- “Heo vàng” (2007) vào lớp 1 năm học 2013-2014 tăng đột biến. Dù ngành giáo dục Hà Nội đã phân luồng, nhưng đã có trường phải mở thêm cơ sở mới, cơi nới phòng học, hi sinh phòng hội đồng của giáo viên…để đón học sinh.


{keywords}

Ảnh Văn Chung

Phân luồng để giảm sức nóng

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2013-2014 dự kiến số học sinh vào lớp 1 là 125.000 cháu, tăng 11.000 cháu so với năm 2012 (114.000 cháu).

Để giảm áp lực cho các trường ngành GD-ĐT thủ đô đưa ra trong thời điểm hiện tại là phân luồng tuyển sinh ở một số khu vực. Trẻ sẽ được điều chuyển nhập học vào một số trường khác thuộc các địa bàn lân cận để “gánh” thêm sĩ số cho các trường đông.

Ở quận Thanh Xuân, một số trường như Tiểu học Đặng Trần Côn B, phường Thanh Xuân Nam sẽ tuyển sinh thêm một số học sinh của phường Hạ Đình; xã Tân Triều…; Tiểu học Nguyễn Trãi tuyển HS thuộc phường Khương Mai.

Tương tự, tại quận Đống Đa, để giảm sức nóng cho Trường Tiểu học Nam Thành Công (phường Láng Hạ) có 2 khu dân cư sẽ được điều chuyển nhập học tại Trường Tiểu học Thái Thịnh (phường Thịnh Quang).

Trường Tiểu học Quang Trung cũng được giảm “nhiệt” bằng phương án cho học sinh ở 15 tổ chuyển sang nhập học tại Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, Trường Tiểu học Khương Thượng và Trường Tiểu học Tam Khương. Trên 20 tổ của phường Trung Tự cũng phải chuyển học sinh sang học tại Trường Tiểu học Khương Thượng để giảm tải cho Trường Tiểu học Trung Tự.

Tại quận Cầu Giấy, một số trường tiểu học cũng phải phân tuyến học sinh sang học các phường lân cận Yên Hòa, Trung Hòa, Mai Dịch...

Tận dụng sảnh chờ xây phòng học

Bên cạnh phương án phân luồng, nhiều nhà trường do số lượng trẻ vào lớp 1 quá đông đã có những cách xoay xở riêng.

Hiệu trưởng Trường TH Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) Nguyễn Thanh Thủy cho biết: Năm học 2013-2014 trường có 8 lớp 1, tăng hơn 1 lớp so với năm học trước (gần 60 cháu).

Trường được phê duyệt để tuyển thêm 1 giáo viên đảm nhiệm việc dạy cho trẻ khối lớp 1. Do diện tích hẹp, phương án của Trường Tiểu học Cát Linh là ngăn 50m2 sảnh chờ của học sinh để xây thành phòng học cho trẻ. Đến nay, phòng học vẫn đang được gấp rút hoàn thiện để kịp đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng 5/9.

Hiệu trưởng Trường TH Khương Thượng (quận Đống Đa) Nguyễn Thị Xuân Lan cho biết: “Với việc tăng chỉ tiêu tuyển thêm gần 20 trẻ so với năm 2012, trường được tuyển 6 lớp với 270 trẻ dù khối lớp 5 chuẩn bị ra trường chỉ có 5 lớp.

Theo quy định cứ bao nhiêu lớp 5 ra thì bấy nhiêu lớp 1 được tuyển vào. Trường cũng được phép ngăn 100m2 nhà ăn để biến thành lớp học nhằm giảm sĩ số mỗi lớp xuống còn 55 HS”.

Tương tự, Hiệu trưởng Trường TH Phương Liệt (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết: Năm học 2013-2014 trường tuyển 300 trẻ vào lớp 1. Với 5 lớp, sĩ số mỗi lớp là 60 em. Phương án “chữa cháy” của trường là chuyển phòng thể chất và “hy sinh” phòng hội đồng của giáo viên để chuyển thành phòng học cho học sinh. Nhờ vậy, dù số trẻ tăng đột biến nhưng trường vẫn sẽ tiếp nhận hết 100% trẻ có hộ khẩu ở phường Phương Liệt.

Thêm từ 1-2 lớp

Hiệu trưởng Trường TH Nhân Chính (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết năm nay số trẻ vào lớp 1 của trường tăng gần 50 cháu (1 lớp). Phương án của trường cũng là chuyển 50m2 phòng chức năng thành phòng học chính.

Dù ở ngoại thành nhưng Hiệu trưởng Trường TH Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, Hà Nội) Nguyễn Thị Bích Hằng cho biết: Số học sinh lớp 1 vào trường năm nay tăng hơn 100 em (2 lớp) so với năm học trước. Hiện trường có 8 lớp 1 với 513 em.

Trong khi chờ đợi phương án xây thêm phòng học mới, giải pháp của nhà trường là đưa trẻ vào học tại phòng học cũ trước dùng làm các phòng để đồ dùng học tập, phòng đọc sách.

Suốt một tuần nay trường đã thuê người đến sơn sửa các phòng này. Trường cũng xin hỗ trợ được 100 bộ bàn ghế mới thay cho số bàn ghế cũ, không đạt chuẩn được trang bị trước đó. Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ngạc B (huyện Từ Liêm) Nguyễn Thị Thu cho biết: Năm nay trường có 7 lớp 1 nhưng số học sinh/lớp chưa đến 50 do trường vừa nhận bàn giao cơ sở mới rộng gần 5000m2.

Với sĩ số học sinh trên lớp dưới 50 em ở Hà Nội năm học này được xem là "của hiếm"?

  • Văn Chung