- Những nghiên cứu của TS Dương Hồng Anh – Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững (ĐHQG Hà Nội) - và cộng sự đã đem lại những thông số thực tế của dư lượng các dược phẩm trong môi trường, thực phẩm như nước, nước thải, đất, cá tôm, thịt gia súc gia cầm…, cũng như ảnh hưởng của chúng đến môi trường và đời sống của con người.
Nhóm của chị Hồng Anh thực hiện nghiên cứu về dư lượng của nhóm kháng sinh floquinolon, trước tiên trong môi trường nước và bùn, khá sớm, từ những năm 2005. Chị Hồng Anh cho biết đây là nhóm kháng sinh thế hệ mới, cũng chỉ được sử dụng ở Việt Nam trước đó vài năm.
TS Dương Hồng Anh |
“Tại thời điểm đó, tất nhiên là chúng tôi có phát hiện thấy dư lượng của các hợp chất này trong nguồn thải điển hình nhất là nước thải bệnh viện (có xử lý hoặc không), và một số mẫu nước thải - bùn thải lấy tại các kênh thoát nước Hà Nội. Mức độ dư lượng được đánh giá tương đương như tại một số quốc gia khác”.
Cũng với nhóm chất này, nhóm thực hiện nghiên cứu tại khu vực nuôi tôm tại Nam Định. Mẫu nước lợ, bùn lấy tại đầm nuôi, kênh dẫn nước, rừng ngập mặn phía ngoài, cũng như tôm thành phẩm. Trong tôm không phát hiện thấy dư lượng floquinolon, còn trong một số mẫu bùn và nước có thấy xuất hiện các chất này nhưng ở nồng độ rất thấp và không có quy luật.
Dư lượng kháng sinh trong nước, bùn thải có thể gây nên biến đổi làm tăng tính kháng kháng sinh của vi khuẩn trong môi trường và lan truyền xa các vi khuẩn kháng thuốc… |
“Tất nhiên chúng tôi cũng hiểu rằng việc sử dụng có hay không, nhiều hay ít các kháng sinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là tùy vụ tôm, nếu có dịch bệnh lớn hay không” – chị Hồng Anh cho biết về kết quả nghiên cứu.
Từ 2008 tới 2010, nhóm tự thực hiện, cũng như kết hợp với một nhóm nghiên cứu Nhật Bản xác định dư lượng của nhiều nhóm kháng sinh như quinolon, sunfonamit, betalactam trong nước thải chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, nước hồ ao nuôi cá và tính kháng kháng sinh của vi khuẩn.
“Vì hầu hết đây không phải các loại thuốc cấm trong chăn nuôi nên ít nhiều chúng cũng để lại dư lượng trong môi trường nước xung quanh”.
Còn một đối tượng nghiên cứu khác của nhóm, mà trong mắt những “người bình thường” là kinh khủng, là dư lượng các thuốc kháng sinh trong môi trường nước thải bệnh viện.
“Trong bệnh viện, khi người bệnh sử dụng kháng sinh, một phần kháng sinh và các sản phẩm chuyển hóa sẽ được thải khỏi cơ thể chủ yếu qua nước tiểu, đi vào hệ thống nước thải bệnh viện” – chị Hồng Anh nói về là nguồn gốc của dư lượng dược phẩm trong nước thải bệnh viện.
Theo quy định, nước thải bệnh viện trước khi thải ra môi trường cần có xử lý và trong các công đoạn này có xử lý bằng vi sinh, nếu dư lượng kháng sinh rất cao chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới hoạt động của vi sinh tức là ảnh hưởng tới hiệu quả của quá trình xử lý. “Đây chính là điều đầu tiên mà các nhà công nghệ quan tâm”.
Áp lực và sự chia sẻ trên đường dài
Trong hóa học môi trường, nghiên cứu về các hợp chất hữu cơ thuộc diện “xài sang” vì cần có các công cụ hiện đại, kinh phí hóa chất tiêu hao cao, con người phải được đào tạo. Điều mà chị Hồng Anh cho là may mắn, đó là có cơ hội được hợp tác với các nhà khoa học quốc tế từ khá sớm, nên có điều kiện học tập và thực hiện những nghiên cứu đầu tiên có tính tiên phong về ô nhiễm hữu cơ trong môi trường ở Việt Nam.
“Sau đó, khi đã có những uy tín nhất định thì quan hệ khoa học quốc tế sẽ mở rộng và sẽ tìm được bạn mới, vấn đề nghiên cứu mới, nguồn tài trợ mới” – chị Hồng Anh cho biết.
Dẫn chứng là các công trình nghiên cứu của chị và cộng sự được trích dẫn với số lượng tương đối cao, nhất là trong thời gian 3 năm gần đây. Điều này khẳng định trước tiên là công trình có tính tiên phong tại Việt Nam, các số liệu đủ tính tin cậy, điều thứ hai chứng tỏ đối tượng nghiên cứu bắt đầu trở nên “hot” nên nhận được mối quan tâm của nhiều người.
Để có thể tiếp tục tiến bước lâu dài trên con đường khoa học cần nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết với công việc và duy trì sự cân bằng trong tâm hồn. |
Với chị Hồng Anh, đây là sự tự hào, vui mừng nhưng là áp lực cần phải tiến lên, tiếp cận vấn đề theo các hướng liên ngành mới hoặc hướng tới các đối tượng mới, không được tụt hậu, nhất là khi hỗ trợ quốc tế đã suy giảm, các nhà khoa học Việt Nam phải tự đứng trên đôi chân của mình.
“Tới hiện nay, tôi cũng bắt đầu đảm nhận phụ trách một nhánh trong nhóm nghiên cứu lớn của GS Phạm Hùng Việt, trách nhiệm, công việc, nỗi lo và tất nhiên cả niềm vui cũng tăng dần”.
Trước một câu hỏi “rất cũ” nhưng mọi người vẫn luôn muốn đặt ra cho một người phụ nữ thành công trong sự nghiệp – “Chị làm thế nào để có sự cân bằng giữa công việc và gia đình?”, chị Hồng Anh “tính toán”: “Là phụ nữ, trong công việc để nhận được thành công như nam giới thì đầu tư về thời gian và công sức thường cần ít ra là gấp rưỡi, ai cũng biết vậy. Với tôi, để tự đánh giá thì ít hơn một chút, chắc là gấp 1,2 lần thôi, vì tôi là người may mắn”. Sự may mắn này là “Khi chưa lập gia đình, bố mẹ tôi cũng là nhà giáo của khối chuyên trường tổng hợp luôn ủng hộ việc đi học, đi làm tại trường. Còn hiện nay, chồng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ công việc nhà và thông cảm với việc hàng ngày tôi ra khỏi nhà vào lúc hơn 8h sáng và trở về cũng gần giờ đó buổi tối”.
“Tôi cho rằng với cá nhân mình để có thể tiếp tục tiến bước lâu dài trên con đường khoa học thì ngoài những yếu tố thuận lợi bên ngoài, cần nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết, tôi không dám nói tới từ “đam mê” đâu nhé, với công việc và duy trì sự cân bằng trong tâm hồn” – chị chia sẻ về cách bước tiếp trên con đường dài phía trước.
Ngày 6/3, cùng với PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang (Trường ĐH Công nghệ), TS Dương Hồng Anh được ĐHQG Hà Nội vinh danh và trao thưởng cho 2 nữ cán bộ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. Được biết, năm 2014, ĐHQG Hà Nội công bố 265 bài báo trong hệ thống tạp chí quốc tế ISI, chiếm hơn 10% tổng số các bài báo của cả nước với số lần trích dẫn ngày càng tăng. Tính trung bình trong 10 năm gần đây, các công trình khoa học của ĐHQG Hà Nội đã được cộng đồng khoa học quốc tế trích dẫn gần 10 nghìn lần, chỉ số trích dẫn trung bình của mỗi bài báo là 6,3; chỉ số h-index bằng 38. Trong số các công trình trích dẫn cao, có công trình nghiên cứu của TS Dương Hồng Anh (số lần trích dẫn 88) và PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang (số lần trích dẫn 20). |
Ngân Anh