Kết quả PISA được công bố mới đây rồi sẽ được đem ra tranh luận và trích dẫn trong 3 năm tới. Đã nhiều năm nay, các tờ báo lớn của Anh, Mỹ đều quan tâm tới chỉ số giáo dục này. Ngay sau khi kết quả năm 2012 được công bố, phóng viên giáo dục Sean Coughlan của tờ báo BBC (Anh) đã nêu một số vấn đề đáng lưu tâm.

{keywords}
Singapore là một trong số quốc gia có thành tích cao trong bảng xếp hạng PISA

Chúng ta thấy được gì về các nền giáo dục trên thế giới từ những bài kiểm tra Toán, Đọc hiểu và Khoa học ở những đứa trẻ 15 tuổi này?

Các bài viết mê mải bình luận về sự tăng lên, giảm xuống trong bảng xếp hạng. Tuy vậy, cũng có những phát hiện toàn diện từ kho dữ liệu khổng lồ này. Ví dụ như, hành vi của các em trong lớp học bây giờ khá hơn cách đây 3 năm.

Ở các quốc gia giàu có hơn, ngân sách chi cho giáo dục dường như không có bất cứ liên quan gì tới kết quả học tập.

Tuy nhiên cũng có những bài học đặc biệt khác.

Thành công của Đông Á không phải là do ‘văn hóa’

Câu chuyện thành công vốn là thành tích vẻ vang của hệ thống giáo dục châu Á. Tuy nhiên, ông Andreas Schleicher – người phụ trách các bài kiểm tra PISA cho rằng kết quả này thách thức bất kỳ định kiến nào về việc có một số nơi vốn có sẵn “văn hóa” giáo dục.

Thượng Hải và Việt Nam đã tốt hơn nhiều cách đây 3 năm, nhưng “văn hóa” của họ không hề thay đổi – ông nói.

Sự tiến bộ này cho thấy họ đã đưa ra những chính sách có chủ ý nhằm đảm bảo một tỷ lệ học sinh thành công cao hơn. Điều này cũng đúng với những khu vực khác của thế giới. Ba Lan đã trở thành một trong những quốc gia xuất sắc nhất châu Âu. OECD cho rằng điều này phản ánh những chính sách giáo dục luôn linh động và không liên quan đến các yếu tố văn hóa của nước này. Điều đó đồng nghĩa với việc các quốc gia khác cũng có thể theo gương họ.

Kết quả cao hay những đứa trẻ hạnh phúc?

Thành công bằng bất cứ giá nào có phải là điều hay ho không? Hàn Quốc có thể nằm trong tốp đầu về thành tích, nhưng lại nằm ở tốp cuối về mức độ hạnh phúc của học sinh ở trường học. Học bài liên tục hàng giờ, áp lực thi cử, học thêm liên miên có thể mang lại kết quả cao. Nhưng đó có phải là một nền giáo dục mà chúng ta nên theo đuổi?


{keywords}
Các kỳ thi đặt ra một câu hỏi lớn về sự cân bằng giữa hạnh phúc và thành công

Ngược lại, Peru, Albania và Indonesia – những quốc gia có thành tích thấp nhất – lại có tỷ lệ học sinh thích đến trường cao nhất.

Nghiên cứu PISA cũng chỉ ra rằng không có bất cứ mối liên hệ rõ ràng nào giữa sự lựa chọn của cha mẹ và những tiêu chuẩn tốt hơn. Tuy nhiên, phụ huynh liệu có chấp nhận một hệ thống giáo dục tập trung và kiểm soát hơn để nâng cao kết quả hay không?

Tôi mong chờ những bài kiểm tra về mối quan hệ giữa việc nhồi nhét kiến thức, sự sáng tạo, sự lựa chọn và hạnh phúc.

Khảo sát theo khu vực thu kết quả cao hơn?

Năm nay, kết quả kiểm tra cho thấy có nhiều khu vực, tỉnh, thành phố tham gia hơn là toàn bộ quốc gia, đặc biệt là những tỉnh thành lớn của Trung Quốc. Và kết quả của những khu vực đó thường phản ánh trái ngược với hình ảnh quốc gia.

Ví dụ, hệ thống giáo dục Mỹ luôn được xem là tuyệt vời, nhưng nếu chỉ khảo sát ở một bang hoặc một khu vực nào đó thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Massachusetts là một trong những bang có thành tích tốt nhất, nhưng xứ Wales thì lại kém xa so với những khu vực khác của Vương quốc Anh.

Điều đó có nghĩa là giữa các khu vực trong cùng một quốc gia sẽ có sự khác biệt tương đối lớn, thậm chí còn lớn hơn sự khác biệt giữa các quốc gia với nhau.

Những người mới nghèo đói đánh bật cường quốc

Hệ thống giáo dục có sự gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế và tham vọng của người dân quốc gia đó. Những ngôi sao mới nổi thường đến từ châu Á, Nam Mỹ và Đông Âu. Việt Nam, Brazil và Ba Lan là những quốc gia nhận được nhiều lời khen về sự tiến bộ, tiếp bước những anh tài kỳ cựu khác như Singapore, Hàn Quốc.

Các quốc gia vùng Baltic như Estonia hiện đang có xu hướng vươn lên tốp đầu nhiều hơn là các quốc gia Tây Âu.

Dễ nhận thấy các cường quốc của thế kỷ 20 vắng bóng trong tốp đầu bảng xếp hạng. Anh, Pháp, Nga, Mỹ - tất cả hệ thống giáo dục khác biệt này đều cho thấy không có dấu hiệu chung của sự hồi sinh.

{keywords}
Các cường quốc phương Tây tụt hạng bất chấp sự đầu tư lớn cho giáo dục

Giáo dục hướng nội trong thế giới toàn cầu

Nền kinh tế, nhà tuyển dụng, công nghệ kỹ thuật số và truyền thông đang hoạt động trên toàn cầu, vượt qua cả biên giới quốc gia. Thế nhưng, giáo dục vẫn cương quyết hướng nội. Hệ thống giáo dục quốc gia chỉ được đo lường bởi những kỳ thi cấp quốc gia. Và PISA đã “ném ra” một thách thức về độ tin cậy của những kỳ thi này.

Điều gì sẽ xảy ra nếu kết quả thi cử quốc gia đi lên trong khi kết quả kiểm tra quốc tế lại đi xuống hoặc không hề có tiến bộ. Làm sao chúng ta có thể tin tưởng vào tính chính xác của một quy trình kiểm tra dựa trên bảng mẫu như PISA? Chúng ta cần nhiều bài kiểm tra quy mô quốc tế hơn cho các bài kiểm tra quy mô quốc gia.

“Hãy cứ để cho người khác đạt điểm cao hơn. Tôi thích đặt cược vào sự sáng tạo, tinh thần dám làm của người Mỹ, đặt cược vào tính cách, sự kiên trì, tham vọng, sự chăm chỉ và những ước mơ lớn của người Mỹ. Những thứ này chưa từng được kiểm định hay đo lường được bởi những bài kiểm tra tiêu chuẩn như PISA”.

Bà Diane Ravitch – chuyên gia phân tích chính sách giáo dục kiêm giáo sư nghiên cứu về văn hóa, giáo dục và phát triển con người tại ĐH New York. Bà từng là trợ lý Bộ trưởng Giáo dục Mỹ.

  • Nguyễn Thảo (dịch)