Trong tham luận gửi tới Hội thảo “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, giảng viên Trương Tuấn Linh và Nguyễn Phương Thảo của Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông ( ĐH Thái Nguyên) đã phân tích sự chồng chéo trong quy định của pháp luật về vấn đề sử dụng nhân sự trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, khi phân tích các quy định mới về tự chủ trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và các văn bản pháp quy liên quan, không khó để nhận thấy bất cập và sự vướng mắc giữa các luật và các quy định trong khung pháp lý hiện hành.
Ví dụ, theo Khoản 4, Điều 32 Luật Giáo dục Đại học tại Văn bản hợp nhất số 42/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018 cũng như tại Khoản 2, Điều 13 Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học quy định rõ “Cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự...; về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, có quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng không được làm tang số lượng người làm việc hưởng lương, mức lương (bao gồm cả lương và phụ cấp) từ quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp;…” và “… Các cơ sở giáo dục đại học phải ban hành, tổ chức thực hiện quy định nội bộ về tổ chức bộ máy và nhân sự; thực hiện các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự khác…”.
Tuy nhiên, theo Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện lại có sự không đồng nhất.
Ví dụ, tại Điều 7, Nghị định 16/2015/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (còn hiệu lực) quy định đơn vị sự nghiệp công được "thuê hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ”.
Nhưng tại Khoản 3, Điều 3, Nghị định 161/2018/NĐ-CP lại quy định rằng đơn vị sự nghiệp công lập không thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với “Những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định và công chức trong cơ quan hành chính hoặc viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên”.
Như vậy, Nhà nước muốn giao quyền tự chủ về nhân sự nhưng lại yêu cầu chỉ được tuyển dụng viên chức, trong khi số lượng biên chế không đảm bảo để thực hiện các nhiệm vụ trong đơn vị.
Cơ sở giáo dục đại học công lập muốn tăng chỉ tiêu tuyển sinh thì phải tăng số lượng giảng viên cơ hữu. Nhưng nếu chưa tự chủ, trường ĐH không có quyền tăng biên chế (Ảnh minh họa) |
Theo các giảng viên này, trước đây, khi văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định rõ và chi tiết, hầu như các đơn vị sử dụng 2 hình thức tuyển dụng viên chức và tuyển dụng hợp đồng lao động. Như vậy, bắt buộc phải áp dụng song song 2 bộ Luật là Luật Viên chức và Bộ Luật Lao động...
Áp dụng Luật Viên chức, nhưng nếu xảy ra tranh chấp về hợp đồng làm việc như đền bù chi phí đào tạo, kỷ luật lao động… thì lại yêu cầu thực hiện như Luật Lao động dù các quy định của 2 luật này không hoàn toàn đồng nhất.
Hầu như các trường đại học sử dụng mã ngạch, hệ số lương của công chức, viên chức để áp dụng cho người lao động mà theo quy định thì việc này là không cần thiết, hoặc mức lương cho người lao động phải áp dụng các quy định của Bộ Luật lao động và phải sử dụng mức lương tối thiểu vùng làm căn cứ để chi trả.
Thực tế cho thấy, đối với một giảng viên được ký hợp đồng lao động của mã ngạch giảng viên 15.111, tổng lương khởi điểm được tính: 2.34 x mức lương cơ sở + 0.25% đứng lớp, nhưng tổng mức lương này vẫn chưa thể bằng mức lương tối thiểu vùng quy định tại Bộ Luật Lao động.
Chồng chéo...
Còn theo TS. Phan Thị Lan Hương và TS. Nguyễn Thị Thanh Tú, Trường ĐH Luật Hà Nội, thì việc trả lương theo vị trí việc làm tạo ra thách thức nhất định cho các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ về chi thường xuyên và đầu tư.
Cũng đưa ra dẫn chứng là theo Điều 12, Khoản 2 Nghị định 99/2019/NĐ-CP “không được làm tăng số lượng người làm việc hưởng lương, mức lương (bao gồm cả lương và phụ cấp) từ quỹ lương do ngân sách Nhà nước cấp”, 2 vị tiến sĩ cho rằng quy định này rõ ràng không bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở đại học công lập. Nếu như yêu cầu mở rộng mã ngành đào tạo, liên kết đào tạo nhưng chưa tự chủ về tài chính thì cơ sở đại học công lập không có quyền tăng biên chế.
Điều đáng nói là số lượng giảng viên cơ hữu sẽ là căn cứ để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nếu cơ sở giáo dục đại học công lập muốn tăng chỉ tiêu tuyển sinh thì phải tăng số lượng giảng viên cơ hữu.
"Quy định này lại cho thấy sự chồng chéo trong cách tiếp cận của các cơ chế, chính sách bảo đảm tự chủ ở nước ta" - các tiến sĩ của Trường ĐH Luật Hà Nội nhận định.
Khó xử lý giảng viên “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”
Theo ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, vì các trường đại học tự chủ vẫn phải tuân theo Luật Viên chức, nên một bộ phận cán bộ giảng viên dù làm việc không hiệu quả nhưng trường không thể cho nghỉ việc. Do đó, dù xảy ra tình trạng giảng viên “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” thì trường cũng không xử lý được. Khi thực hiện tự chủ đáng ra hiệu suất công việc tăng lên, nhưng khi yêu cầu mọi người phải làm việc nhiều hơn thì bị phản ứng.
PGS.TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), cũng đồng quan điểm, cho rằng một trong những bất cập trong vấn đề nhân sự hiện nay là vẫn áp dụng theo Luật Viên chức trong các trường đại học tự chủ. Mà theo đó, để tăng lương cho một cá nhân xuất sắc, tài năng hay sa thải đối với cá nhân yếu kém là rất khó.
Vì vậy, để có thể thực hiện được tự chủ đúng nghĩa, ông Thành đề xuất cho các trường áp dụng Luật Lao động.
“Với cơ chế tự chủ, các trường phải được căn cứ vào trình độ, đóng góp từ đó đưa ra mức lương cụ thể tới từng người, ngay cả với hiệu trưởng, thì mới khuyến khích được người tài. Còn ai không đảm bảo năng lực thì sa thải. Chứ như hiện nay, để sa thải một cá nhân theo Luật Viên chức là rất khó, dẫn đến chỉ cần một nhóm người nhỏ trong tổ chức hoạt động không tốt là kéo lùi cả tập thể đi xuống”.
Ngân Anh - Lê Huyền - Thanh Hùng
Tự chủ đại học: Nhiều hiệu trưởng vẫn muốn mình là to nhất
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều hiệu trưởng không muốn mất quyền, không muốn chuyển giao bớt quyền sang Hội đồng trường, vẫn muốn hiệu trưởng là to nhất.