- “Điểm đầu vào thấp không chỉ khó khăn cho người học và người dạy mà còn ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra nếu không có sự nỗ lực của cả sinh viên và nhà trường” – ông Nguyễn Hữu Tú, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ.
Ảnh: Ông Nguyễn Hữu Tú – PHT phụ trách đào tạo, ĐH Y Hà Nội (Ảnh: Quỳnh Anh) |
- Ngành Y được đánh giá là một ngành học đòi hỏi người học có trình độ trí tuệ nhất định, ông nghĩ sao về điều này?
Đúng là như vậy. Ngành Y là một ngành học cần trí tuệ, năng lực học tập nhất định. Trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển, chỉ những học sinh tốt nhất ở bậc học phổ thông mới có khả năng được nhận vào học trường Y và việc đào tạo ngành Y cũng rất khắt khe.
Ví dụ, ở Úc là nơi có hệ thống đào tạo ngành Y rất kỹ lưỡng thì học sinh phổ thông thi tốt nghiệp trung học phải đạt từ 90/100, thậm chí 100/100 điểm – điểm tuyệt đối mới được nhận vào trường Y. Mỗi sinh viên phải mất 14 năm đào tạo mới trở thành bác sĩ chuyên khoa: 5 năm ĐH, 4 năm nội trú, 5 năm bác sĩ thực tập, mới được phép hành nghề độc lập.
- Nói như vậy thì việc tuyển sinh ngành Y ở Việt Nam đang thiếu sự sàng lọc vì điểm đầu vào thấp. Điều này ảnh hưởng thế nào đến quá trình đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực Y tế, thưa ông?
Xin nhắc lại, đầu vào chỉ là một yếu tố trong việc quyết định chất lượng đào tạo. Tuy nhiên nếu đối với các ngành đào tạo bác sĩ điểm đầu vào thấp quá (chẳng hạn, chỉ bằng điểm sàn…) thì rất khó khăn cho người học và người dạy và sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra nếu không có sự nỗ lực của cả sinh viên và nhà trường.
Vì vậy cũng cần xây dựng một chuẩn đầu ra chung cho tất cả các trường, như là chuẩn đầu ra quốc gia. Anh học trường nào cũng được, nhưng nếu không đạt được “chuẩn” đó thì không thể ra trường.
Theo tôi được biết, hiện nay Bộ Y tế đang có chủ trương xây dựng “chuẩn đầu ra quốc gia” và kỳ thi đầu ra quốc gia để có một thước đo chuẩn cho tất cả các trường.
Nếu một cơ sở đào tạo để đầu vào thấp, quá trình đào tạo không tốt thì chắc chắn số sinh viên vượt qua “chuẩn quốc gia” sẽ rất thấp, và chính nó sẽ ảnh hưởng tới uy tín và sự tồn tại của trường.
- Việc nở rộ tuyển sinh các nhóm ngành Khoa học sức khỏe và hiện tượng điểm thấp trong ngành Y trong những năm gần đây cảnh báo điều gì cho xã hội?
Điều này sẽ có khó khăn cho đào tạo và có thể ảnh hưởng đến chất lượng nếu không có kiểm định chất lượng thường xuyên và kiểm soát chặt chẽ đầu ra. Bản thân Trường ĐH Y Hà Nội cũng đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí này.
Gần đây, Bộ GD-ĐT có chủ trương là giao quyền tự chủ tuyển sinh cho một số trường lớn. Việc này vẫn chưa được triển khai, nhưng nếu sau này được tự chủ tuyển sinh thì trường cũng nghĩ tới việc tuyển sinh một cách đặc thù cho ngành Y, đặc thù cho Trường Y Hà Nội.
Đặc thù ấy là, ngoài đánh giá kiến thức phổ thông của người học, còn cần thêm những kiến thức về mặt xã hội, ứng xử, giao tiếp. Bởi nghề Y là nghề rất đặc biệt, vừa là Khoa học tự nhiên vừa là khoa học xã hội, và nó còn gắn liền với đạo đức. Cần phải dựa vào tất cả những điều này để xây dựng thành các tiêu chí để tuyển chọn.
- Theo ông có cần những chuẩn mực riêng trong việc tuyển sinh ngành Y trong tương lai hay không?
Hiện nay chưa có bất cứ nguyên tắc, chuẩn mực nào được đặt ra cả. Tuy nhiên, riêng việc học sinh hiểu được ngành Y là như thế nào, đòi hỏi những phẩm chất gì, học ngành Y có những khó khăn, gian khổ, vất vả kéo dài ra sao…? đã là một sự sàng lọc ngay từ khi các em chọn trường y. Vì vậy theo tôi việc tư vấn tuyển sinh rất có ý nghĩa.
Bước sàng lọc tiếp theo, chính là hàng rào tuyển sinh. Và bước sàng lọc cuối cùng chính là quá trình đào tạo và thi tốt nghiệp. Những chuẩn mực riêng, nếu có là do chính cơ sở đào tạo đặt ra trong tương lai.
- Cảm ơn ông!
- Quỳnh Anh (thực hiện)