- Giá vật tư, thức ăn chăn nuôi tăng vùn vụt trong khi sản phẩm làm ra giá thấp chưa kể dịch bệnh hoành hành khiến nhiều nông dân khốn đốn lo tiền trường cho con dịp đầu năm. Có gia đình phải cho con nghỉ học.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Phụ huynh tá hỏa với hàng loạt kiểu móc túi?
Muôn kiểu tận thu gắn mác 'tự nguyện'
Làm gì cũng lỗ
Chị Nghiêm Thị Thu, nhà ở xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết: “Một sào lúa nếu chăm bón tốt được khoảng 2 tạ thóc, giá tốt thì bán được hơn 1 triệu đồng”.
Hình ảnh người mẹ nghèo khó Nghiêm Thị Thu và cậu con trai Lê Đức Duẩn (thủ khoa Trường ĐH Dược Hà Nội năm 2012) khiến nhiều độc giả không khỏi xúc động. |
Chị Thu cho hay hiện ở xã Hoàng Long rất ít hộ làm nhiều ruộng bởi “càng nhiều ruộng làm càng lỗ vì phải công cán thuê người làm cao, thu không bù chi. Đấy là chưa kể những vụ mùa thất bát hay phải dùng nhiều thuốc trừ sâu”.
Tương tự, ở xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, nông dân cũng không còn mặn mà với đồng ruộng. Họ hoặc cho không người khác làm hoặc bỏ đất trống. Nhiều người xoay sang hướng chăn nuôi cũng bết bát vì giá thức ăn tăng, giá bán lại quá rẻ.
Chị Lê Thị Hồng Nhâm chia sẻ: “Năm ngoái, gia đình tôi nuôi gần chục con lợn thịt. Nuôi đến 60kg/con hết 6 bao cám giá gần 2 triệu đồng, chuẩn bị được bán thì gặp dịch chết gần hết”.
Nhà chị Nhâm có thêm ao cá mè giống nhưng giá cũng giảm mạnh: từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg; nay chỉ còn 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg”. Năm nay mưa liên miên, bờ kè thấp nên số cá thả bị thất thoát rất nhiều.
Cũng như nhiều hộ gia đình ở xã Bình Dượng, chị đã bỏ nuôi lợn thịt vì lỗ nặng, cá thả cầm chừng. Nhà chị hiện chỉ nuôi 2 lợn nái với hy vọng thu lãi từ việc bán lợn con giống.
Tại xã miền biển Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhiều ngư dân cũng chật vật vì tình hình lạm phát. Chị Lê Thị Phượng, một chủ tàu cá trung bình cho biết: “Năm nay, cá đánh được không nhiều, giá bán bấp bênh mà chi phí đắt, công thuê thợ cao nên tiền lãi khá ít”.
Đầu năm 2007, trong chuyến ra khơi tàu cá của gia đình chị va chạm với tàu cá khác và bị chìm. Suốt từ đó tới nay gia đình chị gánh thêm khoản vay gần tỷ đồng để đóng mới tàu và tiền trả cho nhân công.
Những người ít đất phải đi làm thuê cho các tàu cá như bác Lê Văn Nhất (cũng ở xã Hoằng Trường) cộng cả thu nhập đi làm muối của người vợ mỗi tháng cũng chỉ được gần 500.000 đồng.
Bán đến hạt thóc cuối cùng lo học cho con
Hay tin con đỗ đại học, chị Thu đã phải bán hết số thóc hơn 5 tạ của 5 sào ruộng lấy hơn 1 triệu đồng và vay thêm của chi hội phụ nữ ở địa phương được gần 7 triệu chuẩn bị cho con nhập học. Đấy là chưa kể cậu con trai út của chị hiện cũng vào lớp 7 với bao khoản thu chưa biết lấy tiền đóng từ đâu.
Để có tiền đóng học đầu năm và phụ giúp gia đình, nhiều em nhỏ đã phải phiêu bạt lên thủ đô để kiếm sống. (Ảnh chụp ở xóm lao động trên phố Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội). |
Chuẩn bị vào đầu năm học, trường tiểu học nơi con chị Phượng đang theo học ở Hoằng Trường đã thu 700.000 đồng tiền đồng phục, học thêm, sách vở của phụ huynh. Chị cho biết vào đầu năm, trường sẽ thu thêm hơn 1 triệu đồng các khoản phí khác.
Cô con gái đang chuẩn bị lên lớp 12 của gia đình chị hiện đang học trường ngoài công lập. Năm 2011, nguyên tiền đầu năm chị phải đóng cho con 4,6 triệu đồng chưa kể tiền học thêm gần 700.000 đồng/tháng. Cậu con trai cả của gia đình chị qua hai lần thi đại học không đỗ, năm nay vẫn quyết tâm lên thành phố Thanh Hóa ôn thi.
Người mẹ của ba đứa con thở than: “Năm nay làm ăn khó khăn, giá cả tăng chóng mặt mà tiền học cho con cũng theo đà trượt giá. Tôi tính nguyên tiền đầu năm cho ba con hết hơn 8 triệu đồng”.
Tương tự, chồng chị Nhâm cũng phải đi phụ hồ kiếm thêm tiền cho hai con trai: một học cao đẳng tại Hà Nội, một lên lớp 5 trường làng. Vừa qua vợ chồng chị cũng phải vét nốt số cá mè giống ở ao, bán được hơn 500.000 đồng lo tiền học cho con.
Lợn thịt bán ra giá chỉ 30.000 đồng/kg đến 35.000 đồng/kg nhưng giá ở chợ vẫn từ 90.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg nên nuôi lợn đấy mà lâu lâu chị Nhâm mới dám mua ít thịt ba chỉ thái mỏng cho con ăn.
Cực chẳng đã, gia đình bác Nhất đã phải cho hai người con: một lên 8 tuổi, một lên 10 tuổi nghỉ học vì nghèo khó.
Những đứa trẻ không có mùa hè
Để có tiền đóng học đầu năm và phụ giúp gia đình, nhiều em nhỏ đã phải phiêu bạt lên thủ đô để kiếm sống. Có mặt ở xóm lao động nghèo ở phố Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội tôi gặp nhiều em nhỏ như thế.
Mới học lớp 8 nhưng cậu bé Trần Ngọc Anh đã có 4 năm hè ra thủ đô bán hàng cùng bà nội. Cậu bé có số phận hẩm hiu khi bố mẹ em chia tay lúc em chỉ mới 6, 7 tuổi. Nắng gió miền biển khiến người em đen cháy, gầy nhẳng so với tuổi 14 của mình.
Cực chẳng đã những người như chị Trần Thị Thủy (36 tuổi) mới phải dắt cả hai con gái (đứa lớp 9, đứa lên lớp 6) ra Hà Nội cùng bán hàng rong với mẹ.
Là con cả trong gia đình 3 chị em, sau 4 năm đi bán hàng cùng mẹ giờ Trần Thị Nga đã tách mẹ để đi bán một mình. Cô bé 15 tuổi với mái tóc dài, gương mặt bầu bĩnh lí nhí: “Sau này cháu muốn làm nhà văn hay nhà báo. Cháu đã viết nhật ký về cuộc sống của mẹ và những người ở đây”.
Gần 10 năm nay, chị Nga hết đi vào Nam rồi lại ra Bắc bán hàng rong. Vài năm trở lại đây, chị quyết định sẽ bán hàng rong ở Hà Nội “vì đỡ tiền tàu xe thì về thăm các con được nhiều hơn”.
Chị tần ngần rồi quả quyết khi được hỏi sau này các con muốn học và thi đỗ vào đại học sẽ cho con học tiếp không: “Tôi sẽ cố gắng nuôi con đến khi nào không thể đi tiếp được thì mới thôi”.
- Văn Chung