- Trao đổi với VietNamNet - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: "Các bậc phụ huynh có con sắp vào lớp 1 cần tìm hiểu về tác hại của việc học chữ trước của trẻ, không cho con học chữ trước...."


Học trước là phản khoa học

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việc phụ huynh có con năm tới vào lớp 1 cho các con đi học chữ trước là phản khoa học. Bởi lẽ, trước 6 tuổi trẻ em có các trường mầm non với chương trình nuôi dạy riêng, phù hợp với lứa tuổi, được chơi với các đồ vật có in các chữ cái và chữ số, có các hoạt động để trẻ làm quen với các chữ cái và các chữ số.

Còn tại trường tiểu học, các cháu vào lớp 1 thường được tập trung đến trường trước khi khai giảng năm học để làm quen về nền nếp học tập, vệ sinh học đường… giúp các cháu chuyển dần từ “hoạt động chơi” ở mầm non sang “hoạt động học” ở lớp 1.

Việc “đi học chữ trước khi vào lớp 1” ngoài làm mất đi sự chuẩn bị đó. Hơn nữa, trẻ được đi luyện chữ trước dễ làm cho trẻ chủ quan, ảo tưởng bởi tâm lí “biết rồi” khi học lớp 1 cùng các bạn, sẽ không tốt đối với tâm lí nhận thức của trẻ.

Mặt khác, nếu người dạy không chu đáo thì việc hướng dẫn cầm bút (vẽ, tô mầu…), tư thế ngồi,… sẽ thiếu “chuẩn mực”, sẽ rất khó sửa khi các cháu chính thức học ở lớp 1. Ngay cả khi có được sự “chuẩn mực” thì cũng là ép sớm việc làm, sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển hệ cơ, xương và thần kinh, gây ra những khiếm khuyết về sau.

- Sự lý giải của phụ huynh phải cho con đi học trước lớp 1 là vì sĩ số lớp lên đến 60 cháu, cô “không đủ sức” kèm được hết, như vậy con mình sẽ không theo kịp trong khi nhiều bạn cũng đi học trước. Việc này mấy năm gần đây trở nên như một phong trào. Bộ GD-ĐT có biết chuyện này không và nhìn nhận ra sao trước thực tế này, thưa ông?

Lớp học có đến 60 cháu và việc phụ huynh cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 là có thật, tuy nhiên những hiện tượng này chỉ ở những thành phố lớn và cũng không đạt đến mức phong trào.

Các cấp quản lí địa phương cần giải quyết để giảm được sĩ số học sinh trong lớp. Trong khi lớp vẫn quá đông, các gia đình cũng không nên ép trẻ em đi học trước lớp 1 mà nên chủ động trợ giúp học sinh lớp 1 học tại nhà theo chương trình chính khoá.

Nhà trường và giáo viên cần phối hợp, hướng dẫn cha mẹ học sinh làm việc này. Tại các công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo “Không tổ chức dạy học trước và không thi tuyển học sinh vào lớp 1”.

Phụ huynh nên "cứng rắn"

- Không phủ nhận là vẫn có một số ít phụ huynh “cứng rắn” không cho con đi học trước, nhưng lại vấp phải tình trạng cô giáo “tỏ thái độ” khi thấy con mình đuối hơn so với các bạn khác, có góp ý lại sợ “cô không vui”. Theo ông, gặp phải thực tế đó, các phụ huynh sẽ phải ứng xử ra sao?

Trong thực tế vẫn có một số “con sâu làm rầu nồi canh”. Sai phạm này trước hết là lỗi của giáo viên, nhưng nhà trường có khuyết điểm trong trách nhiệm quản lí. Theo tôi thì phụ huynh nên tiếp tục “cứng rắn”.

Kết quả học tập đòi hỏi một quá trình, giáo viên và phụ huynh phải biết động viên học trò kiên nhẫn phấn đấu đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng; không được khuyến khích sự so sánh, ganh đua với các bạn trong lớp. Mỗi gia đình phải ý thức rõ việc này và cũng cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.

- Ông có lời khuyên nào cho những phụ huynh cho con học trước lớp 1? Bộ GD-ĐT có giải pháp gì trước mắt để hạn chế việc học trước mà trẻ vào lớp 1 vẫn được chăm sóc bình đẳng như nhau?

Họ đang ép các cháu chứ không phải là cho các cháu đi học trước chương trình của lớp 1. Đáng tiếc là hiện nay nhiều tài liệu có nội dung liên quan đến giáo dục lưu hành ngoài nhà trường đang vô tình khuyến khích việc này.

Các bậc phụ huynh có con sắp vào lớp 1 cần tìm hiểu về tác hại của việc học chữ trước khi vào lớp 1 của trẻ, không cho con học trước lớp 1, hãy cho các con đến học tại trường mầm non.

Dạy học trước chương trình lớp 1 thực tế là đã vi phạm qui định về dạy thêm học thêm. Các cấp quản lí, các trường tiểu học có trách nhiệm ngăn chặn việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1.

Chương trình học không nặng?

(Ảnh minh họa: Bích Ngọc)

- Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chương trình học quá nặng, không học trước thì trò khó theo và cô cũng không đủ thời gian giảng trên lớp. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Về cơ bản phải khẳng định rằng chương trình GDPT của nước ta không nặng, thậm chí còn nhẹ hơn so với chương trình của các nước tiên tiến trên thế giới cũng như trong khu vực. Tuy nhiên vẫn có những yếu tố gây “quá tải” không đáng có.

Bộ đã hướng dẫn phương hướng điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông nói chung và hướng dẫn cụ thể đối với từng môn học.

Cũng cần nói thêm rằng, đa số học sinh đi học thêm sẽ bị “quá tải” vì hầu hết các bài dạy ở các lớp học thêm là những bài nâng cao, bài khó, do vậy càng học thêm nhiều càng “quá tải”.

Việc trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 không diễn ra ở các vùng núi, vùng khó khăn mà thường chỉ có ở các vùng thuận lợi, nhất là ở các thành phố lớn. Như vậy nguyên nhân không phải do chương trình.

- Hướng điều chỉnh chương trình, và sách giáo khoa sau năm 2015 cụ thể thế nào, thưa ông?

Bộ đang tiếp tục thực hiện rất nhiều công việc để xây dựng chương trình, và sách giáo khoa sau năm 2015 theo hướng phát triển năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp, đảm bảo hội nhập quốc tế.

Chương trình giáo dục sẽ đổi mới cả mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập.

- Xin cảm ơn ông!

  • Bảo Anh (thực hiện)