- Những ngày PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế nằm trong Bệnh viện 108, luôn luôn có các gương mặt học trò túc trực đêm, ngày đến mức bệnh viện cũng ngạc nhiên vì hiếm có trường hợp như vậy....
PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế. Ảnh: Facebook ĐHKHXH&NV Hà Nội |
PGS.TS Nguyễn Hải Kế có tiền sử huyết áp cao từ nhiều năm nay và vẫn thường phải uống thuốc hỗ trợ. Tuy vướng căn bệnh tiềm tàng nhiều nguy hiểm này nhưng ông không thường quan tâm, đề phòng nhiều, đặc biệt thường hoạt động trí óc nhiều.
Vào hôm xảy ra sự việc đáng tiếc, ông đang viết dở một công trình khoa học, tập trung cao độ nên có căng thẳng. Sau đó ông đứng lên thư giãn, ra ngoài cho gà ăn, cũng không đề phòng đến sự thay đổi trạng thái đột ngột và cứ thế xỉu dần.
Nghĩ là tình trạng thay đổi huyết áp như thông thường, ông được người nhà đưa đến nơi khám chữa quen thuộc lâu nay là cơ sở Đông y Kiên Giang. 3 tiếng sau, khi Đông y không can thiệp được, ông được chuyển sang Viện Quân Y 108 có phần muộn màng. Bệnh viện kết luận ông bị xuất huyết não.... Tuy nhiên, trong mấy hôm đầu vẫn còn hy vọng cứu được, sau đó thì cơ thể cứ phù dần…
Những ngày nằm viện, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế đã được các bác sĩ cố gắng hết mức để cứu chữa. Nhiều học trò, cựu học trò của ông sớm biết tin, đã thay nhau vào túc trực tại Viện bên thầy. Suốt ngày đêm, thay phiên nhau, bệnh viện không cho vào đông còn trốn, đến mức các nhân viên, bác sĩ của bệnh viện cũng phải ngạc nhiên, vì hiếm người bệnh nào được hưởng sự tận tình, hết lòng ấy.
Những lời tiếc thương, trân trọng...
Khoa Sử của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội là cái nôi của rất nhiều trí thức tên tuổi trong ngành. Có thể kể đến như bộ tứ trụ Lâm – Lê – Tấn – Vượng (GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn và GS Trần Quốc Vượng), hay GS Vũ Dương Ninh, GS Nguyễn Quang Ngọc…
PGS, TS Nguyễn Hải Kế - người đương nhiệm Chủ nhiệm Khoa trước khi từ trần – không phải là một cái tên quá nổi tiếng và quen thuộc với công chúng, tuy nhiên ông lại là một người rất uy tín với các thế hệ học sinh, sinh viên của khoa.
Hình ảnh PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế được đăng trang trọng trên trang chủ
Facebook ĐH KHXH&NV Hà Nội. |
Thông tin về sự ra đi của ông, đăng tải trên trang Facebook của Trường đã nhận được rất nhiều những quan tâm, tiếc thương, chia sẻ của các học trò, cựu học trò, và những người quen biết, với những lời trân trọng.
Những học trò trực tiếp của thầy Kế chia sẻ nhiều những kỷ niệm, những ấn tượng vô cùng tốt đẹp về người thầy của mình, với những lời tha thiết.
Chủ nhân Facebook Hạnh Hiền Hoàng Phan viết: “Càng nhìn em lại càng nhớ thầy nhiều hơn. Thầy cười rất hiền, thầy giảng rất hay, thầy làm việc vừa nghiêm túc vừa vui vẻ. Được học thầy, được nghe thầy trò chuyện, chia sẻ là một trong những niềm hạnh phúc nhất của em. Em vẫn chưa kịp nói được là học sinh của thầy là niềm tự hào của em như thế nào, vậy mà thầy đã nỡ bỏ chúng em lại....”.
“Thầy có dạy thay ở lớp mình một buổi môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam - cách đây đã hơn 10 năm nhưng đã để lại trong mình nhiều ấn tượng về một người thầy vừa nghiêm khắc nhưng cũng rất bao dung...” - Facebook Dao Lan Huong chia sẻ.
Có những người chỉ biết đến ông qua chương trình Theo dòng Lịch sử của Đài Truyền hình Việt Nam mà ông là cố vấn cũng dành nhiều quý mến. Bạn Khổng Thuận chia sẻ: “Em được biết thầy qua chương trình Theo dòng Lịch sử. Dù không được học thầy nhưng qua chương trình em thấy thầy là 1 người tài giỏi và em rất kính trọng thầy”.
Người chân tình hiếm có
GS Phan Huy Lê, một trong những tên tuổi lớn nhất của giới Sử học Việt Nam là thầy của PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế. Chia sẻ về sự ra đi này, ông lặng buồn tiếc thương người học trò được mình yêu mến nhất.
Ông cho biết, GS. TS Nguyễn Quang Ngọc đang soạn viết một bài về tiểu sử, cuộc đời PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế để đăng tải trên tạp chí Xưa và Nay – cơ quan ngôn luận của Hội Sử học Việt Nam. Bản thân GS Lê đang bận rộn với nhiều công việc dù đã ở tuổi 80, cũng sẽ viết những dòng chia sẻ với người học trò, người đồng nghiệp gắn bó của mình.
PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế (ngồi) luôn được những người quen biết quý mến bởi sự hiền lành, giản dị và phúc hậu. |
Ngoài khả năng chuyên môn, PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế trong cuộc sống là một người rất giản dị, ít tham sân si và có phần quyết liệt trong mục tiêu nghề nghiệp. Trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo về nghề giảng viên, ông đã có những chia sẻ hết sức chân tình “Khát vọng các nhà khoa học có thể sống được bằng chuyên môn chưa thể trong đất nước này, khi mà nền phông chung của bản thân các trí thức lớn cũng chưa đạt đến tầm trung của khu vực. Chọn nghề giảng viên thì phải xác định tinh thần đó.
Ví dụ, lương cứng kể cả phụ cấp của tôi hiện tại là 3,5 triệu, sau mấy chục năm công tác… Nếu cứ thở vắn than dài thì chưa phải cán bộ yêu nghề thực sự. Thử hỏi có đất nước nào mà lương của công chức nhà nước thấp thế không? Con gái tôi cũng là giảng viên trẻ. Tôi nói với nó: "Khi bố chọn nghề này, bố cũng phải chấp nhận đặt sang một bên những mong muốn về vật chất. Phải biết chọn lựa".
Trong câu chuyện, vợ của GS Phan Huy Lê liên tục nhắc đi nhắc lại những lời tiếc thương dành cho người bạn thân thiết lâu năm của gia đình. “Người tài cũng chẳng hiếm lắm, người khôn ngoan cũng nhiều, nhưng rất ít người như thế. Hiền lành, thật thà, phúc hậu, chân tình, đáng tin cậy. Đối với học trò rất nhân ái, đối với tất cả mọi người rất thật. Một trong những người học trò mà nhà tôi quý nhất”.
Bà cũng cho hay, có những cựu học trò của PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế bên Pháp, bên Mỹ biết tin cũng gọi điện ngay về hỏi thăm.
- Lê Minh Phương