Điều đáng nói không phải chỉ là chuyện niềm vui ngày khai giảng của học sinh bị ông trời làm hỏng, mà vấn đề là ở sự máy móc khuôn mẫu trong việc tổ chức lễ khai giảng đã diễn ra nhiều năm

{keywords}
Ảnh: Lê Huyền

Trời mưa liên tục suốt cả ngày khiến cho rất nhiều trường ở Hà Nội bị động, lúng túng trong việc đảm bảo một lễ khai giảng trang nghiêm và ấm cúng tình thầy trò, tạo đà khởi động tốt đẹp cho năm học mới.

Thôi thì, vì thời tiết mà nhiều trường phải linh hoạt, “tùy cơ ứng biến” để lễ khai giảng diễn ra đúng như kế hoạch. Chỉ thương cho học trò các lớp đầu cấp, như học sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10, xúng xính đồng phục mới, áo dài, cờ hoa đầy đủ…. nhưng lại chẳng được đón tiếp trang trọng như mấy hôm “tập khai giảng”….

Tuy nhiên, điều đáng nói không phải chỉ là chuyện niềm vui ngày khai giảng của học sinh bị ông trời làm hỏng, mà vấn đề là ở sự máy móc khuôn mẫu trong việc tổ chức lễ khai giảng đã diễn ra nhiều năm nay.

Khoảng chục năm trở lại đây, cụm từ “tập khai giảng” đã trở nên quen thuộc với mọi nhà trường, mọi phụ huynh và tất cả học sinh.

Giữa những ngày tháng tám âm lịch nắng còn chang chang, học sinh vẫn phải phơi mình ngoài sân tập đi, tập chào, tập hô, tập vẫy….

Đội văn nghệ thì nghỉ hàng bao nhiêu tiết học để tập hát, đội nghi lễ cũng nghỉ hàng bao nhiêu tiết học để đánh trống, vác cờ…

Em nào có tinh thần học tập cao không muốn bỏ tiết học mà mình yêu thích có trốn ở lại lớp để học thế nào cũng bị đe là mời phụ huynh, hạ hạnh kiểm vì “ý thức kỉ luật kém”!

Và thế rồi, sự mệt mỏi của bao nhiêu thứ “tập” đã trở nên quá nhàm chán chỉ để đem ra dùng cho khoảng 20 phút thủ tục ngày khai giảng có đại biểu cấp trên về dự.

Học sinh không còn hào hứng nữa. Mà hào hứng làm sao được khi chẳng cần nghe và nhìn cũng biết tỏng đầu tiên là lễ chào cờ, rồi đến phút truyền thống, rồi vỗ tay đón đại biểu, rồi đọc thư Chủ tịch nước, rồi diễn văn chào mừng năm học mới, rồi tiếng trống khai trường, rồi phát động thi đua, và sau rốt là chương trình văn nghệ.

Máy móc, xơ cứng như thế, mà năm nào cũng như năm nào, trường nào cũng như trường nào, ra sức “tập khai giảng”, rồi cố gắng để làm lễ khai giảng cho hoành tráng.

Học sinh mặt chảy thượt ra vì mệt, vì nắng (thỉnh thoảng mới có khai giảng bị mưa như năm nay), vì không khí tẻ ngắt toàn đọc giấy là đọc giấy mà vẫn phải cố hô to “nhiệt liệt” hoặc “sẵn sàng”. Phụ huynh thì bực bội vì mất thời gian chờ đón con, vì lỡ việc. Các thầy cô giáo cũng chẳng vui.

Tất cả chỉ là để làm hài lòng đại biểu cấp trên về dự trong ít phút chẳng kịp thưởng thức chương trình văn nghệ mà học trò mất bao ngày luyện tập! Đại biểu đi lẹ vào phòng rồi kín đáo ra về, còn học sinh và giáo viên cứ phải cố làm xong lễ khai giảng cho đúng thủ tục.

Mà đại biểu là ai? Và họ có hài lòng không? Chẳng ai biết! Có lẽ họ cũng đi dự lễ khai giảng cho đủ thủ tục. Giả sử có ai đó trong số họ không hài lòng thì người đó có đề nghị nhà trường làm khai giảng lại không? Chắc là không! Vậy thì các nhà trường đang cố để làm cái việc học sinh không thích, giáo viên không vui, phụ huynh bị phiền để làm gì?

Tại sao “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường” lại mất đi cái ý nghĩa hội vui vẻ chỉ vì những thủ tục cứng nhắc như vậy?

Tại sao đáng lẽ lễ khai giảng là để học sinh và giáo viên hào hứng, hăng say, tưng bừng bước vào năm học mới một cách đầy khí thế thì bây giờ biến dạng đi với bao nhiêu nghi lễ nhiêu khê nặng nề như thế này? Tại sao trẻ em không phải là nhân vật trung tâm trong lễ khai giảng năm học mới của chính mình mà cứ phải gò bó mệt mỏi trong sự công thức, khuôn mẫu chẳng biết do ai, do cái gì bày ra mà cứ phải tuân theo bấy lâu nay?

Không cần nói thêm chắc ai cũng hiểu rõ bệnh hình thức, xơ cứng, khuôn mẫu đã ăn sâu trong nếp nghĩ của mọi bộ phận trong ngành giáo dục. Không dám sáng tạo, đột phá ngay từ việc tổ chức lễ khai giảng sao cho mới mẻ, hấp dẫn, ấn tượng thì càng không có sáng tạo gì hơn trong dạy và học. Và hậu quả là toàn xã hội gánh chịu! Than ôi, ước gì bây giờ có phép thần để trẻ con có tuổi thơ, tuổi học trò vui vẻ ý nghĩa như thế hệ ngày xưa!

  • Bạn đọc Ngọc Châm