- Số đông độc giả nhìn nhận quy định “cộng 2 điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng thi ĐH” của Bộ GD-ĐT còn thiếu thực tế. Thậm chí không ít ý kiến nặng lời cho rằng đây là văn bản soạn thảo từ những người còn trẻ tuổi chỉ quen ngồi phòng máy lạnh.

{keywords}
Thí sinh thi đại học. Ảnh: Văn Chung

Bạn đọc Đỗ Thị Tâm cho rằng quy định không thực tế. “Người làm chính sách hình như không có một chút “kinh nghiệm thực tế nào. Hình như họ còn quá trẻ và chỉ quen với 5 cái lạnh: ăn phòng lạnh, ngủ phòng lạnh, đi xe lạnh, làm việc phòng lạnh, hát karaoke phòng lạnh. Chẳng biết thực tế là gì, chỉ lý thuyết suông'.

Bạn đọc Trần Hoàng Lê đặt câu hỏi "Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 được cộng thêm 2 điểm, một quyết định nghe rất mang tính nhân văn. Vậy xin hỏi Bộ GD-ĐT đối với các cụ hoạt động cách mạng trước năm 1930 thì Bộ sẽ cho thêm bao nhiêu điểm?"

Ý kiến từ độc giả Nguyễn An lập luận, những người tham mưu và ra quyết định ban hành Thông tư 24 đúng là những người đang lơ lửng ở trên trời để làm chính sách. Một chính sách phi thực tế của những người thiếu kiến thức và quan liêu. Nhà nước, người dân còn phải chịu những lãng phí do những con người này tạo ra đến bao giờ nữa đây?

Bàng quan hơn khi độc giả Nguyễn Thế Long nêu thực tế và so sánh: "Lâu lâu, người ta vẫn thấy những quy định, quy chế... từ trên trời rơi xuống! Họ chỉ quen với bốn bức tường (không phải của phòng giam đâu nhé) có máy lạnh và người phục vụ, rồi nghĩ ra quy chế, cơ chế, chế độ chính sách… và bắt "thảo dân" kéo cày đi theo thực hiện".

"Các mẹ Việt Nam anh hùng đều là có con liệt sĩ. Vậy chí ít, khi được phong danh hiệu cao quý này các mẹ đã gần 50 tuổi rồi, còn mấy ai đi học ĐH?" - độc giả Phạm Đức Vinh đặt vấn đề. Bộ nên làm những việc cần làm và ý nghĩa hơn, thực tế hơn cho các mẹ nhờ. Sáng tạo trên giấy như vậy thì dân nhờ gì?

Bộ nên làm việc ý nghĩa hơn

Đồng quan điểm, độc giả Lê Hoài Nam cho rằng, danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng dành cho các bà mẹ là tất cả những gì bà mẹ đã đóng góp cho đất nước, nhưng thử hỏi có bà mẹ nào đi thi ĐH nữa. Bộ GD-ĐT nên nghĩ ra cách làm nào cho hiệu quả thiết thực hơn là cộng hai điểm nếu đi thi ĐH.

Theo độc giả Nam, bộ nên đầu tư thời gian để cải tiến sách giáo khoa, chương trình học của bậc tiểu học giảm gánh nặng cho học sinh sẽ ý nghĩa hơn.

Độc giả Việt Hoàng ra "đầu bài": Bộ GD-ĐT thử thống kể trong 10 năm lại đây có bà mẹ Việt Nam anh hùng nào đi thi ĐH không. Nghị định của một Bộ mà quan liêu quá mức. Nay vin vào quy định của Chính phủ để giải thích thực ra là chữa cháy mà thôi!”

Độc giả Vũ Huy cho rằng, trả lời của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga là chưa đủ. Thứ trưởng trả lời về bà mẹ Việt Nam anh hùng nhưng chưa trả lời về 2 nhóm đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945....

Ở góc độc khác bạn đọc Nguyễn Bình Giang phân tích, hiện nay và về sau, đất nước vẫn có những liệt sĩ, là những người lính hy sinh khi làm nhiệm vụ, như hy sinh khi đi cứu hộ đồng bào ở vùng bị lũ lụt, hay thiên tai. Nếu liệt sĩ là con một thì người mẹ sẽ được phong là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Người liệt sĩ đó, nếu là lính nghĩa vụ, ở độ tuổi trên dưới 20, có thể có người mẹ ở tuổi trên dưới 40. Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở độ tuổi trên dưới 40 thi ĐH đâu có gì là chuyện lạ. Nói gở, nếu đất nước có chiến tranh, sẽ có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng ở độ tuổi trên dưới 40.”

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)