM - Nguyễn Việt Dũng đặt vấn đề: "Tôi không biết công chức mình đào tạo tiến sĩ để làm gì vì tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học. Chúng ta đào tạo quá nhiều tiến sĩ. Ví dụ, công chức phường đăng ký học tiến sĩ công nghệ sinh học, trong khi hệ thống mình cần chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công thì không học".

Phát biểu của ông Dũng lập tức gây xôn xao, dù câu hỏi ông đặt ra không hề mới.

Cán bộ, công chức được ngân sách nhà nước chi trả cho việc học thì hiệu quả, năng suất công việc có tăng lên không? Sự phù hợp về bằng cấp, chứng chỉ với công việc mà họ đang làm như thế nào?

Ở Việt Nam, có lẽ chưa có thống kê cụ thể về điều này. Song nhiều người ngầm hiểu rằng, công chức có ‘mác’ thạc sĩ, tiến sĩ đồng nghĩa với cơ hội được thăng tiến, cơ hội được bổ nhiệm cao hơn, và cả… oai hơn khi đi làm việc. Đặc biệt, nếu có thêm học hàm thì càng ‘oách’.

Theo thống kê năm 2019, tổng số công chức có bằng tiến sĩ là 2.347 người (0,8%), có bằng thạc sĩ là 19.136 người (6,5%). Những cơ quan có nhiều tiến sĩ là Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ GD&ĐT, Bộ Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính…

{keywords}
 

Công chức học thạc sĩ, tiến sĩ để làm gì?

Có thể nói, việc chi tiền cho cán bộ, công chức đi học đều có quy định rất cụ thể, chặt chẽ. Ngoài chi bồi dưỡng ngắn hạn, nhiều cơ quan chi hỗ trợ cho công chức học thạc sĩ, tiến sĩ. Và sau khi cầm bằng về, họ còn có thể được hỗ trợ thêm từ 10 – 20 triệu đồng. Thậm chí, bảo vệ thành công thạc sĩ được coi như có đề tài để công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Trở lại với câu chuyện của chị Thu, cơ quan cũng có lý của họ. Rõ ràng việc học thạc sĩ quản trị kinh doanh nghe có vẻ ‘tréo giò’ với nhiệm vụ của một cán bộ văn thư lưu trữ. Nếu chi tiền, rất dễ bị ‘tuýt còi’ hoặc kiện tụng. Sau 2, 3 cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt, mức hỗ trợ 50% được đưa ra với lý do ‘đã có nhiều năm công tác’.

Mặc dù vậy, vẫn nhiều người không bằng lòng, bởi ngân sách có cần chi tiền cho một văn thư học thạc sĩ quản trị kinh doanh hay không? 

Một cán bộ gốc Việt làm việc ở Sở thuế Liên bang Úc nhìn nhận: Cần tránh biến tri thức thành một cuộc đua lãng phí. Chị cho hay, chính quyền Nam Úc gần đây đã siết chặt nguồn kinh phí cấp cho nhân viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều chương trình đào tạo được tổ chức liên tục, nhưng đa số là các khóa ngắn hạn từ vài giờ đến vài ngày. Số lượng được cấp kinh phí toàn phần để học thạc sĩ chỉ khoảng 1 – 2 người/năm, thường dành cho cấp quản lý hoặc những cán bộ sắp được bổ nhiệm ở những vị trí quan trọng.

Lý do được biết đến là thạc sĩ, tiến sĩ thường nghiên cứu chuyên sâu về một vấn đề cụ thể, nhưng công việc hàng ngày của một nhân viên chính phủ đòi hỏi người có kinh nghiệm tư duy và có thể thích ứng với môi trường công việc mới. Thế nên, muốn học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ thì phải bỏ tiền túi ra mà học.

TS Trương Nguyện Thành, Đại học Utah (Mỹ) nhận định: Đúng là có những vị trí đòi hỏi phải có tiến sĩ. Ở những viện nghiên cứu chính sách, những người nghiên cứu khoa học, nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu chính sách có chuyên môn tham mưu cho Chính phủ cần trình độ chuyên sâu rất cao. Và có những giáo sư ở các trường đại học cộng tác với những viện này để cung cấp thêm kiên thức chuyên môn. Nhưng nếu không phải vị trí công việc nghiên cứu và tham mưu thì cần bằng tiến sĩ để làm gì?

Do đó, quan trọng là làm thế nào có cơ chế chọn người tài cho đúng năng lực, không chạy theo bằng cấp thì việc đầu tư cho công chức học thạc sĩ, tiến sĩ sẽ quay về với đúng ý nghĩa của nó.

Có cơ chế đó cũng sẽ bỏ cái ‘không tự thân’ khi đi học thạc sĩ, tiến sĩ. Khi có nhu cầu và tự cảm thấy muốn học để nâng cao trình độ, sẽ không còn nhiều người lãng phí thời gian, tiền bạc của bản thân hoặc của ngân sách để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

"Tôi có may mắn mới đây là ủy viên Hội đồng nghiệm thu Dự án điều tra thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành nội vụ nên có được một vài số liệu lý thú.

Cụ thể là: 49% công chức tại Bộ Nội vụ có trình độ từ thạc sĩ trở lên, tỷ lệ này ở 63 Sở Nội vụ là gần 28% và ở các phòng Nội vụ trong cả nước là 18%. Công chức toàn ngành Nội vụ có trình độ từ cử nhân trở lên đến tiến sĩ là 96,6%. Số liệu có lẽ cũng vậy ở các ngành, lĩnh vực khác.

Cử nhân là bình thường, xu hướng đã là phổ cập thạc sĩ. Đấy là câu tôi thường được nghe khi bàn đến bằng cấp trong công vụ hiện nay. Không biết cứ thế này mươi năm nữa vào các cơ quan công quyền có lẽ là toàn từ thạc sĩ trở lên ngồi làm việc...".

Trích bài viết "Thạc sĩ, tiến sĩ trong bộ máy công chức" của TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính (Bộ Nội vụ).  

 

'Tôi không biết công chức thì đào tạo tiến sĩ để làm gì'

'Tôi không biết công chức thì đào tạo tiến sĩ để làm gì'

"Tôi không biết công chức mình đào tạo tiến sĩ để làm gì vì tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học, cần học là chính sách công", Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM nêu quan điểm.