Lễ công bố quyết định thành lập và cấp phép hoạt động cho Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐHQG Hà Nội diễn ra ngày 11/11.

Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập cấp phép hoạt động cho Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐHQG Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm) vào ngày 4/11. Đây là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục đầu tiên trong cả nước.

{keywords}
Ký kết với các cơ sở giáo dục
Phạm vi hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của Trung tâm là các cơ sở giáo dục đại học, các trường trung cấp chuyên nghiệp, các chương trình đào tạo giáo dục đại học, các chương trình giáo dục trung cấp chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân trên phạm vi cả nước trừ các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý của ĐHQG Hà Nội.

Tính tới thời điểm này, ĐHQG Hà Nội đã đào tạo được đội ngũ đánh giá viên gồm 203 người, trong đó có 158 chuyên gia đã được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo kiểm định viên và 32 người được cấp thẻ Kiểm định viên.

Trong giai đoạn trước, Bộ GD-ĐT đã tiến hành đánh giá ngoài với 40 trường nhưng không công bố được kết quả. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nguyên nhân do đây là công việc mới được thực hiện ở Việt Nam, các tiêu chí đánh giá có sự thay đổi. Tại Lễ công bố quyết định ngày 11/11, ông Hiển cho rằng kết quả kiểm định của Trung tâm sẽ chỉ có ý nghĩa, có sức thuyết phục khi được nhân dân, xã hội, quốc tế thừa nhận. Kết quả đánh giá của Trung tâm sẽ làm cơ sở cho việc phân tầng đại học sau này.

Giám đốc ĐHQG Hà Nội, ông Phùng Xuân Nhạ, yêu cầu Trung tâm phải làm sao để các trường thấy việc kiểm định chất lượng như là nhu cầu tự thân của mỗi trường. “Nếu đặt vấn đề dùng chứng chỉ trung tâm cấp như một “bản án” sẽ không ổn” – ông Nhạ khẳng định.

Trong năm 2014, Trung tâm ký kết thỏa thuận với các cơ sở giáo dục như ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên và các cơ sở giáo dục khác để triển khai kiểm định chất lượng giáo dục cấp đơn vị và cấp chương trình đào tạo. Đến năm 2015, Trung tâm phấn đấu đánh giá kiểm định chất lượng cho 40 trường đại học.

Ngân Anh