- “Nếu cứ mang ý nghĩa của điểm số cũ để gán cho điểm số mới thì phụ huynh băn khoăn là đúng rồi” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT NguyễnVinh Hiển, nói về việc “cả năm nhận xét, cuối kỳ lại chấm điểm” ở tiểu học.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: "Bỏ xếp loại, sẽ không chỉ đơn giản “con tôi là học sinh giỏi”. Ảnh: Văn Chung |
- Vậy thì phụ huynh có cần quan tâm đến điểm số bài kiểm tra cuối kỳ của con em mình không?
Có. Nhưng phải nói thêm rằng cần quan tâm cả điểm số, cả lời nhận xét trên bài kiểm tra.
Nếu nói rằng bài kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm được đánh giá bằng điểm số là chưa đúng, bởi vì những bài đó được đánh giá bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Tức là việc nhận xét vẫn giữ, và thêm phần cho điểm.
Trước nay vẫn quy định việc cho điểm kèm nhận xét (tuy thực tế nhiều khi giáo viên chỉ cho điểm, không nhận xét), nhưng ý nghĩa của điểm số bây giờ khác với ý nghĩa của điểm số trước kia.
Điểm số bây giờ không phải dùng để xếp loại học sinh, hay để so sánh học sinh này với học sinh khác.
Ý nghĩa của điểm số ở chỗ:
Thứ nhất, điểm kiểm tra cuối kỳ để kiểm chứng lại quá trình đã qua.
Từ đầu năm học đến giờ, giáo viên, cha mẹ học sinh và nhiều người khác đã giúp đỡ, nhận xét học sinh. Ai cũng hy vọng rằng mình đã làm đúng cách, có tác dụng tốt, giúp cho học sinh tiến bộ và đạt được kết quả học tập như mong muốn.
Nhưng có tốt thật không, thì phải có xác nhận cuối cùng. Điểm số bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm kết hợp với nhận xét là để giúp chúng ta khẳng định được những điều hy vọng ấy. Điểm số đó để xác nhận kết quả học tập của học sinh, không nhằm xếp thứ hạng các em trong lớp. Cụ thể là:
Nếu điểm tốt, tương xứng với lâu nay học sinh vẫn được nhận xét tốt (và ngược lại), tức là giáo viên, phụ huynh (người lớn) đang làm đúng.
Nếu điểm số đó rất khác thường với những nhận xét, đánh giá thường xuyên học sinh thì nguyên nhân có thể là: Hoặc người lớn đã đánh giá, nhận xét thường xuyên chưa đúng, cần phải điều chỉnh cách dạy, cách học, cách đánh giá, nhận xét; hoặc là có nguyên nhân đột xuất đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả làm bài của học sinh, ví dụ gia đình HS có việc đột xuất, hôm đó em bị mệt…; giáo viên cần tìm hiểu để biết rõ nguyên nhân. Trong trường hợp này, giáo viên có thể cho học sinh làm thêm bài kiểm tra khác để khẳng định lại các nhận xét, đánh giá về học sinh.
Thứ hai, điểm số là thứ xác nhận khách quan. Chúng ta biết rằng hướng dẫn, nhận xét thường xuyên của người lớn vẫn mang tính chủ quan của họ. Điểm số cuối kỳ sẽ đánh giá trình độ học sinh đã đạt đến mức hoàn thành nhiệm vụ học kỳ I để bước sang học kỳ II, hay yên tâm vì đã hoàn thành chương trình lớp trước để lên học lớp sau.
Ý nghĩa là như vậy. Đôi khi, ngay cả giáo viên còn chưa hiểu rõ ý này, chứ không phải như một số người nói rằng chúng ta quay lại với đánh giá bằng điểm số.
Chấm điểm nhưng không xếp loại
Điểm cuối kỳ không dùng để xếp loại học sinh. Tức là năm nay sẽ không có các danh hiệu học sinh giỏi, học sinh khá, học sinh trung bình…?
- Đúng vậy, sẽ không có xếp loại học sinh như những năm trước. Đến cuối học kỳ, phụ huynh sẽ không nhận được những chứng nhận kiểu như con mình đạt loại giỏi, mà sẽ là tập hợp hồ sơ minh chứng cho việc đánh giá con em họ và biết rằng học sinh đó có lên lớp hay không.
Việc xét lên lớp bây giờ cũng khác, nhân văn hơn. Thông qua hoạt động nghiệm thu, bàn giao chất lượng họcsinh giữa các giáo viên do hiệu trưởng chỉ đạo và thông qua hồ sơ của học sinh mà giáo viên lớp trước bàn giao cho giáo viên lớp sau, sẽ có nhận xét như em này được lên lớp nhưng còn yếu ở điểm này, điểm kia.
Hướng dẫn học sinh trong một giờ học thảo luận tại Trường Tiểu học Thạch Bằng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Hạ Anh |
Thậm chí với mô hình trường học mới (VNEN) là nơi chấp nhận một lớp có học sinh nhiều trình độ (lớp ghép) thì sẽcó thể lên lớp nhưng vẫn còn “nợ” một phần của lớp trước, được lên lớp nhưng phải học bù. Hoặc cho học sinh ở lại lớp, hoàn thành nốt phần thiếu rồi lại cho lên, không bắt phải học lại cả năm học.
Học sinh được động viên bằng cách khác: những em có thành tích như đi thi chữ đẹp, thi giải toán trên mạng, thi tiếng Anh trên mạng, cờ vua, vẽ tranh… vẫn có phần thưởng, có lời khen, thành tích được lưu vào trong hồ sơ học sinh.
Và phụ huynh không còn có thể khoe “con tôi là học sinh giỏi”?
- Có, nhưng chỉ là giỏi về cái gì, cái đó có minh chứng trong hồ sơ. Trước đây đến cuối kỳ, cuối nămthì xếp loại học sinh rồi khen. Bây giờ, như tôi đã nói ở trên, trường xác nhận có thành tích thì khen. Và sẽ không có danh hiệu học sinh giỏi.
Vậy thì, học sinh nào không tham gia các cuộc thi, không có thành tích đột xuất, thì sẽ không bao giờ được khen, thưa ông?
- Cuối học kì I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những bạn đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng. Như vậy, những học sinh trong quá trình học tập có sự tiến bộ, giúp đỡ bạn được nhiều, có uy tín với bạn bè… sẽ vẫn được khen thưởng.
Nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định.
Nhưng tôi thấy rằng, vẫn có không ít phụ huynh “lăn tăn” vềviệc con mình thuộc loại gì…
- Khó nhất là tự đổi mới mình. Mình không đổi lại cứ mang cái cũ ra để chiếu, thì không ổn. Nhiều khi cứ lấy tâm lý của người lớn ra để soi chiếu vào trẻ con, sẽ làm tội con trẻ.
Học sinh hoàn thành nhiệm vụ lớp trước để lên lớp sau mới là điều quan trọng nhất. Đường đời còn dài, có thật sự cần phải nhận danh hiệu xuất sắc từ lớp 1, lớp 2 không?
Tất nhiên sẽ có người băn khoăn. Nhưng nếu phụ huynh đã thường xuyên theo dõi, cùng tham gia vào các hoạt động giáo dục, xem hồ sơ của con, sẽ biết con mình đang ở mức nào.
Tôi muốn nói thêm về việc đánh giá học sinh bằng nhận xét. Lâu nay, nhiều nhà trường không phát huy được vai trò của gia đình, còn phụ huynh thì “trăm sự nhờ thầy”.
Với những thay đổi như hiện nay, nhà trường cần mời phụ huynh đến trường xem mình dạy cái gì, dạy như thế nào, cần trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau để phối hợp, giúp đỡ trẻ em.
Giáo viên phải làm thật tâm mình, đừng làm theo kiểu chống đối thì ngày đầu chưa quen, chưa thật tốt nhưng sẽquen dần, hiệu quả sẽ tốt. Cán bộ quản lý cũng phải đổi mới tư duy, đổi mới phong cách quản lý, phải để giáo viên nhiệt tình làm thật theo năng lực, biết chấp nhận những kết quả ban đầu, và động viên để giáo viên nâng dần hiệu suất.
Xin cảm ơn ông.
- Chi Mai thực hiện