- Từ tự hào khi đỗ vào ĐH-CĐ, sau 4 năm đèn sách rồi ra trường nhiều sinh viên đã vấp phải thực tế chua chát khi đi xin việc. Những cử nhân loại giỏi giờ cũng chỉ uớc công việc với mức thu nhập đáp ứng nhu cầu tối thiểu.

MỜI CÁC BẠN THAM GIA GIAO LƯU TRỰC TUYẾN VỚI CHỦ ĐỀ:KỸ NĂNG CHO PHÁT TRIỂN, GÓC NHÌN DOANH NGHIỆP.

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ THAM GIA

Bằng…thừa

Tốt nghiệp Trường CĐ Y tế Ninh Bình với bằng giỏi, Thảo hăm hở mang hồ sơ đi đến các bệnh viện nhưng rồi 4, 5 lần cứ mang hồ sơ đi lại mang về. Không lùi bước, Thảo xin vào làm tư nhân ở các phòng khám.

Làm việc cho phòng khám của Trung Quốc được 2 tháng, Thảo xin nghỉ. Lí do vì trở ngại vấn đề ngôn ngữ cộng thêm với việc thường xuyên phải làm đến tối lại làm cả thứ bảy, chủ nhật mà lương lại thấp.

{keywords}

Ảnh minh họa. (Ảnh: Người lao động).

Sau vài lần nộp hồ sơ nhưng vì nhiều lí do như “ma cũ bắt nạt ma mới”, lương chỉ gần 2 triệu/tháng nên Thảo quyết định về quê nối nghiệp làm hương vòng của gia đình.

Nguyễn Thị Thúy, quê ở Duy Tiên (Hà Nam) tốt nghiệp khoa Du lịch, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn vào tháng 6/2011 với tấm bằng khá và một bảng điểm “đẹp”.

Vậy mà 2 năm trôi qua, Thúy vẫn không thể kiếm cho mình một công việc ổn định. Cuối năm 2012, Thúy cùng em trai quyết định mở một quán bán hàng ăn sáng tại một ngõ nhỏ trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) để mưu sinh.

Tương tự, Phạm Thị Lam quê ở Đông Hưng (Thái Bình) tốt nghiệp Trường ĐH Luật Hà Nội từ năm 2010 nhưng suốt 2 năm nay Lam vẫn không xin được việc.

Không chịu về quê theo lời khuyên của gia đình, Lam bám trụ lại thủ đô bằng việc mở một quán bán cà phê kiêm đồ ăn sáng trong con ngõ nhỏ trên phố Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng việc kinh doanh không hề dễ dàng, thua lỗ, vừa rồi cô đã quyết định sang nhượng lại cửa hàng và tiếp tục tìm vận may cho mình bằng cách đi... lấy chồng.

Vũ Thị Minh quê ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử - GDCD, Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) năm 2010 với tấm bằng giỏi nhưng giờ ngành này ở tỉnh cô đang thừa giáo viên. Thậm chí vài năm gần đây, tỉnh cô còn có chủ trương chỉ nhận giáo viên ở một số trường có tiếng như sư phạm, ngoại ngữ quốc gia, bách khoa,…

Để không quên kiến thức và nuôi ước mơ, Minh xin dạy hợp đồng ở một trường THCS với đồng lương gần 1 triệu đồng. Công việc ở trường ít tiết, Minh lại vào TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) làm nhân viên bán hàng tại một siêu thị để kiếm thêm thu nhập.

Một số bạn của Minh trong khi chờ cơ hội đi học lên cao học và đi…lấy chồng.

Những chuyện cười ra nước mắt

Đã đi làm hơn 1 năm, nhưng Nguyễn Thị Anh Tuyên, cựu SV một trường dân lập vẫn chưa nộp bằng tốt nghiệp ĐH của mình cho sếp: “Đưa bằng ra lại mắc cỡ. Mang tiếng là học 4 năm chuyên ngành Anh văn, nhưng... chỉ giao tiếp được vài câu đơn thuần, chắc thua trình độ bằng B”.

Hương, một SV cao đẳng nội vụ tốt nghiệp ra trường nhưng những kĩ năng đơn giản như thành thạo gõ 10 ngón trên máy tính hay một số công việc văn phòng, đặc biệt là kĩ năng giao tiếp kém khiến cô bạn gần như không có cửa với các ứng viên khác khi đi xin việc.

Võ Đình Dương, học ĐH tiếng Pháp, lại học thêm cả quản lý khách sạn, du lịch. Nhưng, giờ bảo một SV trong lớp đứng ra thiết kế một tour du lịch thì chịu. Cũng không ai biết được mình phải mời chào khách du lịch nước ngoài thế nào để cho có ấn tượng, tour như thế nào thì phù hợp với tâm lý của khách du lịch người Pháp...

Thái, SV Trường ĐH Giao thông vận tải tốt nghiệp năm 2010 thậm chí phải giấu bằng tốt nghiệp khi sang xin việc ở một công ty thuộc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Lí do đơn giản được công ty này ghi rõ “không tuyển người có bằng đại học”. Họ cần những SV cao đẳng nghề hơn.

Giờ đây câu chuyện như kỹ sư thất nghiệp làm xe ôm, sinh viên ra trường làm tiếp thị, đi bán hàng ở quán cà phê hay quán cơm,…đã không còn xa lạ. Tấm bằng đại học không còn là tấm vé chắc chắn cho tương lai tươi đẹp chờ đón SV sau khi ra trường.

Thực trạng báo động

Theo báo cáo mới nhất của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 20/2/2013, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 25.000 HS-SV đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm. Trong đó trình độ trên ĐH có 45 học viên, ĐH có 5.674 SV, CĐ có 6.845 SV, TCCN có 6.003 SV, còn lại là CĐ nghề và trung cấp nghề.

{keywords}

SV tìm kiếm công việc trong ngày hội việc làm tại Đà Nẵng (Ảnh: Thể thao&Văn hóa)

Một lãnh đạo ngành GD-ĐT tỉnh này chua xót cho biết: Trường ĐH Hồng Đức vốn có tiếng đào tạo sư phạm nay phải chuyển sang đa ngành. Vài năm nữa ngành sư phạm vẫn thừa giáo viên thì đào tạo ai học? Nhiều SV hệ cử tuyển của địa phương thậm chí vẫn trong tình cảnh thất nghiệp sau khi ra trường.

Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 1/10/2012, trong tổng số 984.000 người thất nghiệp có 55.400 người trình độ CĐ (chiếm 5,6%) và 111.100 người có trình độ ĐH trở lên (11,3%).

Như vậy, số lao động trình độ CĐ thất nghiệp so với tổng số lao động có trình độ CĐ được bổ sung chiếm hơn 40% và số lao động có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp so với số lao động có trình độ ĐH được bổ sung chiếm hơn 50%.

Con số này, theo Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH), tình trạng thất nghiệp có xu hướng tăng mạnh, tập trung chủ yếu ở nhóm thanh niên đô thị.

Theo TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học&Giáo dục VN giáo dục ĐH ở nước ta phát triển quá nhanh, số lượng bùng nổ, nhưng chất lượng lại tỉ lệ nghịch với số lượng.

Bên cạnh đó việc phân bố ngành học và địa bàn đào tạo cũng bất hợp lý. Có đến quá nửa các trường đại học, cao đẳng tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng phân tích, chỉ ra việc đào tạo quá “nóng” các ngành về kinh tế, quản trị kinh doanh lại, tài chính, ngân hàng… tăng đột biến khiến cung vượt cầu cũng là nguyên nhân khiến nhiều SV ra trường khó kiếm việc. Đi kèm với đó là công tác định hướng ở các cơ sở giáo dục còn nhiều bất cập, yếu kém.

Vấn đề liên kết nhà trường – doanh nghiệp không chặt chẽ dẫn tới đào tạo ồ ạt không theo nhu cầu thực tế của xã hội. Hơn nữa, nhiều trường chỉ tập trung vào số lượng nhưng chưa chú trọng tới chất lượng, đặc biệt ở ngành nghề đòi hỏi trình độ nhân lực cao.

Trong khi rất nhiều sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp thì theo rà soát nhu cầu nhân lực cả nước của Bộ LĐTBXH, giai đoạn 2011-2015, mỗi năm cần phải bổ sung 1,86 triệu lao động đã qua đào tạo nghề; giai đoạn 2016-2020, bổ sung khoảng 2,18 triệu lao động.

Phong Đăng