- Ngõ cách cổng sau Ga Hà Nội vài chục mét là nơi gần chục người đàn ông từ khắp nơi về đây kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm, buôn phế liệu. Học thức ít nhưng họ cư xử với nhau như người nhà. Mùa thi đại học tới gần, những người đàn ông ấy lại tiếp tục nhen nhóm khát khao cuộc sống tốt đẹp hơn cho những đứa con của mình.
Đầu ngõ 62 phố Trần Quý Cáp (Hà Nội) là nơi gần chục người đàn ông làm nghề chạy xe ôm, buôn phế liệu kiếm sống. (Ảnh: Văn Chung) |
Đầu ngõ 62 phố Trần Quý Cáp, lúc nào cũng vang lên tiếng cười nói vui vẻ của gần chục người đàn ông làm nghề chạy xe ôm, buôn phế liệu. Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau: vùng Ứng Hòa, Hà Đông, Từ Liêm của Hà Nội, Thanh Liêm (Hà Nam), Nam Định,…
Người ít tuổi nhất cũng gần 40. Người nhiều tuổi nhất đã hơn 60. Ai “thâm niên” ít thì vài năm, người lâu đã gần 3 thập kỉ…đứng đường.Cũng bởi có thời gian gắn bó với nhau lâu nên mọi người khá vui vẻ, không có chuyện tranh giành khách. Khách của họ đa phần là “khách ruột”. Những người chạy nhiều thậm chí san sẻ cho cánh ít việc để...cả nhà cùng vui.
Sáng 3h30, họ dậy ra đứng đợi khách đi tàu đêm về rồi cứ thế làm đến 22h đêm mới về phòng trọ ngủ.
Hi sinh vì con
Sau gần 20 năm làm thuê cho một chủ lò bánh mỳ ở đầu ngõ 62, chú Hồng (quê Ứng Hòa, Hà Nội) chuyển sang chạy xe ôm vì quán kia đóng cửa. Những ngày đầu chập chững vào nghề, chú nhớ mãi chuyện bị một thanh niên lừa đi từ ga Giáp Bát về Yên Thế (Bắc Giang). Nhờ chùm khóa xe dự phòng và chút nhanh nhạy cho mới thoát khỏi băng cướp giật đã “dàn trận” nhằm giết người cướp xe máy trong đêm tối nhập nhoạng.
Phút trò chuyện vui vẻ của hai ông bố có con chuẩn bị thi ĐH: bên trái là chú Huỳnh Minh Tuấn, bên phải là chú Đàm Văn Thanh. (Ảnh: Văn Chung) |
Hơn 10 năm trong nghề và qua anh em trong ngõ chia sẻ kinh nghiêm, giờ chỉ cần nhìn thoáng qua khách là chú biết ai mình chở được, ai nên tránh. Chú tránh những cuốc đi xa, chủ yếu chạy trong nội thành để tránh nguy hiểm.
Đời mình quá đỗi vất vả nên chú càng mong con học tốt để sau ra trường có công việc tốt. Con học tốt khối B nên gia đình chú định hướng con thi vào HV Y học cổ truyền và CĐ Y dược HN. “Bây giờ SV ra trường thất nghiệp nhiều. Chú hi vọng thằng Hùng (Đặng Ngọc Hùng, con trai chú – PV) với nghề y trong tay sẽ biết cách xoay xở để sau có việc làm tốt”.
Trong niềm hi vọng, người cha không giấu khỏi lo lắng: “Thực thì cháu đỗ ĐH mình lại lo không có tiền cho con theo học. Một tháng mình chạy xe ôm cố gắng chắt bóp may ra còn lại hơn 2 triệu. Sinh hoạt ở HN đắt đỏ, không biết sau sẽ xoay xở sao. Nhà chú còn 1 con gái đang học lớp 10”.
Dù ít học, nhưng nhưng ông bố như chú Huỳnh Minh Tuấn đều chung khát khao con học hành tử tế, thi đỗ ĐH. (Ảnh: Văn Chung) |
Để con có thời gian học, sang lớp 12 vợ chồng chú gần như không để con phải lo chuyện đồng áng giúp bố mẹ. Con xin đi học thêm vài buổi/tuần, mỗi buổi15.000 đồng – 20.000 đồng, cô chú cũng cố gắng hạn chế chi tiêu để dành tiền lo cho con ăn học.
Những ông bố ở đây đa phần là người ít học. Nhưng họ cùng chung khát khao con học hành tử tế, thi đỗ ĐH.
Họ ở trọ thuê trong căn phòng vài chục người chen chúc nhau với bữa cơm đạm bạc chỉ toàn rau với chút thịt thái mỏng, tằn tiện từng đồng gửi về cho vợ lo ăn học cho con.
Hạnh phúc của những người cha
Và đâu đó, trên gương mặt khắc khổ của những ông bố ở đây đã ánh lên nụ cười rạng rỡ vì con.
Chú Tình, nhà ở Hà Đông tuổi gần 60 đã có 1 con gái tốt nghiệp sư phạm ra làm GV dạy tiếng Đức với thu nhập khá. Con trai chú vừa tốt nghiệp lớp 12, khá tự tin khi chuẩn bị thi vào Trường ĐH Bách Khoa HN.
Chú Đàm Văn Thanh cười tươi khi tâm sự về các con mình. (Ảnh: Văn Chung) |
Chú Văn, quê ở Thanh Liêm (Hà Nam) cũng có một con trai vừa đỗ vào Trường Trung cấp An ninh ở Hà Nội.
Chú Đàm Văn Thanh, 63 tuổi ở Từ Liêm (Hà Nội) làm nghề buôn phế liệu ở đầu ngõ này có lẽ là người cha hạnh phúc nhất ở đây. Chú có 3 người con: con gái đầu lòng đã tốt nghiệp Trường ĐH Công nghiệp HN và có việc ổn định ở ngành kế toán, con gái thứ hai tốt nghiệp Trường ĐH Y HN giờ làm GV 1 trường trung cấp dược ở HN. Con trai út của chú cũng chuẩn bị thi vào Trường ĐH Công nghiệp HN và CĐ Y Hà Nội.
Chú Huỳnh Minh Tuấn, quê ở Thanh Liêm, Hà Nam tâm sự: “Mình quê gốc trong Nam, lấy vợ ở Hà Nam rồi về ở rể. Cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng chỉ hơn sào ruộng và đàn gà, vịt chẳng đủ nuổi hai con ăn học.
Từ năm 1982 mình làm nghề gánh đồ thuê ở ga Giáp Bát. Đến những năm 1995 chuyện bốc vác được thay thế bằng xe lôi, xe kéo. Hết việc mình quay sang chạy xe ôm. Thoáng cái đã gần 20 năm”.
Chân vừa lội bùn gặt lúa giúp vợ xong chú Tuấn lại vội vã ra Hà Nội đứng đón khách. Năm nay cậu con trai cả Huỳnh Hải Anh, HS lớp 12 Trường THPT Thanh Liêm A của chú sẽ thi vào Trường ĐH Công nghiệp HN.
Hải Anh ra đây cũng sẽ ở trọ theo ngày cùng vài chục lao động khác như bố em. Mấy hôm đi thi, chú Tuấn cho biết sẽ dậy từ 4h để hơn 5h sáng đưa con đi thi cho khỏi tắc đường.
Điểm thi dưới Nhổn, khá xa khu trọ. Chú bảo sẽ tranh thủ chạy thêm được cuốc xe ôm nào thì càng tốt trong lúc đợi con. “Như thế vừa đỡ lo lắng vừa có thêm chút tiền để con được ăn ngon hơn mọi ngày” – chú tâm sự.
Nói về con trai, chú cười tươi chia sẻ: “Cháu học khá thôi nhưng vui là Hải Anh biết thương bố mẹ. Nghỉ hè năm ngoái cháu nhất quyết xin bố mẹ đi làm công nhân quét vôi ở khu Cầu Bươu (Hà Nội) lo tiền học đầu năm giúp bố mẹ”.
- Văn Chung