- Sau hơn 1 năm chuẩn bị dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề và trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội XIII, nhưng hầu hết các đại biểu đều có ý kiến không đồng tình với tên gọi của Dự thảo Luật.
Sự không đồng tình tên gọi của dự thảo đã không phù hợp với Hiến pháp mới 2013, vì trong Hiến pháp đã không quy định dạy nghề làm một lĩnh vực tách riêng của hệ thống giáo dục đào tạo và mọi người đều ngầm hiểu rằng dạy nghề thuộc giáo dục nghề nghiệp.
Ảnh: Báo CA TP.HCM |
Nói theo Chủ tich QH Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp xin ý kiến của UBTV QH, thì việc lấy tên Dự thảo Luật sửa đổi như vậy là chưa thể hiện tư duy Hiến pháp mới.
Điều cũng đáng nói là năm 2006, khi chuẩn bị xây dựng Luật Dạy nghề đã có không ít nhà khoa học quản lý đề nghị sửa đổi tên Luật Dạy nghề thành Luật Giáo dục nghề nghiệp để phù hợp với Luật giáo dục 2005. Nhưng những người chịu trách nhiệm xây dựng Luật lúc đó cứ khăng khăng lấy tên là Luật Dạy nghề và Luật đó dường như là Luật của Bộ LĐTBXH được chính phủ phân công quản lý nhà nước về dạy nghề, còn anh trung cấp chuyên nghiệp (do Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước) vồn thuộc GD nghề nghiệp lại chịu điều chỉnh bởi Luật Giáo dục.
Gần đây nhất khi hội thảo về Dự thảo luật nói trên, GS. Nguyễn Minh Đường, Ủy viện Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực lại đề nghị nên đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp nhưng chủ tọa lại khăng khăng tên gọi Luật Dạy nghề sử dụng đã lâu, xã hội quen rồi và không đồng ý nghe theo khuyến cáo của nhà khoa học.
Lịch sử luật pháp trên thế giới không có và không bao giờ có Luật Dạy nghề mà chỉ có Luật Giáo dục nghề nghiệp (Thái lan, Trung Quốc...) hoặc đạo luật về Đào tạo nghề nghiệp (Đức, Hàn Quốc...). Bản thân cụm từ dạy nghề cho thấy nó không bao trùm lên triết lý của giáo dục và đào tạo nghề nghiệp với tư cách là một hệ thống con thuộc hệ thống GDĐT - gọi là dạy nghề luôn có nội hàm của việc truyền nghề, dạy nghề trong các làng nghề ở nền sản xuất tiểu nông.
Thế giới luôn dùng cụm thuật ngữ TVET viết tắt từ tiếng Anh (Technical and Vocational and Training – Giáo dục và đào tạo kỹ thuật và nghề nghiệp) hoặc cụm từ VET (viết tắt của Vocational Education and Training – Giáo dục và đào tạo nghề nghiêp). Một số người giải thích rằng, do lý do tế nhị về quản lý nhà nước của GD nghề nghiệp nếu tên dự thảo là Luật đào tạo nghề thì sợ lại lẫn với chức năng đào tạo của Bộ GD-ĐT?!
Mọi người đều biết cái áo chẳng làm nên thầy tu, nhưng cái tên gọi của Dự thảo Luật lại thể hiện cái tầm và cái tâm của những nhà làm luật.
Chính vì quá nhấn mạnh đến dạy nghề để đầu tư từ ngân sách nhà nước mà nhiều trường THCN, cao đẳng (không nghề) do Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước hầu như chưa bao giờ có các chương trình mục tiêu để đầu tư phát triển. Điều đó đã hình thành nên sự bất bình đẳng ngay trong lòng hệ thống GD-ĐT trong việc hưởng lợi từ đồng tiền thuế của dân giữa một bên là các trường dạy nghề một bên là các trường TCCN, CĐ vốn có quy mô HSSV đông gấp nhiều lần so với quy mô các trường dạy nghề.
Để việc sửa đổi Luật Dạy nghề lần này thành luật giáo dục nghề nghiệp có chất lượng, thiết nghĩ cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI, các Chỉ thị của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, Nghị quyết số 29 của Hội nghị TƯ lần thứ 8 về Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, Hiến pháp 2013.
Đồng thời, khắc phục được những yếu kém của công tác GD nghề nghiệp hiện nay trên 3 bình diện: Bình đẳng cơ hội tiếp cận đến GD nghề nghiệp, Chất lượng và Hiệu quả và phù hợp với xu hướng cải cách GD nghề nghiệp trên thế giới.
Cơ chế nào để doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề?
Với tư cách là một cử tri, mấy vấn đề sau đây khi bàn về Luật Giáo dục nghề nghiệp cần được đặt ra và suy nghĩ nghiêm túc: Liệu sau khi luật mới có hiệu lực thì cơ cấu hệ thống GD nghề nghiệp sẽ được định hình thế nào, có phát triển ổn định và hiệu quả cao đáp ứng nhu cầu kinh tế-xã hội của các địa phương và của cả nước hay không?
Sau khi luật có hiệu lực liệu các cơ sở GD nghề nghiệp có tăng sức hấp dẫn với thanh niên, những người lao động và những nhà sử dụng lao động? Để các cơ sở đào tạo nghề không còn cảnh đìu hiu trong tuyển sinh như hiện nay? và lời giải bài toán phân luồng, khơi luồng trong hệ thống GDĐT có thể trở thành hiện thực?
Việc thống nhất tên gọi các trình độ đào tạo theo tinh thần của NQ29, thì có thể thống nhất các trình độ trung cấp nghề với TCCN, cao đẳng nghề và cao đẳng thành cao đẳng nghề nghiệp hay không? (hay vẫn để cao đẳng tách khỏi Luật Giáo dục nghề nghiệp).
Có lẽ chỉ có thể thống nhất tên gọi các trình độ mới có thể tái cơ cấu GD nghề nghiệp và quy hoạch tốt mạng lưới cơ sở GD nghề nghiệp ở các địa phương để đáp ứng các trình độ nhân lực mà thị trường lao động có nhu cầu theo quy luật của kinh tế thị trường và nhu cầu hội nhập khi đến 2015 cộng đồng ASEAN được hình thành.
Luật Giáo dục nghề nghiệp một khi có hiệu lực liệu có xóa bỏ (hoặc hạn chế tối đa) tư duy bao cấp trông ngóng nhiều vào nguồn ngân sách hạn hẹp của quốc gia hay không? Cơ chế nào để huy động doanh nghiệp, xã hội tham gia tích cực vào hoạt động đào tạo nghề?
Vấn đề cốt lõi cuối cùng là Luật có hiệu lực thì người dân có cải thiện được kỹ năng nghề nghiệp, cải thiện được cơ hội việc làm và thu nhập, đồng thời luật đó có góp phần làm cho hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học phát triển một cách hài hòa, ổn định và bền vững trong điều kiện cả nước phải thắt lưng buộc bụng cho các mục tiêu phát triển.
Xây dựng chính sách pháp luật, điều cần thiết phải đi từ nghiên cứu khách quan, tôn trọng các quy luật và hết sức tránh tư duy áp đặt, duy ý chí, mang nặng màu sắc hành chính quan liêu, cần lắng nghe chân thành ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân (ĐBQH). Có như vậy, mới tránh cho được luật vừa ban hành và có hiệu lực nhưng chưa dùng đã cũ lại mang ra sửa.
Lê Hà (Hà Nội)