Đó là một trong những đề nghị của Bộ GD-ĐT đối với các địa phương tại hội nghị tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”.

Cụ thể, để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy được những hiệu quả của mô hình giáo dục chất lượng cao, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số đề nghị đối với Chính phủ và các địa phương.

Một trong những đề nghị rất đáng chú ý là Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh. Điều này cũng được hiểu là mô hình trường chuyên với sự tham gia thành lập và điều hành của khối tư nhân.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Nói về điều này, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi bàn đến chuyện công lập hay tư thục thì cần phải làm rõ khái niệm “trường chuyên”.

Ông Lê Xuân Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên thuộc ĐH Vinh chia sẻ khá băn khoăn khi trường chuyên do khối tư nhân nắm giữ thì chất lượng học thuật sẽ khó được cam kết và tính chịu trách nhiệm đầu ra sẽ ít hơn.

“Trường chuyên công lập thì đi kèm trách nhiệm, mục tiêu đào tạo nhân tài, lợi ích lâu dài cho quốc gia. Tức nhà nước đầu tư thật sự để sau này có nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Còn với khối tư nhân thì cái cam kết này có thể sẽ ít đi. Nếu trường tư thục có tâm huyết và triết lý bền vững, tầm nhìn dài hạn thì còn được; còn nếu họ “thả nổi” thì cũng khó kiểm soát.

Về mặt lý thuyết hoàn toàn có thể làm được, song niềm tin cho trường chuyên tư thục sẽ khó hơn rất nhiều và cũng khó khả thi”, ông Sơn nói.  

Ngoài ra, theo ông Sơn, học chuyên như hiện nay thì nguồn kinh phí khá lớn và hiện đang được hỗ trợ nhiều từ ngân sách nhà nước. Do đó, ông Sơn lo ngại với mô hình trường chuyên tư thục thì sẽ nhiều học sinh không có đủ điều kiện tài chính để theo học.

“Đã thiên về chuyên thì phải có ngân sách nhà nước hỗ trợ mới có thể làm tốt được. Bởi để đào tạo chuyên sâu một môn học nào đó thì ngoài phải đầu tư đội ngũ giáo viên giỏi thì còn cần phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Các cơ sở giáo dục tư thục thì vẫn trên nền tảng kinh doanh, phải thu tiền từ học sinh và phụ huynh để trả lương cho giáo viên”, ông Sơn nói và cho rằng tư thục thì rất khó để học sinh hội tụ đủ 2 yếu tố là học xuất sắc một môn nào đó (gọi là môn chuyên) và gia đình phải đủ điều kiện kinh tế để có kinh phí đầu tư cho con theo học.

Theo ông Sơn, những địa phương hội tủ đủ những yếu tố sau thì mới có thể triển khai mô hình trường chuyên tư thục: dân số đủ đông bởi đó là nguồn để có làm cơ sở để đủ học sinh giỏi, xuất sắc; người dân có mức thu nhập, tài chính tốt để có thể theo học.

Ông Sơn cũng cho hay, khó có thể nói đồng tình hay không theo cảm tính, mà trước hết cần phân biệt rõ trường chuyên và trường chất lượng cao.

“Ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,... có số dân đủ đông, có tiềm lực kinh tế tốt thì có thể triển khai được hướng đi này. Còn những địa phương khó khăn, thì sẽ rất khó có người học. Thay vào đó, có thể phát triển và định hướng mô hình trường tư thục chất lượng cao, chứ không nhất thiết phải là trường chuyên tư thục”, ông Sơn nói.

Bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam việc xây dựng các trường chuyên tư thục sẽ khả thi hơn khi định hướng về trường chuyên trong tương lai có những thay đổi, tức sẽ không chú trọng quá sâu vào việc “luyện gà nòi để đi thi một kỳ thi duy nhất” mà có kỹ năng để tham gia nhiều sân chơi khác nhau.  

“Nếu xây dựng và phát triển được các trường chuyên tư thục cũng là điều rất tốt bởi cũng rất nhiều phụ huynh mong muốn con mình được học ở những nơi có điều kiện tốt. Tuy nhiên, để trường chuyên tư thục mở ra thì cũng có khó khăn nhất định và vấn đề là sẽ đi đến đâu, làm sao để cạnh tranh với trường chuyên công lập”, bà Dương nói.

“Việc cạnh tranh này sẽ khá vất vả, bởi suy cho cùng người ta cũng phải đặt ra câu hỏi hướng đi của trường là gì, chất lượng khác biệt ra sao? Không quá khó khăn để mở trường nhưng cần  nghiên cứu về nhận thức của phụ huynh, bởi phần đa vẫn muốn vào hệ chuyên công lập. Chưa kể với thu nhập trung bình của người Việt Nam hiện nay, không phải ai cũng sẵn sàng chi một lượng kinh phí lớn để đầu tư cho con”.

Theo bà Dương, gọi là trường chuyên tư thực thì “trường chuyên” cũng chỉ là cái tên, còn để cái tên này đúng nghĩa, các trường còn phải thể hiện nhiều năm trên các sân chơi, cuộc thi, hoạt động khác nhau,...

“Làm được thì rất lý tưởng nhưng vô vàn các bài toán, đặc biệt bài toàn tài chính sẽ luôn luôn gây đau đầu đối với người quản lý. Bởi như hệ chuyên công lập, các học sinh được hỗ trợ nhiều từ ngân sách nhà nước”.

Bà Dương cũng cho rằng, điều này có lẽ cũng chỉ khả thi với một số tỉnh, thành phố lớn, nơi mà người dân có mức thu nhập cao.

Thanh Hùng

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Không nên chỉ dồn đầu tư cho trường chuyên

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Không nên chỉ dồn đầu tư cho trường chuyên

Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng, trong điều kiện khó khăn không thể đầu tư dàn trải, song nếu bên cạnh một ngôi trường chuyên được đầu tư đặc biệt và lộng lẫy và một nhóm các trường khác còn chưa được kiên cố hóa thì thực sự phản cảm.