- Tại buổi làm việc của Bộ GD-ĐT với các trường ĐH phía Nam chiều nay (21/3), nội dung chấm thi THPT quốc gia đã được thảo luận sôi động.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Không quá 50% giáo viên do Sở GD-ĐT chấm thi
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết năm nay có 70 cụm thi do trường ĐH chủ trì và 50 cụm do Sở GD-ĐT chủ trì. Có 14 tỉnh/thành phố có cụm thi do ĐH chủ trì. Số lượng thí sinh ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì ít hơn năm 2015.
Các trường ĐH chủ trì chịu trách nhiệm về sao in đề thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, công bố kết quả thi, in giấy chứng nhận kết quả cho các thí sinh, bảo quản bài thi của thí sinh, xử lý thắc mắc, khiếu nại của thí sinh.
Để đảm bảo kì thi, các trường ĐH phải chuẩn bị cơ sở vật chất, huy động tối thiểu 50% cán bộ coi thi và ít nhất ½ tổng số cán bộ giám sát phòng thi ở mỗi điểm thi; Trường ĐH, CĐ phối hợp cần cử ít nhất 20% cán bộ tham gia coi thi, còn lại là giáo viên do sở GD-ĐT điều động.
Về việc chấm thi, Trường ĐH chủ trì lập ban chấm thi, điều động giảng viên đủ năng lực. Cán bộ chấm thi là cán bộ các bộ môn cơ bản của trường ĐH, CĐ, giáo viên phổ thông. Số giáo viên chấm thi của Sở GD-ĐT không quá 50% tổng số cán bộ chấm thi, nhưng không quy định lấy cụ thể từ một sở.
Trước ngày 20/5 các sở GD-ĐT chuyển dữ liệu ĐKDT của thí sinh tham dự cụm thi ĐH. Các cụm trường ĐH chủ trì cụm thi sử dụng hệ thống phần mềm của bộ để đánh số báo danh.
Kinh phí tổ chức thi lấy từ hai nguồn: phí dự thi của thí sinh 35.000đ/môn thi/thí sinh ( để lại Bộ và sở 16.000đ) và kinh phí bổ sung của chính phủ 25.000đ/môn thi/thí sinh. Chi phí đi lại ăn ở của cán bộ điều động làm nhiệm vụ do ngân sách nhà nước cấp cho Bộ chi trả. Mức trả thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT khi trao đổi thống nhất với Bộ tài chính.
Tranh cãi gay gắt về chấm thi
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM phân vân cụm thi do Cục nhà trường tổ chức có được xét tuyển đại học không vì năm ngoái số thí sinh từ lực lượng vũ trang đi thi đa số không nghiêm túc.
Tại Trường ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM có tới 90% thí sinh của lực lượng này đi thi đều vi phạm. Về việc chấm thi, năm nay nên quy định giáo viên của địa phương không được chấm thí sinh của địa phương vì không công bằng.
Ông Trần Văn Nghĩa, phó Cục trưởng Cục khảo thí cho hay Bộ đã quy định số giáo viên chấm thi của Sở GD-ĐT không quá 50% tổng số cán bộ chấm thi, nhưng không quy định lấy cụ thể từ một sở nào vì vậy các trường có thể linh động lấy giáo viên từ các sở. Về việc chấm thi đã giao cho các trường vì vậy việc mời, điều động chấm thi là do các trường.
Hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên cũng lo lắng về việc chấm thi. khu vực có hai cụm thi do sở và trường chủ trì, giáo viên sẽ có sự phân tán không đồng đều. Một vấn đề quan ngại nữa là chất lượng giáo viên chấm thi, dù làm nghiêm túc nhưng cơ hội xảy ra sai sót là nhiều.
Trong khi đó lãnh đạo ĐH Tiền Giang cho hay văn bản của Bộ không rõ lắm về việc phân bổ kinh phí, tính toán tài chính, công tác phí. Về công tác chấm thi để có lượng giáo viên đồng đều sẽ không thể lấy đủ lực lượng chấm. Vì vậy quan trọng là cách chấm và kiểm soát chặt chẽ. Về việc thi môn tiếng Anh lãnh đạo trường này đề nghị nếu được nên cho thi toàn bộ trắc nghiệm, bỏ phần tự luận
Ông Trần Văn Nghĩa cho hay, Bộ đã giao cho các trường ĐH chủ trì cụm thi, các trường phải chịu trách nhiệm toàn bộ.
Lãnh đạo Trường ĐH Đà Nẵng cũng đề xuất nên bỏ phần tự luận môn thi môn ngoại ngữ. Trong trường hợp nếu có cả tự luận và trắc nghiệm nên tổ chức thi môn tiếng anh như kì thi tốt nghiệp năm trước tức thi tự luận xong cho học sinh nghỉ một ít thời gian rồi chuyển sang thi trắc nghiệm.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM cũng đề nghị không nên sử dụng giáo viên của địa phương chấm thí sinh của địa phương đó.
Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM, GS.TS Mai Hồng Quỳ, cho rằng nên có văn bản pháp lý minh bạch về trách nhiệm của các bên, không nên nói địa phương hỗ trợ vì đó là sự tự nguyện, nếu không tự nguyện thì các trường cũng không làm được gì.
Về việc chấm thi, GS Quỳ cho hay đã có thực tiễn chứng minh về việc "không công bằng. Vì vậy nên có cách thức để tạo sự công bằng".
“Sau khi thi xong, nên đưa tất cả các bài thi về rọc phách tại TP.HCM, sau đó tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên để đưa về địa phương chấm”- GS Quỳ đề xuất.
Ông Trần Văn Nghĩa khẳng định, kinh nghiệm năm ngoái cho thấy chấm thi cơ bản tốt, các tỉnh khó khăn có học sinh giỏi nhiều, lượng học sinh giỏi quốc gia đến từ các địa phương khó khăn chứ không phải là thành phố lớn.
Ngay lâp tức, phó hiệu trưởng ĐH Luật bộ sung “Địa phương chấm cho con em địa phương không nương tay mới lạ, nhiều giáo viên địa phương có suy nghĩ nương tay cho con em vào đại học.
Kết thúc cuộc họp Thứ trưởng Bùi Văn Ga đúc kết, về công tác chấm thi tùy tình hình các trường có thể mời giáo viên của nhiều sở, giáo viên phải đảm bảo chất lượng.
Về các công đoạn trong kì thi nhất quyết phải tuân theo quy định của bộ. Đây là thời gian đủ thời gian để các trường chuẩn bị và thí sinh suy nghĩ.
Về kinh phí chấm thi, Bộ đã có quy định chi phí nào bộ thanh toán, chi phí nào thí sinh đóng góp đã có quy định đầy đủ.
Về việc địa phương hỗ trợ, thứ trưởng Ga đề nghị sau buổi họp hôm nay các trường tiếp cận địa phương để được tạo điều kiện trong việc phối hợp, thuê phòng…
- Lê Huyền