Ngày 26/2, Bộ GD-ĐT chính thức công bố quy chế kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2015 với nhiều thay đổi so với dự thảo trước đó.
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. (Ảnh: Văn Chung) |
3 môn bắt buộc, 1 môn tự chọn để xét tốt nghiệp
Kỳ thi THPT nhằm mục đích lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.
Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc sở GD-ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh dự thi 4 môn
bắt buộc và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét
tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.
Đăng ký môn thi ĐH-CĐ theo nguyện vọng
Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.
Ngày thi, lịch thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi của mỗi môn thi được
quy định trong hướng dẫn hằng năm của Bộ GDĐT. Nội dung thi nằm trong chương
trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Mỗi tỉnh đều có cụm thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp
Về cụm thi, Bộ GDĐT tổ chức cụm thi, gồm: cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GDĐT;
Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: tổ chức thi
tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GDĐT chủ trì, phối hợp với
trường ĐH.
Mỗi thí sinh chỉ có 1 số báo danh duy nhất
Thí sinh dự thi sẽ được lập danh sách theo thứ tự a, b, c,... của tên thí sinh theo từng môn thi để xếp phòng thi.
Mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất. Số báo danh của thí sinh gồm phần chữ
là mã số của Hội đồng thi và phần số có 06 chữ số được đánh tăng dần, liên tục
đến hết số thí sinh của Hội đồng thi, đảm bảo trong Hội đồng thi không có thí
sinh trùng số báo danh.
Hạn đăng ký dự thi trước 30/4
Thí sinh đăng ký tại trường THPT đang theo học, thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do sở GDĐT quy định
Hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi: trước ngày 30/4 hằng năm.
Khi hết
hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải
thông báo kịp thời cho Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi
đăng ký dự thi hoặc cho Hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa,
bổ sung. Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để
được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước
ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị.
Bài thi tự luận được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.
Bài thi trắc nghiệm được chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10 (lấy đến 0,25) cho từng bài thi trắc nghiệm.
Việc chấm kiểm tra sẽ thực ít nhất 5% số lượng bài thi đã chấm của mỗi môn thi
tự luận, theo tiến độ chấm thi môn đó. Chủ tịch Hội đồng thi quyết định việc tổ
chức đối thoại hay không đối thoại giữa những người chấm thi và chấm kiểm tra.
Thí sinh có bao nhiêu nguyện vọng tuyển sinh ĐH-CĐ?
Về giấy chứng nhận kết quả thi: Mỗi thí sinh được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi; trong đó, có 1 Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển sinh nguyện vọng I và 3 Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét nguyện vọng bổ sung.
Đăng kí xét tuyển nguyện vọng I: Thí sinh dùng bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng I để đăng ký. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được ĐKXT ở các đợt xét tuyển tiếp theo;
Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường khác.
Đăng kí xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Thí sinh dùng 3 bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung để đăng ký; Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ ĐKXT để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.
Trong đợt xét tuyển nguyện vọng I, thí sinh chỉ được dùng giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng I để đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của cùng một trường.
Nếu không trúng tuyển nguyện vọng I, thí sinh có quyền dùng ba giấy chứng nhận
kết quả thi còn lại để đăng kí xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Mỗi giấy chứng
nhận kết quả thi này có thể đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm
ngành) của một trường.
Trường ĐH-CĐ có thể miễn môn thi ngoại ngữ
Đối tượng miễn thi là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT; Có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ GDĐT. Thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thí sinh không sử dụng quyền được miễn thi môn Ngoại ngữ thì phải dự thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không được miễn thi.
Đáng chú ý là Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ có thể quyết định việc sử dụng hay không
sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
Bảo lưu điểm thi
Thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật huỷ kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thí sinh không sử dụng điểm bảo lưu thì phải thi tất cả các môn đã đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không có điểm bảo lưu.
Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định việc có sử dụng hay không sử dụng điểm bảo lưu trong kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
Điểm ưu tiên, khuyến khích để xét công nhận tốt nghiệp THPT của thí sinh nhiều nhất là 4.
Điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN): gồm điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; được tính theo công thức sau:
Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên,
tất cả các bài thi đều đạt trên 1,0 điểm và có ĐXTN từ 5,0 điểm trở lên được
công nhận tốt nghiệp THPT.
Khối thi nào cũng phải có môn Toán hoặc Ngữ văn
Đây là quy định đặt ra trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2015.
Theo đó, Bộ GD-ĐT cho phép các trường có thể bổ sung thêm các tổ hợp môn thi mới để xét tuyển, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển.
Các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo, không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành.
Các trường, ngành năng khiếu có thể sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hoá kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Học sinh lớp 12 và học sinh đã tốt nghiệp THPT năm trước thi khác nhau thế nào?
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ có ba đối tượng thí sinh tham gia dự thi:
1) Thí sinh sử dụng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào ĐH,
CĐ.
2) Thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào
ĐH, CĐ.
3) Thí sinh chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT.
Thí sinh thuộc đối tượng thứ nhất và thứ hai sẽ dự thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các cụm thi này phục vụ cho thí sinh ít nhất hai tỉnh.
Thí sinh thuộc đối tượng thứ ba sẽ thi tại trường THPT đang học hay cụm các trường THPT do sở GD-ĐT chủ trì với sự tham gia của các trường ĐH.
Những địa phương rất đặc thù ở những vùng đặc biệt khó khăn, Bộ GD-ĐT đã và sẽ làm việc với các Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tây Bắc và Tây Nguyên cùng với các địa phương trong vùng để bàn bạc thống nhất việc bố trí cụm thi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Với nhóm đối tượng thứ hai, để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước chỉ cần đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.
Riêng với đối tượng thứ nhất, để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh ngoài dự thi bốn môn để xét tốt nghiệp THPT như nhóm đối tượng thứ ba, sẽ phải đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.
Tổ chức tuyển sinh
Kết quả thi của thí sinh vào trường (hoặc nhóm trường) tổ chức tuyển sinh riêng bằng phương thức thi tuyển chỉ có giá trị xét tuyển vào trường (hoặc nhóm trường) đó, không có giá trị xét tuyển sang trường (hoặc nhóm trường) khác; đối với ngành năng khiếu, các trường có thể xét tuyển thí sinh đã dự thi vào ngành đó tại các trường khác và phải quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh của trường;
Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định.
Căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.
- Văn Chung