- Bộ GD-ĐT cho hay, đề thi ca ngợi lòng dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam góp phần xây dựng nhân cách cho học sinh. Các thí sinh, học sinh đồng trang lứa với Nam có cái nhìn đa chiều hơn thế.
Thí sinh trước giờ làm bài thi môn Văn tốt nghiệp THPT 2013. (Ảnh: Văn Chung). |
Câu chuyện học sinh Nguyễn Văn Nam hy sinh để cứu 5 em nhỏ xảy ra ở Nghệ An hồi tháng 5 vừa qua trở thành chất liệu cho đề thi tốt nghiệp ngay đầu tháng 6 này.
Tổng kết nhanh cuối ngày, Ban Chỉ đạo thi của Bộ GD-ĐT nhận định:
"Đề thi môn Ngữ văn tiếp tục được ra theo hướng mở, nhất là câu nghị luận xã hội được coi là thiết thực vì mang tính thời sự, có tính nhân văn cao, hướng thí sinh đến những sự việc, những tính cách thiết thực nhất trong đời sống, đó là sự dũng cảm, góp phần xây dựng nhân cách cho thí sinh".
Còn các thí sinh, các học sinh đồng trang lứa như Nam thì nghĩ gì?
Cổ vũ hay lựa chọn an toàn?
Trần Bảo Ngọc, học sinh TT GDTX Quận 1, TP.HCM cho rằng: “Trong xã hội, không phải ai cũng có lòng dũng cảm. Nhiều người thấy bạn làm sai nhưng không dám phê phán, chứng kiến những vụ án mạng trong học đường xảy ra nhưng khoanh tay đứng nhìn vì sợ vạ lây.
Có những trường hợp, tuy là thầy cô giáo nhưng chẳng bao giờ thừa nhận hành vi sai trái của chính mình khi đạo luận văn hay ý tưởng của người khác. Tất cả tìm cách đổ lỗi cho người khác, hay hoàn cảnh”.
Hành động của Nam, theo Bảo Ngọc: “Nếu cổ súy cho một hành động dẫn đến những tổn thương mất mát là điều không nên làm. Nhìn nhận lại sự việc này để khơi gợi, hun đúc đức tính tốt đẹp trong thế hệ trẻ là điều đúng”.
Khâm phục và cho rằng đây là hành động cần được biểu dương nhưng Phương Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Chu Văn An (Hà Nội) cho biết em không nhắc đến ý biểu dương hành động của bạn.
Cũng suy nghĩ đến việc phải lượng sức mình nhưng lại ngại không sát “ba-rem chấm điểm” của đề thi nên lựa chọn của Phương Linh là viết theo lối “an toàn”, trung dung. Đây là lựa chọn của khá nhiều bạn khi viết câu này.
Dẫu cho rằng: “Muốn cứu người nên suy nghĩ cách làm và tìm sự giúp đỡ từ người khác” và “hành độngcứu người như vậy không hẳn nên làm vì khá nguy hiểm” nhưng Vũ Công Minh, lớp 12D0, Bí thư đoàn Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) thừa nhận: “Trong bài viết này, phần lớn em vẫn biểu dương, khâm phục hành động của Nam”.
Trong khi đó, thí sinh Đặng Phương Linh (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM) khẳng định: “Bản thân bạn Nam khi cứu người không nghĩ gì đến việc được hay mất.
Nếu suy tính sẽ không có lòng dũng cảm như thế. Nhìn vào quá khứ, nếu cá nhân nào bán nước để thụhưởng một cuộc sống nhiều tiền, lắm của thì sẽ không có đất nước Việt Nam hòa bình, tự do như ngày nay.
“Hôm nay, một triệu thí sinh thi tốt nghiệp sẽ có một triệu bạn trẻ đề cập đến vấn đề này. Bản thân em cũng viết lòng dũng với một sự ngưỡng mộ, thán phục bạn Nam. Nên nhìn sự việc ở chiều hướng nhân văn để nhân lên lòng tốt, chứ không phải so đo tính toán được- mất. Câu hỏi mang giá trị nhân văn và hiệu ứng, ít nhất nó đã lan tỏa trong một triệu học sinh”- Thí sinh Văn Quyết tại Hội đồng thi Trường THPT Gia Định (TP.HCM) phản bác.
Để nước mắt không còn rơi
Ngọc Trang, học sinh lớp 12 tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc chia sẻ: “Đây thực sự là câu hỏi khó viết. Bản thân sinh ra ở nông thôn, cũng biết bơi nhưng em sẽ hô hào mọi người tới cứu giúp trước. Như vậy cũng là cách giúp cả các em nhỏ đang đuối nước và chính mình”.
Đồng quan điểm Hà Đan, hotgirl Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ bạn hơi bất ngờ vì câu 3 điểm mọi năm hỏi nhiều về hiện thực đời sống hay tư tưởng đạo lý có chút xa xôi. Đề năm nay lại nêu tấm gương gần gũi để học sinh tự nhận xét, đánh giá.
Ngưỡng mộ cách sống của người bạn đồng trang lứa đã xả thân cứu người Hà Đan đồng thời cũng nêu thực tế về xã hội có nhiều người vô cảm, ích kỉ, nhiều bạn thản nhiên quay clip đánh bạn hay thấy tai nạn không giúp người.
Điều Hà Đan tiếc là không nêu được bài học rút ra như việc nhắc nhở bản thân và mọi người rèn luyện thể thao để sức khỏe tốt, cố gắng sẽ không thiệt mạng như vậy.
“Hành động của Nam xuất phát từ tình thương nhưng nếu bình tĩnh hơn em nghĩ các bạn nên hô hào để mọi người cùng giúp đỡ. Cách làm của bạn đáng khâm phục song chưa thực sự đúng” – Hà Đan bộc bạch.
Huyền My, một hotgirl (đã giành giải thưởng siêu mẫu ăn ảnh tại cuộc thi Siêu mẫu châu Á 2011) hiện là học sinh lớp 12 Trường THPT Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) cho biết: “Vì câu hỏi lạ nên một số bạn em không viết được nhiều. Một số lúng túng, đắn đo đã bỏ câu này”.
Bản thân Huyền My cũng suy nghĩ nhiều khi đặt bút viết câu này. Cô bạn nêu quan điểm: “Rõ ràng hành động của Nam đáng được tuyên dương. Là em, một người biết bơi có thể trong tình huống gấp gáp như thế em cũng sẽ hành động như bạn”.
Nhưng em buồn nhiều khi biết gia đình Nam chỉ có mình bạn. Bố mẹ bạn sẽ đau khổ nhiều lắm khi bạn mất đi. Thế nên nếu bình tĩnh em sẽ suy nghĩ lượng sức mình để vừa giúp cứu được những em nhỏ vừa bảo vệ được bản thân. Và nước mắt buồn đau sẽ không phải rơi nữa ”.
Phong Đăng – Lê Huyền